Phát huy vai trò đơn vị đỡ đầu trong xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Ban Chỉ đạo 1056 Hà Tĩnh đã phân công cho 51 sở, ngành, doanh nghiệp đỡ đầu 10 địa phương tháo gỡ khó khăn, triển khai nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

bqbht_br_dsc-5143-copy.jpg
Người dân thị trấn Lộc Hà hỗ trợ hộ dân khó khăn tháo dỡ nhà cũ.

Ngày 1/4/2025, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 1056) đã ban hành Quyết định số 05-QĐ/BCĐ về việc phân công nhiệm vụ đỡ đầu thực hiện chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ban chỉ đạo phân công 51 đơn vị sở, ngành, doanh nghiệp tham gia đỡ đầu 10 địa phương thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát; trong đó giao 10 đơn vị chủ trì và 41 đơn vị phối hợp cùng thực hiện chương trình. Riêng 2 địa phương là thị xã Kỳ Anh và thị xã Hồng Lĩnh không phân công đơn vị đỡ đầu do số lượng nhà ít, địa phương đã chủ động triển khai và hiện không có khó khăn cần hỗ trợ.

Thực hiện nhiệm vụ đỡ đầu, các đơn vị sẽ hướng dẫn địa phương về hồ sơ, thủ tục thực hiện chương trình theo đúng quy định. Đồng thời, hỗ trợ địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình tại địa bàn được phân công đỡ đầu. Các đơn vị đỡ đầu cũng sẽ trực tiếp hoặc vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tài trợ nguồn lực hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp nhà ở cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

bqbht_br_dcs-452-copy.jpg
Các đơn vị được giao đỡ đầu huyện Can Lộc đã trực tiếp tìm hiểu từng hoàn cảnh và trao hỗ trợ 8 hộ dân, mỗi nhà 70 triệu đồng.

Là những đơn vị được phân công chủ trì đỡ đầu huyện Can Lộc xóa nhà tạm, nhà dột nát, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cùng các đơn vị phối hợp đã làm việc, khảo sát thực tế chương trình ở huyện, từ đó họp bàn phương án hỗ trợ phù hợp. Theo đó, toàn huyện Can Lộc được tỉnh phê duyệt hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 119 nhà (84 hộ nghèo, cận nghèo; 35 hộ người có công với cách mạng); trong số đó có 8 hộ (7 hộ nghèo, cận nghèo và 1 hộ người có công với cách mạng) không thể có nguồn huy động hỗ trợ khác, rất cần sự chung tay đỡ đầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở NN&MT Trần Hữu Khanh cho biết: “Sau khi làm việc với huyện xác định rõ khó khăn, sở đã phối hợp với các đơn vị đỡ đầu gồm Bảo hiểm Xã hội khu vực XX, Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải lên phương án hỗ trợ. Các đơn vị đỡ đầu thống nhất hỗ trợ thêm kinh phí cho 8 hộ dân khó khăn xây dựng nhà mới, mỗi hộ 70 triệu đồng. Tổng kinh phí thực hiện đỡ đầu 560 triệu đồng, trong đó, Sở NN&MT 210 triệu; Bảo hiểm Xã hội khu vực XX 140 triệu; Trường Cao đẳng Y tế 70 triệu; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải 140 triệu.

Như vậy, cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh và các đơn vị đỡ đầu, 8 hộ dân này mỗi hộ được hỗ trợ 140 triệu đồng xây dựng nhà ở. Nguồn kinh phí này được các cán bộ, công chức, người lao động đóng góp trích từ ngày lương làm việc. Ngoài hỗ trợ kinh phí, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng địa phương, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình và kịp thời hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc nếu có”.

bqbht_br_dcs-54-copy.jpg
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh tìm hiểu để hỗ trợ Hương Sơn xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Ngay sau khi được giao đỡ đầu huyện Hương Sơn xóa nhà tạm, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì mời các đơn vị cùng đỡ đầu gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Tư pháp, Hội Nông dân, Chi Cục thuế khu vực XI làm việc với huyện Hương Sơn để bàn phương án hỗ trợ. Trên cơ sở đề xuất của huyện, sau khi họp bàn thống nhất với các đơn vị, MTTQ tỉnh đã ban hành kế hoạch và phân công cụ thể đỡ đầu cho 23 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi đơn vị đỡ đầu 3-5 hộ. Sau phân công, các đơn vị đã trực tiếp đến tận các hộ gia đình đỡ đầu để khảo sát, nắm bắt nhu cầu và lên kế hoạch vận động nguồn lực hỗ trợ.

Bà Hà Thị Việt Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chia sẻ: “Qua khảo sát, các hộ dân có nhu cầu cần hỗ trợ về kinh phí, vật dụng thiết yếu trong gia đình. Theo kế hoạch đã phân công, các đơn vị đang tích cực vận động nguồn lực để hỗ trợ. Hiện nay, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đơn vị đã vận động nguồn lực gần 100 triệu đồng hỗ trợ các hộ dân, chúng tôi sẽ tiến hành trao tặng sớm để người dân kịp thời hoàn thành nhà đảm bảo tiến độ trước 19/5. Ủy ban MTTQ tỉnh và các đơn vị đỡ đầu sẽ tiếp tục đồng hành cùng các gia đình đến khi hoàn thành xây dựng nhà ở”.

bqbht_br_dcs-534-copy.jpg
Chi Cục thuế khu vực XI trao quà hỗ trợ hộ dân ở xã Sơn Giang (Hương Sơn).

