Dù rượu bia không tốt cho sức khỏe, nhưng thi thoảng chúng ta vẫn cứ tự thưởng một chầu nhậu "bét nhè" bằng những bữa tiệc vui hết nấc.
Nhưng hãy để ý này. Khi uống rượu, có một số người mặt mũi đỏ gay gắt, như... gà chọi. Vấn đề là họ uống không quá nhiều, thậm chí chỉ 1-2 ly, nhưng khuôn mặt vẫn có màu sắc kỳ lạ như vậy đấy.
Hiện tượng này được gọi là "hội chứng đỏ mặt khi uống rượu" (alcohol flush reaction). Nó đi kèm với một số hiệu ứng phụ như: da tấy đỏ, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, tim đập nhanh.
Và nếu bạn cũng thuộc kiểu người trên thì xin chia buồn, vì đó là một tin không hay chút nào đâu.
Trên thực tế, rượu bia được cơ thể xem là chất độc. Rượu đi vào cơ thể, đến gan và được chuyển hóa thành acetaldehyde. Có điều, đây lại là một chất độc, khi tích tụ trong cơ thể sẽ gây phản ứng nóng ừng, đỏ mặt. Ngoài ra, acetaldehyde còn có nguy cơ gây ung thư cực lớn.
Thông thường khi acetaldehyde xuất hiện, cơ thể phải nhanh chóng xử lý, chuyển đổi nó thành một dạng an toàn hơn là acetate (thành phần cơ bản của giấm). Tuy nhiên, những người mắc hội chứng đỏ mặt lại thiếu đi một enzyme có tên ALDH2. Nó khiến cơ thể họ chuyển cồn thành acetaldehyde nhanh hơn, nhưng lại tốn nhiều thời gian để acetaldehyde phân giải thành acetate.
Kết quả, chỉ cần một lượng cồn nhỏ thôi cũng đủ để những người mắc hội chứng này đỏ mặt, kèm theo nhiều vết mẩn giống như dị ứng trên cơ thể. Nhưng quan trọng hơn, việc acetaldehyde tích tụ quá lâu có thể gây ngộ độc, và làm tăng nguy cơ gây ung thư miệng kèm vòm họng.
Đây vốn là một hội chứng di truyền, nên không phải ai cũng mắc phải nó. Tuy nhiên, theo như thống kê, các quốc gia thuộc Đông Á có tỉ lệ mắc hội chứng này cao nhất (ít nhất 1/3 dân số).
Vì lý do nằm ở mã di truyền, nên hội chứng này không có thuốc chữa. Nhưng dù sao nó cũng có mặt tốt, vì đó là dấu hiệu cho thấy bạn không nên uống nhiều rượu bia. Chẳng tốt đẹp gì đâu.