Giáo dục

Anh Cover PC.jpg
Tit bai 1.jpg

Từ năm 2018, Hà Tĩnh thực hiện chủ trương bàn giao y tế học đường và viên chức y tế trường học về trạm y tế cấp xã. Khi không còn cán bộ có chuyên môn “cắm chốt” trường học, “khoảng trống” y tế ngày càng lớn khiến cán bộ, giáo viên thường trực nỗi lo, nhất là trong bối cảnh các loại dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường.

Unit.png
Title Page.jpg

3 năm đã trôi qua, nhưng các giáo viên Trường Mầm non Hương Trà (Hương Khê) vẫn chưa hết ám ảnh về sự cố đáng tiếc xảy ra khiến cháu bé 2 tuổi (lớp nhà trẻ) ra đi vĩnh viễn. Đó là một buổi trưa năm 2021, cháu nhặt được chiếc đinh và ngậm vào miệng, rồi vô tình nuốt phải. Ngay khi phát hiện, các cô giáo đã kịp thời sơ cứu cho bé nhưng không có kết quả. Sau khi đưa cháu sang trạm y tế xã tiếp tục sơ cứu; rồi chuyển lên Trung tâm Y tế huyện để tiến hành cấp cứu, lấy dị vật nhưng đã quá muộn! Cô Bùi Thị Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Trà chia sẻ: “Từ sự cố đó, chúng tôi luôn mang theo nỗi ám ảnh và day dứt. Nếu như các cô giáo ở trường có kỹ năng sơ, cấp cứu; nếu như có nhân viên y tế trường học..., có thể sẽ ngăn được sự việc đau lòng đó”.

A19.jpg
Trường Mần non Hương Trà, nơi từng xảy ra sự cố đáng tiếc khiến 1 em học sinh bị tử vong.

Sự bất an của giáo viên Trường Mầm non Hương Trà cũng là nỗi lo chung của các nhà trường, đặc biệt là các bậc mầm non, tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh, khi lực lượng cán bộ y tế ở trường học được chuyển về ngành y tế và nhiệm vụ y tế trường học được giao cho các cơ sở y tế trên địa bàn. Dẫu trong quy chế, quy trình, hồ sơ, sổ sách, công tác y tế trường học vẫn được chỉ đạo, thực hiện nhưng chưa lấp được “khoảng trống” về nhân viên y tế học đường. Sự khó khăn, lúng túng của các trường học không chỉ bộc lộ khi xử lý các tình huống nguy hiểm xảy ra hằng ngày mà còn thể hiện rõ trong các thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Cô Nguyễn Thị Thu Phương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) nhớ lại: “Vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, tôi đang là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Sơn. Mỗi khi có học sinh (HS) là F0, mặc dù đã được tập huấn, hướng dẫn, nhưng chúng tôi vẫn rất lúng túng trong xử lý tình huống. Tôi nghĩ, nếu thời điểm đó có cán bộ chuyên môn y tế thường trực thì nhà trường sẽ vững vàng hơn trong công tác cách ly, phòng dịch cũng như việc truyền thông nâng cao ý thức phòng chống dịch và tuyên truyền, giải thích để phụ huynh, học sinh yên tâm, đảm bảo việc dạy và học an toàn, ổn định hơn”.

A23-(2).jpg
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát một ca học sinh mắc sởi.
Trich 1.jpg

Gần đây nhất, cuối tháng 3/2024, Hà Tĩnh ghi nhận ổ dịch sởi đầu tiên trên địa bàn huyện Đức Thọ. Điều đáng nói là trong 12 ca dương tính với sởi có 10 ca xuất hiện ở Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ. Bác sỹ Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết: “Khi HS bị ốm nghỉ học, không thông báo rõ lý do nên nhà trường không nắm bắt, phát hiện được dẫn đến việc lây lan giữa các em trong lớp. Rất may, ngành y tế đã kịp thời khoanh vùng, khống chế, không để lây lan rộng”.

Từ thực trạng nói trên, thời gian qua, lãnh đạo các trường học đã có nhiều ý kiến phản ánh và bày tỏ băn khoăn, lo lắng khi thiếu nhân viên y tế tại chỗ, đặc biệt với các trường học ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng bị chia cắt. Ông Phan Quốc Thanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê trăn trở: “Huyện có số lượng HS đông với nhiều điểm trường, riêng bậc mầm non và tiểu học đã có 60 trường và điểm trường. Địa bàn rộng và chia cắt, nhiều điểm trường ở cách xa trung tâm nên việc thiếu cán bộ y tế học đường đã tạo áp lực lớn trong công tác quản lý, giảng dạy và đảm bảo sức khỏe cho HS”.

A8.jpg
A10.jpg
Ở độ tuổi mầm non, tiểu học, các em rất hiếu động nên nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích là rất lớn.

Ở bậc học mầm non, thiếu nhân viên y tế trường học lại càng đáng lo hơn. Cô Phan Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình An (Lộc Hà) và cô Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) có cùng chia sẻ: “Trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và nuôi dạy trẻ, việc thiếu vắng sự hỗ trợ của nhân viên y tế học đường là thách thức không nhỏ cho cán bộ, giáo viên và nhân viên của nhà trường, đặc biệt là công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, theo dõi sức khỏe cho HS. Ngày 30/10/2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, trong đó yêu cầu bổ sung nhân viên y tế hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế rất khó thực hiện, bởi đối với các trường học ở nông thôn khó có thể huy động được nguồn lực để trả lương cho các vị trí hợp đồng”.

