Di vật liệt sĩ ở Bảo tàng Quân khu 4

Chiến tranh kết thúc, Bộ Tư lệnh Quân khu (QK) 4 tổ chức qui tập mộ liệt sĩ về các nghĩa trang. Đến nay, toàn QK đã qui tập được 22.728 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào, 10.654 hài cốt liệt sĩ trong nước. Trong đó có nhiều liệt sĩ không xác định được tên tuổi, quê quán. Trong mộ một số liệt sĩ còn để lại di vật...

Bảo tàng QK 4 đang lưu giữ trên 2.000 di vật liệt sĩ. Ảnh: internet
Bảo tàng QK 4 đang lưu giữ trên 2.000 di vật liệt sĩ. Ảnh: internet

Hiện nay, Bảo tàng QK 4 đang lưu giữ trên 2.000 di vật liệt sĩ. Nhờ các di vật này đã trả lại tên tuổi cho trên 300 liệt sĩ. Với khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin nêu lên những đặc điểm của di vật mới thu được. May ra, gia đình các liệt sĩ, đồng đội có thêm thông tin về người thân, đồng chí của mình.

Ngày 29/10/2012, Đội qui tập mộ liệt sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình qui tập mộ anh em chôn cất ở hang Phả Đàng, bản Phôn Khăm, huyện Ha Ma Xay, tỉnh Khăm Muộn ở nước bạn Lào, phát hiện trong mộ một đồng chí có 2 đôi dép cao su trẻ em, cắt bằng lốp xe rất đẹp. Anh em xác định, đồng chí này cắt dép cho 2 đứa con trai của mình, khoảng 7-8 tuổi nhưng chưa có thời gian về quê đưa cho con. Trong túi liệt sĩ còn có 1 cúc áo, 1 máy lửa và hộp cao sao vàng. Mã số mộ chí số 9, phần mộ hiện nay mai táng ở nghĩa trang Ba Dốc, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Sau đó, ngày 2/11/2012, tại địa điểm trên, anh em thấy trong mộ một đồng chí có một chiếc kẹp cá nhân khắc chữ “S TRỌNG” và một chiếc bút máy Kim Sinh. Mã số mộ chí của liệt sĩ số 12, phần mộ hiện nay ở nghĩa trang Ba Dốc.

Tại nghĩa trang Nà Phần, khu vực Làng Khằng, huyện Bua La Phà, tỉnh Khăm Muộn, Đội qui tập Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình tìm thấy ở mộ liệt sĩ có tấm bia làm bằng xác máy bay ghi số: 326. Phần mộ liệt sĩ hiện an táng tại nghĩa trang Ba Dốc.

Bi đông khắc chữ Tiếp.
Bi đông khắc chữ Tiếp.

Mùa khô năm 2009-2010, cất bốc mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Bản Lạt, huyện Bua La Phà, tỉnh Khăm Muộn, Đội qui tập mộ liệt sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình tìm thấy trong mộ một liệt sĩ có chiếc hộp nhôm làm bằng xác máy bay, khắc chữ: “Trường Sơn 1968” và dòng chữ “Dù còn một tên giặc Mỹ ta cũng quyết tâm đánh đuổi”. Nhân dân địa phương cho biết, liệt sĩ bị bom đánh sập hầm hy sinh. Phần mộ liệt sĩ hiện an táng tại nghĩa trang Ba Dốc.

Đội qui tập Bộ CHQS tỉnh Nghệ An trong lúc cất bốc mộ liệt sĩ ở Thẳm Phả, bản Xiên Ga, huyện Phu Cút, tỉnh Xiêng Khoảng, nước bạn Lào, trong mộ liệt sĩ có miếng nhôm khắc: “Trung Tài hy sinh ngày 5/1/1973, đơn vị C3, D24”. Phần mộ liệt sĩ được an táng ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Đô Lương.

Trong khi cất bốc mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Thắm Noong Mang, Bản Mang, huyện Phu Cút, Đội qui tập Bộ CHQS tỉnh Nghệ An tìm thấy trong mộ liệt sĩ có miếng nhôm khắc tên: “Nguyễn Văn Tuy”. Mộ liệt sĩ nay an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đô Lương.

Ban Chính sách Bộ Chỉ huy tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng Huyện đội Nam Đông cất bốc 6 mộ liệt sĩ ở km 38, đường 74 trạm xá phía Nam xã Hương Sơn, huyện Nam Đông tìm thấy trong hài cốt 1 liệt sĩ một chiếc bi đông khắc chữ “Tiếp”, 1 ví da, 1 lọ pi-ni-xi-lin. Trong ví da có bức thư đã mục chỉ còn đọc được chữ: “T. Hoa hoặc T. Hóa”. Phần mộ đồng chí này cao hẳn phía trên, còn đồng đội được chôn thành một hàng ngang. Ngày 10/2/2012, đồng chí và đồng đội qui tập đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Huế.

Tháng 2/2012, trong lúc cất bốc mộ liệt sĩ ở bản Phường, huyện Xê Đôn, tỉnh Xavanakhẹt, nước bạn Lào, Đội qui tập Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị phát hiện một ngôi mộ có tấm bia khắc bằng đá núi: “Lê Đe hay Lê Đê”, trong hài cốt có di vật bút máy, tiền xu, kính, đèn pin. Liệt sĩ được an táng mộ số 6, nghĩa trang đường 9, tỉnh Quảng Trị.

Qua những thông tin chúng tôi đã cung cấp, đồng chí, đồng đội ai có khả năng tìm được danh tính liệt sĩ xin cung cấp cho Bảo tàng Quân khu 4: địa chỉ 189, đường Lê Duẩn, TP Vinh, Nghệ An, hoặc Bộ CHQS nơi an táng phần mộ liệt sĩ.

(Báo Người cao tuổi)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast