Nội dung này được đưa ra trong Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt hôm 6/4.
Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025, 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 50% sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hoạt động. Đến 2030, tỷ lệ tương ứng sẽ là 100% và 90%.
Ngoài ra, sẽ có 80% cơ quan hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ trong hai năm tới và 100% vào 2030.
Báo VnExpress ứng dụng AI để gợi ý bài viết cho độc giả. Ảnh: Lưu Quý
Về nhân lực, chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục đại học ngành báo chí sẽ cập nhật kỹ năng, kiến thức tác nghiệp trong môi trường báo chí số, 100% nhân sự ngành báo chí có kỹ năng chuyển đổi số, đồng thời cơ quan báo chí điện tử đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cấp độ ba trở lên.
Để đạt mục tiêu trên, những nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra là nâng cao nhận thức, rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, phát triển sản phẩm báo chí số, phát triển nền tảng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh...
Một trong những nhiệm vụ cũng được đề cập là phát triển sản phẩm báo chí số, bên cạnh nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý, nguồn nhân lực và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan.
Các cơ quan báo chí số sẽ cần thiết kế, sáng tạo mô hình sản phẩm thông tin mới trên những nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu. Họ cũng cần đổi mới trải nghiệm của độc giả và xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ phù hợp với từng nhóm độc giả.
Ngoài ra, các đơn vị báo chí cần có công cụ phục vụ việc thu thập, xử lý dữ liệu, giám sát chất lượng, nền tảng phát thanh và truyền hình số, báo chí điện tử cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.