Title Page 2.jpg

Được biết, sau khi nhân viên y tế được chuyển về ngành, các trường học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp sắp xếp, điều động phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học. Các trường THPT giao cho nhân viên văn phòng hoặc giáo viên phụ trách các môn học liên quan. Bậc tiểu học và THCS thường được giao cho tổng phụ trách đội, nhân viên thư viện và bậc mầm non do 1 hiệu phó cùng 1 giáo viên phụ trách. Qua trao đổi với những cán bộ, giáo viên đang thực hiện công tác kiêm nhiệm, được biết lực lượng này vừa không đảm bảo về thời gian, vừa thiếu chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của hoạt động y tế học đường.

A20.jpg
Những nguy cơ về ngộ độc thực phẩm luôn hiển hiện tại các trường học có bếp ăn bán trú nếu không có cán bộ y tế cắm chốt tại trường.

Cô Chu Thị Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Hưng cho biết: “Được giao nhiệm vụ cùng 1 giáo viên phụ trách công tác y tế học đường, dù đã cố gắng sắp xếp nhưng hoạt động chuyên môn đã chiếm phần lớn thời gian nên không thể làm tốt nhiệm vụ được giao. Thực tế chúng tôi đã đối mặt với nhiều tình huống “thót tim” như khi HS lên cơn động kinh hay bị chấn thương trong giờ học. Phần lớn trong các trường hợp này, do không tự tin với kỹ năng sơ cứu nên các cô chỉ biết nhanh chóng chuyển các cháu đến trạm y tế”.

Thời gian qua, mặc dù ngành y tế đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ này, tuy nhiên, các đợt tập huấn ngắn ngày chỉ giúp trang bị kiến thức là chính, chứ chưa đủ giúp cán bộ nhà trường thành thạo những kỹ năng xử lý tình huống và chăm sóc sức khỏe HS, đặc biệt là trong điều kiện có dịch bệnh. Cô Lê Thị Thu Hà - Tổng phụ trách Đội kiêm y tế học đường Trường Tiểu học Tô Hiến Thành chia sẻ: “Phần tập huấn về việc lập sổ sách theo dõi, cập nhật thông tin dịch bệnh chiếm thời gian khá lớn trong các đợt tập huấn; việc thực hành các tình huống sơ, cấp cứu cũng chưa đủ để những người không có chuyên môn như chúng tôi tự tin áp dụng. Vì vậy, khi tình huống xảy ra thì giải pháp an toàn nhất vẫn là đưa các em đến trạm y tế, trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất, vật tư y tế, thuốc men được nhà trường trang bị khá đầy đủ”.

A12.jpg
A9.jpg
Không có cán bộ y tế chuyên trách đảm nhiệm nên các phòng y tế tại các trường học chỉ là hình thức. Các trường đểu có tủ thuốc y tế theo quy định nhưng các loại thuốc ở đây hầu như không được sử dụng.
Front (1).jpg

Xử lý tình huống sơ, cấp cứu và ứng phó với dịch bệnh chỉ là một phần trong các nội dung hoạt động của công tác y tế trường học được quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế - Bộ GD&ĐT và Hướng dẫn số 110/HD-SYT ngày 14/1/2019 của Sở Y tế Hà Tĩnh. Theo đó, yêu cầu y tế học đường cần tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe HS với 12 nhiệm vụ và truyền thông, giáo dục sức khỏe cho HS với 4 nhiệm vụ. Chiếu theo các nội dung đó thì hiện nay, phần lớn các cơ sở giáo dục công lập chỉ thực hiện được một số hoạt động cơ bản như kiểm tra sức khỏe đầu năm học; theo dõi biểu đồ tăng trưởng cho trẻ bậc mầm non; phối hợp tổ chức tiêm chủng, uống vắc-xin phòng bệnh; lập và ghi chép vào sổ khám bệnh, sổ theo dõi sức khỏe HS… Các nội dung khác chưa được thực hiện hoặc thực hiện còn hình thức như: theo dõi chỉ số khối cơ thể (BMI) để tư vấn về dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực đối với HS phổ thông; theo dõi, phát hiện giảm thị lực, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, rối loạn sức khỏe tâm thần và các bệnh tật khác; phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức khám, điều trị cho HS; tư vấn cho HS, giáo viên, phụ huynh về các vấn đề liên quan đến bệnh tật…

A22.jpg
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai công tác giám sát dịch bệnh tại các trường học trong tỉnh.
Front.jpg

Thầy Hồ Xuân Thông - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) cho rằng, việc tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe cho HS hiện nay là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nhân viên được giao làm đầu mối y tế ở trường học thì thiếu kiến thức, còn nhân viên y tế tại trạm phụ trách công tác y tế học đường lại bận rộn và thiếu kỹ năng tuyên truyền. Bởi vậy, các chiến dịch truyền thông, giáo dục liên quan đến công tác y tế trường học do Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT phát động chủ yếu chỉ được chuyển tải đến HS theo dạng phổ biến tài liệu nên hiệu quả mang lại chưa cao”.

A5.jpg
A6.jpg
Nhân viên tại các trạm y tế phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khiến cho việc thực hiện công tác y tế tại trường học rất khó đảm bảo.

Những khó khăn, bất cập trong quá trình quản lý, chăm sóc, truyền thông, giáo dục sức khỏe cho HS tại các trường học hiện nay cho thấy, hoạt động y tế trường học trong phần lớn các cơ sở giáo dục công lập vẫn còn chắp vá, hình thức, chưa đạt yêu cầu đề ra. Các cấp, ngành cần nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa công tác y tế học đường vào nền nếp, chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho HS, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

BÀI, ẢNH: NHÓM P.V CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

THIẾT KẾ: HUY TÙNG

(Còn nữa)

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.
Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.