Trần Văn Phố viết thư pháp tại chương trình “Bánh chưng xanh - Chia sẻ xuân Hồng” vừa được Thị Đoàn Hồng Lĩnh tổ chức. Ảnh: Phan Linh Châu |
Trần Văn Phố tâm sự: Từ nhỏ anh đã đam mê vẽ rồi, đặc biệt là thư pháp. Trong thời gian là sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cứ mỗi khi có dịp là anh lại ra phố Văn Miếu để xem các ông đồ thảo chữ. Với kiến thức học "lỏm" được, cộng với việc tự học trên mạng, anh quyết định đầu tư cho sở thích này.
Những ngày đầu viết thư pháp, Phố gặp không ít khó khăn nhưng vì đam mê nên được bao nhiều tiền làm được, tiền ba mẹ chu cấp, Phố dành trọn vào mua bút, mực, giấy và các loại sách về thư pháp để tự nghiên cứu và học cách viết. Đến khi thành thạo, Phố mới giới thiệu những tác phẩm đầu tiên của mình cho người thân, bạn bè và nhận được lời khen.
Phố chia sẻ: “Thật ra viết thư pháp cũng không hề khó. Thời gian đầu đòi hỏi người học phải tự mài dũa tính kiên nhẫn, luyện viết thật nhiều và quan trọng hơn hết là đam mê từng nét chữ của dân tộc”.
Với một chiếc hòm nhỏ đựng các dụng cụ như: bút, nghiên, giấy, mực và các chất liệu làm nền phong phú (giấy dó, giấy lụa, mành tre, đá cuội... ), Phố đã viết ra những nét chữ uốn lượn trên trang giấy trông thật đẹp mắt. Nội dung được Phố lựa chọn khi viết thư pháp xoay quanh tư tưởng đạo đức nhân văn, những câu đối, lời hay ý đẹp thường là các từ: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, phúc, lộc, thọ, nhẫn, đạo hiếu gia đình, ơn thầy cô, tình cảm bạn bè.... Ngoài ra, các bài thơ hay, các câu châm ngôn, những lời hay ý đẹp cũng được Phố lựa chọn khi các bạn xin chữ yêu cầu.
Viết thư pháp không chỉ thể hiện khả năng viết chữ đẹp mà còn thể hiện chiều sâu trong tâm hồn để cho ra một tác phẩm đẹp có hồn. Thực tế cho thấy luyện chữ bình thường cho đẹp đã công phu, luyện chữ thư pháp lại kỳ công hơn nhiều, bởi chữ thư pháp có điểm lớn, điểm nhỏ, điểm thể hiện sự cứng cáp nhưng vẫn có phần mềm mại, có điểm đậm nét nhưng cũng có điểm phớt bút để nét bút mờ dần. Từng câu, từng chữ trong thư pháp có đẹp hay không phụ thuộc vào cách đưa bút. Người viết khéo sẽ cho ra các tác phẩm mềm mại như rồng múa phượng bay, ngược lại, sẽ cho ra tác phẩm thô cứng, không có hồn khi tác giả không chú tâm.
Gần đây, Phố tham gia dạy thư pháp cho một số thanh niên, học sinh ở địa phương. Với tình yêu thư pháp, Phố cầm tay hướng dẫn cách cầm bút, cách thảo từng nét chữ, sữa chữa từng tư thế ngồi cho các em. Nói về điều này, Phố cho biết: “Dạy thư pháp không đơn giản là một môn nghệ thuật viết chữ đẹp mà còn là một môn học có tính giáo dục, có ảnh hưởng sâu sắc đến nhân tâm của con người trong quá trình hình thành nhân cách”...