V.I.Lê-nin sinh ngày 22/4/1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk), trong một gia đình trí thức tiến bộ. Người là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới; Người bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa; Người sáng lập Nhà nước Xô Viết - nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới và lãnh đạo nhân dân Liên Xô bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực.

Ngay khi còn ít tuổi, qua gia đình và người thân, Lê-nin đã tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ, căm ghét chế độ độc tài Nga hoàng. Năm 18 tuổi, ông nghiên cứu những tác phẩm của C.Mác, Ph.Ăngghen, G.V.Plêkhanốp và bắt đầu tham gia cách mạng, tuyên truyền tư tưởng mác-xít. Năm 1891, Lê-nin tốt nghiệp ngành luật, Trường Đại học Petersburg và từ năm 1893 trở thành người lãnh đạo nhóm mác-xít ở Saint Petersburg. Năm 1894, Lê-nin vào Đảng Xã hội Dân chủ Nga. Từ đấy, ông là một trong những nhà tổ chức, lãnh đạo cách mạng Nga.
54 tuổi đời, gần 30 năm hoạt động vì sự nghiệp cao cả, Lê-nin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc, vì hạnh phúc của con người. Những tư tưởng của Lê-nin đã trở thành ngọn đuốc soi đường, chỉ lối cho Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, tư tưởng của V.I.Lê-nin với việc xây dựng tổ chức và bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đang được Việt Nam vận dụng hiệu quả.

V.I.Lê-nin đã khẳng định nhà nước kiểu mới của nhân dân lao động hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phải đủ sức kiểm kê, kiểm soát toàn bộ các hoạt động kinh tế, quản lý hữu hiệu toàn bộ đời sống xã hội. Để nhà nước làm tốt chức năng cơ bản là tổ chức xây dựng xã hội mới, theo V.I.Lê-nin, điều quyết định nhất là thu hút được đông đảo nhân dân tham gia vào các công việc quản lý nhà nước, tạo điều kiện thiết thực cho nhân dân có thể giám sát được hoạt động chính quyền của mình từ Trung ương đến cơ sở.
Theo V.I.Lê-nin: "Chúng ta phải thực hành tiết kiệm tột mức trong bộ máy nhà nước của chúng ta… chỉ có làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức, chỉ có giảm bớt đến mức tối đa tất cả những cái không tuyệt đối cần thiết, chúng ta mới có thể đứng vững được”.
V.I.Lê-nin yêu cầu phải kiên quyết tinh giảm bộ máy, cắt bỏ những bộ phần thừa theo nguyên tắc “thà ít mà tốt”. Lê-nin cho rằng, có tình trạng “thừa” những con người không biết làm gì để bộ máy hoạt động năng động và có hiệu quả, nhưng lại rất thiếu những người thành thạo biết quản lý nhà nước. V.I.Lê-nin đòi hỏi phải tăng sức sống cho bộ máy bằng cách đưa vào đó “Trước hết, những công nhân tiên tiến và sau đó những phần tử thực sự có học thức mà người ta có thể tin chắc rằng họ sẽ không tin một lời nào, không nói một lời nào trái với lương tâm của họ”. Phải học cách quản lý nhà nước, kể cả học những cái hay trong khoa học quản lý nhà nước của các nước tư bản tiên tiến.

Vận dụng tư tưởng của V.I.Lê-nin, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng xây dựng tổ chức bộ máy trong toàn hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trong nhiều giai đoạn, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này, như: Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của của các đơn vị sự nghiệp công lập; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Nghị quyết 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam xác định quyết liệt sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là một cuộc cách mạng tạo động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trung ương đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nội dung này như: Kết luận số 121-KL/TW, ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kết luận số 126-KL/TW, ngày 14/02/2025, Kết luận số 127-KL/TW, ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kế hoạch 47-KH/BCĐ ngày 14/4/2025 về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp….
Xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đang được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; dưới sự chỉ đạo của Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đang nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ, ý chí, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đông đảo quần chúng nhân dân và toàn xã hội.
Để thực hiện thắng lợi những chủ trương, quyết sách lịch sử của Đảng, cần sự tham gia vào cuộc mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân phải quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc để góp phần xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, đưa đất nước ta phát triển phù hợp với sự thay đổi của thời đại, bước vào kỷ nguyên mới, khẳng định uy tín và vị thế quốc gia.