4 tháng đầu năm 2016, người Việt đã uống hơn 1 tỷ lít bia

Bất chấp doanh nghiệp cho rằng gặp nhiều khó khăn do thuế tiêu thụ đặc biệt áp lên mặt hàng bia từ 1/1/2016, 4 tháng đầu năm 2016, sản xuất và tiêu thụ bia nước ta đã vượt 1 tỷ lít.

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2016, sản lượng bia các loại ước đạt 1.005 triệu lít, tăng 5,8% so với cùng kỳ, riêng trong tháng 4/2016, sản lượng bia các loại ước đạt 206,5 triệu lít, bằng với cùng kỳ 2015.

Báo cáo của Bộ Công Thương nhận định, tình hình sản xuất kinh doanh 4 tháng đầu năm của ngành ổn định, tuy nhiên lợi nhuận của ngành sụt giảm do ảnh hưởng của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng từ ngày 1/1/2016.

Sản xuất bia 4 tháng 2016, nhưng lợi nhuận của ngành đã sụt giảm do ảnh hưởng của chính sách thuế TTĐB được áp dụng từ 1/1/2016

Ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng giám đốc Công ty CP Bia - Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất bia gặp nhiều khó chồng khó nếu thực thi theo đúng tinh thần của Nghị định 108/2015/NĐ-CP quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt từ 1/1/2016, theo đó, doanh nghiệp bia gặp nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế, truy thu thuế và gia tăng thuế…

Năm 2015, Habeco tiêu thụ 510,6 triệu lít bia, tăng 2% so với cùng kỳ. Doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính 7.527 tỷ đồng, tăng trưởng 6%. Lợi nhuận trước thuế đạt 991 tỷ đồng, tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trong kế hoạch năm 2016, Habeco đặt mục tiêu tiêu thụ 525 triệu lít bia,  doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đạt 7.903 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế dự kiến 362,68 tỷ đồng chỉ bằng 42% so với lợi nhuận đạt được năm 2015.

5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành bia đã giảm đi trông thấy, nếu như năm 2011 tốc độ tăng trưởng đạt 8,5% thì năm 2015 chỉ đạt 4,7%, tuy vẫn tăng nhưng thị trường đã có sự bão hoà.

Trong đó, 4 doanh nghiệp sản xuất bia lớn là Sabeco, Heineken, Habeco và Carlsberg đã chiếm 88,4% sản lượng bia toàn ngành..

Đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn đang tuân theo theo lộ trình tăng của Luật 70/2014/QH13 sẽ tăng dần lên 65% trong 03 năm và bắt đầu ngày 01 tháng 01 năm 2016. Thời điểm này trùng với thời gian áp dụng các quy định mới mức chênh lệch 7% và cách xác định công ty thương mại mới khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất trong ngành đồ uống sẽ phải chịu mức thuế TTĐB cao hơn, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Theo Thế Hải/Báo đầu tư

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói