4 nguyên nhân khó bùng phát chiến tranh vùng Vịnh

Các nước vùng Vịnh và Iran đều không muốn chiến tranh khiến hai bên lưỡng bại câu thương, để Mỹ và ‘kẻ thù chung’ Israel hưởng lợi.

Từ cuối tháng 4, Không quân Mỹ đã điều động thêm nhiều chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35A Lightning II từ phi đội tiêm kích số 4 trực thuộc phi đoàn số 39 tới căn cứ không quân al-Ahaza tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE. Trong tương lai sẽ có tới 12 chiếc F-35A hiện diện tại đây tạo ra nhóm tấn công rất mạnh.

Chưa dừng lại đó, vào đầu tháng 5, Không quân Mỹ lại tiếp tục điều động thêm 2 máy bay ném bom chiến lược B-52H tới căn cứ al-Udeid của Qatar trong một nỗ lực rõ ràng nhằm gây sức ép quân sự lên Iran trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.

Đến cuối tháng 5, Mỹ đã tổ chức một cuộc diễn tập quy mô lớn tại khu vực, trong đó có sự góp mặt của hai loại chiến đấu cơ mà họ vừa tăng cường tới sát Iran là B-52H và F-35A, cùng với sự góp mặt của máy bay chiến đấu Mirage 2000 của Không quân Qatar.

Ngay sau đó, đại diện của Lực lượng vũ trang Qatar và Bộ Tư lệnh Trung tâm Không quân Hoa Kỳ vừa qua đã ký một thỏa thuận về “Quy tắc hành động tiêu chuẩn cho các lực lượng NATO tại Vương quốc Qatar”, trong bối cảnh tình hình xung quanh Iran đang trở nên nghiêm trọng.

Ở Qatar có căn cứ không quân El-Udeid, nơi có 13.000 binh sĩ đồn trú. Xuất phát từ cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, Hoa Kỳ có thể tiến hành các hoạt động vũ trang trên toàn khu vực. Do đó, những động thái mới của Washington và Doha đã làm dấy lên sự lo ngại về nguy cơ bùng phát chiến tranh với Tehran.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị và chuyên gia Iran ở Trung Đông, tổng giám đốc tờ báo tiếng Ả Rập của nhà nước Iran “Al-Wafag” là ông Mosayeb Naimi, không có lí do gì có thể khiến Doha bước vào cuộc đối đầu vũ trang với Tehran. Nước này sẽ không cho Mỹ mượn căn cứ để đánh Iran và chiến tranh vùng Vịnh là rất khó có thể xảy ra.

4 nguyên nhân khó bùng phát chiến tranh vùng Vịnh

Chiến tranh Trung Đông giữa Mỹ và đồng minh với Iran là rất khó xảy ra

Có thể khẳng định rằng, khả năng Qatar hoặc một quốc gia khác cho Mỹ mượn bàn đạp tấn công vào Iran là vô cùng nhỏ, bởi vì không ai muốn bị lôi cuốn vào cuộc chiến. Tình hình ở Hoa Kỳ, cũng như các điều kiện của khu vực (Vịnh Ba Tư) hiện nay không cho phép Hoa Kỳ bắt đầu một cuộc chiến. Điều này xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Nguyên nhân thứ nhất: Chiến tranh vùng Vịnh có thể phá hủy vị thế của các nước và sự cân bằng trong cục diện hiện tại ở Trung Đông.

Đây là các nước Ả rập trong vùng Vịnh không ai mong muốn, bởi bất cứ trật tự và an ninh khu vực nào cũng đều phải trải qua thời gian xác lập, điều chỉnh rất dài mới đạt được, các nước Vịnh Ba Tư đều không muốn khu vực Trung Đông trở nên hỗn loạn và khó kiểm soát. Ở Trung Đông hiện nay, các điểm nóng về an ninh ở Syria, Iraq, Lebanon, Israel, Palestine… đã quá đủ để họ phải đau đầu.

Hơn nữa, Quốc gia đạo Hồi dòng Shiite Iran là một kẻ thù của thế giới Ả rập theo dòng Sunni; nhưng cũng là một địch thủ lớn nhất của Quốc gia Do thái. Và mặc dù Israel cũng là một đồng minh của Mỹ nhưng họ cũng là một kẻ thù của thế giới Ả rập theo dòng Sunni.

“Kẻ thù của kẻ thù có thể là bạn” là câu châm ngôn mà các nước Ả rập đều hiểu, nên không ai muốn lao vào cuộc chiến với Iran, để hai bên lâm vào tình trạng “lưỡng bại câu thương”, để Israel trở nên hùng mạnh và thống trị khu vực, đồng thời các nước khu vực sẽ ngày càng phụ thuộc sâu hơn vào Mỹ.

Do đó, sự tồn tại của chính quyền Tehran cực kỳ thù địch với Tel Avip cũng là điều rất có lợi cho các nước vùng Vịnh trong chiến lược ngăn chặn sự vượt lên và thống trị của Israel.

Nguyên nhân thứ hai: Bất kỳ quốc gia nào trong khu vực tham gia vào cuộc chiến với Iran sẽ chịu thiệt hại lớn, nên không ai muốn chiến tranh bùng phát.

Thậm chí là ngay cả với các quốc gia thân thiết nhất trong liên minh với Hoa Kỳ như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng ít có khả năng đồng ý với việc Hoa Kỳ sẽ sử dụng lãnh thổ của họ để tấn công Iran, bởi vì họ sẽ chịu trách nhiệm về vụ tấn công trước Tehran và nước này sẽ ra đòn đáp trả.

Ngoài ra, với sự khởi đầu của cuộc chiến, sẽ xuất hiện vấn đề về việc vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz ở Vịnh Ba Tư, huyết mạch vận chuyển 1/4 lượng dầu xuất khẩu của thế giới, đồng thời, các cơ sở khai thác và chế xuất dầu của các nước sẽ bị phá hủy.

Khi đó, thiệt hại nặng nề nhất sẽ là các nước Ả rập vùng Vịnh và Iran, trong khi đó, Mỹ sẽ là kẻ hưởng lợi lớn nhất.

Các nước trong khu vực đều hiểu điều này và Qatar cũng không phải là ngoại lệ, nên cho đến nay, vẫn chưa có tuyên bố nào từ chính quyền Doha xác nhận rằng, liên minh chống Iran đang được hình thành giữa quốc gia này với Hoa Kỳ.

Nguyên nhân thứ ba: Qatar nợ Iran món nợ ân tình

Doha đã nhiều lần nói rằng, các căn cứ của Mỹ ở Qatar sẽ không được sử dụng để chống lại bất kỳ quốc gia láng giềng nào, đặc biệt nếu là Iran thì sẽ là càng không!

Người Qatar nhiều lần nhấn mạnh điều này và tuyên bố rằng, sự hỗ trợ của Iran trong cuộc “Khủng hoảng ngoại giao Qatar 2017” (các nước Ả rập đứng đầu là Saudi Arabia và UAE đã cắt quan hệ ngoại giao, phong tỏa biên giới trên không, trên bộ và trên biển, đồng thời cũng phong tỏa kinh tế Qatar năm 2017), sẽ không bao giờ bị lãng quên.

Do đó, giới chính khách và người dân Qatar sẽ không bao giờ chấp nhận cho Mỹ sử dụng các căn cứ ở đất nước họ để tấn công “ân nhân” Iran, đồng thời mang lại những rủi ro rất lớn đối với an ninh của đất nước họ. Chính quyền Doha trước đó đã tuyên bố với Tehran và Washington rằng, họ không thể sử dụng lãnh thổ của mình chống lại Iran.

4 nguyên nhân khó bùng phát chiến tranh vùng Vịnh

Các nước Ả rập vùng Vịnh đều không muốn chiến tranh với Iran, để Israel hưởng lợi

Do đó, những hành động mới nhất của Hoa Kỳ là thủ đoạn tuyên truyền của Mỹ với mục đích buộc Iran và Qatar “đụng độ với nhau”.

Nguyên nhân thứ tư: Iran cũng không mong muốn chiến tranh

Tehran là lực lượng mạnh nhất ở Vịnh Ba Tư, tính về vị trí địa lý, vị thế chiến lược và cả tiềm lực quân sự. Việc cho đến nay không có hành động leo thang căng thẳng nào được thực hiện từ phía Iran, điều đó có nghĩa là nước này không muốn làm tình hình trở nên trầm trọng thêm.

Các nước vùng Vịnh đều hiểu rằng, nếu các quốc gia trong khu vực giúp Mỹ khơi mào chiến tranh thì họ sẽ không thể kết thúc nó, bởi vì quy mô của cuộc chiến sẽ gia tăng khi số lượng thành viên tham gia tăng lên. Và cuộc chiến sẽ chỉ kết thúc khi Iran sụp đổ hoặc thiệt hại nặng nề, còn các nước vùng Vịnh cũng “mình đầy thương tích”.

Ngoài ra, Iran hiện cũng đang nỗ lực xoa dịu tình hình. Nước này tuyên bố “không muốn chiến tranh” và bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ cân bằng với các nước vùng Vịnh, dứt khoát khuyên tất cả các nước trong khu vực từ chối đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ tấn công Iran.

Đây là động thái hợp lý của chính quyền Tehran, nó cho thấy rằng, Iran thực sự không muốn chiến tranh, nhưng nước này đã bắt đầu biết gương vây những lúc cần cứng rắn, thu mình những lúc cần hạ nhiệt và đã kết hợp cả cương lẫn nhu để đạt được mục đích của mình.

Với 4 nguyên nhân cơ bản như trên, nguy cơ chiến tranh vùng Vịnh là rất khó xảy ra. Và những động thái chuẩn bị chiến tranh của Mỹ chỉ là nhằm ép Iran phải ngồi vào bàn đàm phán lại về một thỏa thuận hạt nhân mới và buộc Tehran phải hạn chế ảnh hưởng trong khu vực.

Theo Thiên Nam/Đất việt

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.