Hiện nay, hầu hết các đơn vị được giao đỡ đầu đều đã tích cực vào cuộc, đồng hành cùng các địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát. Không chỉ hỗ trợ nguồn lực, các đơn vị sở, ngành cấp tỉnh còn hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương về hồ sơ, thủ tục thực hiện chương trình theo đúng quy định.

Bà Lương Thị Huệ (xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc) xúc động: “Hoàn cảnh quá khó khăn, bản thân tôi là hộ nghèo, sức khỏe yếu, không có thu nhập nên dù được nhận nguồn hỗ trợ của tỉnh nhưng tôi cũng không thể có thêm nguồn lực nào để có thể làm nhà. Nhờ có sự hỗ trợ của các đơn vị đỡ đầu, ước mơ của tôi về một mái ấm kiên cố đã trở thành hiện thực. Tôi vô cùng biết ơn và xúc động!”.

bqbht_br_dscs-341.jpg
Sự hỗ trợ vô cùng ý nghĩa, kịp thời từ các đơn vị đỡ đầu giúp bà Huệ (xã Vượng Lộc, Can Lộc) có thêm động lực vươn lên.

Bày tỏ cảm kích trước chủ trương, cách làm của Ban Chỉ đạo 1056 và sự vào cuộc kịp thời của các đơn vị đỡ đầu, Phó Bí thư Huyện ủy Hương Sơn Nguyễn Việt Dũng chia sẻ: “Hương Sơn có số hộ dân cần xóa nhà tạm, nhà dột nát rất lớn với hơn 300 ngôi nhà. Thời gian qua, cùng với nguồn lực của tỉnh, cả hệ thống chính trị huyện đã vào cuộc mạnh mẽ, huy động xã hội hóa nhưng vẫn còn rất nhiều hộ khó khăn cần thêm sự chung tay của cả cộng đồng. Sự hỗ trợ kịp thời, sát sao và sát nhu cầu từ các đơn vị đỡ đầu đã thực sự giúp địa phương cũng như người dân hóa giải những khó khăn”.

Sự hỗ trợ, đỡ đầu cả về nguồn lực và thủ tục từ đơn vị đỡ đầu dành cho các địa phương lúc này là vô cùng cần thiết trong bối cảnh chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đang dần "đếm ngược" về đích. Đây không chỉ thể hiện tinh thần, trách nhiệm chung tay vô cùng lớn của cả cộng đồng doanh nghiệp, hệ thống chính trị đối với người nghèo, hộ gia đình chính sách mà còn thể hiện cách làm sáng tạo, linh hoạt và đầy quyết liệt của Hà Tĩnh trong triển khai chủ trương lớn của Trung ương.

Chủ đề Xóa nhà tạm, nhà dột nát

Đọc thêm

Kết luận của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới

Kết luận của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới

Ngày 14/4, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Kết luận của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp uỷ cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới (Kết luận số 150-KL/TW).
Giữa tháng Tư lịch sử

Giữa tháng Tư lịch sử

Tháng Tư, từ nửa thiên niên kỷ nay, với người Việt, có thêm một tên gọi mới - tháng Tư lịch sử. Với người Hà Tĩnh - nơi từng bị chiến tranh tàn phá, tháng Tư cũng thật đặc biệt.
Chủ động công tác chuẩn bị, hướng tới tổ chức đại hội Đảng

Chủ động công tác chuẩn bị, hướng tới tổ chức đại hội Đảng

Sau thành lập, cùng với triển khai các nhiệm vụ được giao, Đảng ủy UBND tỉnh Hà Tĩnh và các đảng bộ, chi bộ trực thuộc đều chủ động chuẩn bị các nội dung, sẵn sàng điều kiện tổ chức đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025-2030 khi có chỉ đạo, hướng dẫn mới từ Trung ương và Tỉnh ủy.
Những thành tựu của Hà Tĩnh sau 50 năm đất nước thống nhất

Những thành tựu của Hà Tĩnh sau 50 năm đất nước thống nhất

Sau khi đất nước thống nhất, Hà Tĩnh đã tập trung khắc phục khó khăn, thách thức, phát huy tiềm năng lợi thế, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên các lĩnh vực. Hà Tĩnh từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ khu vực cũng như cả nước.
Cơ quan Tỉnh ủy Hà Tĩnh triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Cơ quan Tỉnh ủy Hà Tĩnh triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng đề nghị cán bộ, công chức cơ quan Tỉnh ủy Hà Tĩnh tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hiệu quả; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đưa chuyển đổi số vào lãnh đạo, điều hành, cải cách hành chính; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ...