Chuyện cầu thủ nhập tịch: Một câu hỏi lớn...

Sau hơn 10 năm đặt dưới sự điều hành của VFF, V-League đã nảy sinh rất nhiều vấn đề nghiêm trọng, bên cạnh những thành tựu rõ rệt về chuyên môn. Trong số này, tình trạng các đội bóng đua nhau sử dụng ngoại binh nhập tịch đang bị xem là một vấn nạn làm ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển về lâu về dài của bóng đá VN.

Câu chuyện thể thao

Cần phải khẳng định ngay rằng hầu hết các ngoại binh khi tới V-League tìm việc chủ yếu là bởi họ không thể kiếm việc ở một nơi nào khác, và điều đó nghĩa là năng lực của số ngoại binh này chỉ ở mức độ vừa phải. Bên cạnh đó, để đạt được điều kiện nhập quốc tịch VN thì ngoại binh phải có ít nhất 5 năm liên tục thi đấu ở VN (một số ít ngoại binh trở thành cầu thủ nội do lập gia đình với một phụ nữ VN, như trường hợp của Kesley Huỳnh Alves), nên khi được công nhận như là cầu thủ nội thì phần lớn các ông Tây nhập tịch đều đã ở tuổi băm và giá trị sử dụng của họ không thể xem là lâu dài.

Nguyễn Rogerio
Nguyễn Rogerio

Biết rõ như thế nhưng do lợi thế của việc “yếu trâu còn hơn khoẻ bò” quá dễ để nhìn thấy nên các đội bóng vẫn đua nhau tìm cách nhập tịch cho ngoại binh, và các ông Tây đủ thâm niên chơi bóng 5 năm ở VN bỗng nhiên lại trở nên có giá, kể cả với những ngoại binh đã không còn năng lực chơi bóng ở mức độ trung bình như Amaobi.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là trong lịch sử hơn 10 năm của V-League, đã có nhà quán quân nào mà ngoại binh nhập tịch đóng vai trò quan trọng trong hành trình đăng quang của họ? Câu trả lời là rất ít, khi chỉ có SHB.ĐN với Nguyễn Rogerio (vô địch năm 2009) và SLNA với Nguyễn Hoàng Helio (vô địch năm 2011) là có sử dụng ngoại binh nhập tịch trong đội hình chính thức, còn B.BD hay HN.T&T đều lên ngôi với thành phần “cây nhà lá vườn” là chính.

Thực tế cho thấy, sử dụng ngoại binh nhập tịch chỉ là biện pháp mang tính “giật gấu vá vai” nhắm tới thành tích trước mắt, còn để xây dựng tương lai lâu dài và vững chắc cho đội bóng thì phát triển lực lượng cầu thủ bản địa vẫn là cách làm cơ bản và hiệu quả nhất. Ai cũng thấy HN.T&T đã trở thành đội bóng đáng xem bậc nhất V-League từ 2, 3 mùa bóng trở lại đây chỉ với dàn cầu thủ chủ yếu là nội binh thực sự, còn V.Ninh Bình dù có lúc có thể tung ra tới 7 “Tây” trong đội hình song cũng chưa bao giờ chen chân nổi vào tốp có huy chương trong mấy năm chơi bóng ở V-League.

Thất bại của các ĐTQG ở sân chơi khu vực 2 năm gần đây cũng có một phần nguyên nhân không nhỏ do thói quen lạm dụng ngoại binh nhập tịch của các CLB, và từ đó dẫn tới tình trạng các tài năng trẻ nội địa bị thui chột dần dần vì không có cơ hội ra sân. Vậy mới có chuyện một đất nước có tới cả trăm triệu dân như VN nhưng 2 năm qua các ĐTQG đều thua liểng xiểng ở giải khu vực vì đúng một lý do là thiếu cầu thủ giỏi ở vị trí tiền đạo mũi nhọn.

Tất nhiên, không thể quy toàn bộ trách nhiệm cho VFF trong việc để tình trạng ngoại binh nhập tịch lan tràn và mất kiểm soát như hiện nay, bởi đây là sản phẩm được khai sinh lần đầu tiên tại VN do công của những ông bầu hiện đang giữ cương vị lãnh đạo cao cấp trong VPF. Hơn nữa, có nhiều hay ít ngoại binh nhập tịch với VFF cũng không có ý nghĩa gì, bởi số cầu thủ này không được sử dụng cho ĐTQG, nên được nhận lợi ích lớn nhất từ việc sử dụng ngoại binh nhập tịch chỉ có thể là các ông bầu, mà giờ có không ít người đang giơ cao lá cờ vì tương lai lâu dài của bóng đá VN.

Vậy thì, để làm gương cho các đội bóng khác ở V-League, các ông bầu trong VPF có dám nói không với ngoại binh nhập tịch (tất nhiên bằng những biện pháp tế nhị và khéo léo) để trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ bản địa hay không, kể cả trong trường hợp CLB của họ có thể sẽ phải gặt hái kết quả không như ý muốn? Dám không?

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast