Bản sắc văn hóa là tấm thẻ căn cước của mỗi dân tộc để giữa đại đồng thế giới, người ta vẫn dễ nhận ra nét riêng, gương mặt riêng của dân tộc đó. Bản là gốc, sắc là màu sắc. Bản sắc dân tộc Việt Nam là màu sắc riêng đã có từ lâu đời của dân tộc, qua bao thế kỷ bị xâm lăng về lãnh thổ vẫn không bị đồng hóa, mai một, vẫn được các thế hệ cha ông lưu truyền và gìn giữ như báu vật để ngày càng ngời sáng.
Trách nhiệm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là của chung mọi người, mọi ngành, mọi cơ quan, đơn vị, xã, phường, thôn xóm, rộng lớn hơn là của Đảng và Nhà nước. Nhưng với vai trò là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng, các nhà báo cũng phải luôn có ý thức và trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Phóng viên Báo Hà Tĩnh trong lần tác nghiệp tại Điện Bàn (Quảng Nam) Ảnh: P.V. |
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trên báo chí không chỉ là phản ánh việc các ngành, các địa phương, nhất là ngành VH-TT&DL bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc như thế nào mà chính các tờ báo cũng phải thể hiện bản sắc riêng của vùng miền trên các ấn phẩm báo chí của mình, từ logo, nhạc hiệu chương trình, hình ảnh nền, từ cách trình bày các tờ báo in, nhất là báo tết. Báo Lạng Sơn phải thể hiện được phong cách vùng biên viễn hữu tình với Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa…; báo Huế phải mang vẻ trầm mặc, cổ kính và nên thơ của cố đô; Báo Hà Nội Mới phải mang dáng vẻ của Thăng Long ngàn năm văn hiến; Báo Hà Tĩnh phải mang phong cách của vùng quê núi Hồng, sông La văn hóa và cách mạng. Báo Nhân Dân phải là nơi hội tụ tinh hoa của cả nước…
Điều mừng là những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, các tờ báo trong cả nước, đặc biệt là Báo Hà Tĩnh, Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh, Tạp chí Hồng Lĩnh đã rất chú trọng việc tuyên truyền giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trên các ấn phẩm của mình, cả về nội dung và hình thức thể hiện.
Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể (ca trù, chèo Kiều, ví giặm, sắc bùa, chầu văn…) được tôn vinh, khơi dậy thông qua phản ánh hoạt động của các câu lạc bộ, tâm huyết của các nghệ nhân, nghệ sĩ, sự chủ động bảo tồn của các ngành, địa phương. Các di sản phi vật thể như mộc bản Trường Lưu, hệ thống các di tích lịch sử văn hóa quốc gia và quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, các di chỉ (Cồn Sò, Bãi Cọi - Phôi Phối, Thạch Đài...), các hiện vật tìm kiếm được trên cạn và dưới nước… cũng như quá trình nghiên cứu, thám sát, khai quật, bảo tồn của các địa phương và ngành VH-TT&DL đã được báo chí, nhất là Báo Hà Tĩnh phản ánh kịp thời.
Các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Tĩnh như truyền thống khoa bảng và hiếu học, tinh thần yêu nước và đại nghĩa, giá trị nhân văn, tính cố kết cộng đồng làng xã, tinh thần lạc quan, đam mê sáng tạo văn học nghệ thuật và những sáng tạo văn hóa của người Hà Tĩnh, bản sắc văn hóa các vùng miền trên đất Hà Tĩnh… đã được Tạp chí Văn hóa, Tạp chí Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh Cuối tuần đề cập khá sâu sắc và toàn diện.
Riêng Hà Tĩnh Cuối tuần năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 đã thực hiện hơn 60 chuyên đề văn hóa, trong đó, có nhiều chuyên đề khảo cứu vừa mang tính khoa học, hàn lâm, vừa mang hơi thở cuộc sống rất gần gụi, được bạn đọc ưa thích như: Ví, giặm Nghệ Tĩnh, bản sắc người Xứ Nghệ; Phương ngữ Hà Tĩnh, bản sắc người Hà Tĩnh, Người Hà Tĩnh - một khúc tâm tình, Phát huy nét đẹp văn hóa lễ hội, Ẩm thực của người Hà Tĩnh xưa, Xây dựng và giữ gìn bản sắc con người Hà Tĩnh, Mặn mòi vị mắm, Kiến trúc nhà ở và câu chuyện văn hóa, Văn hóa biển Hà Tĩnh, Nét đẹp trong tín ngưỡng thờ Mẫu, Con thuyền và không gian văn hóa, Tôn sư trọng đạo - dòng chảy muôn đời, Khảo cổ học Hà Tĩnh - tấm gương phản chiếu văn hóa Hồng Lam, Hội nhập văn hóa và việc giữ gìn bản sắc, Truyền thống khoa bảng - nét đặc trưng của văn hóa Hà Tĩnh, Giữ lấy nếp làng (3 kỳ), Dấu ấn văn hóa Hà Tĩnh trong các làng nghề xưa, Ngàn Hống trong câu chuyện của các nhà văn hóa…
Vào các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn; ngày sinh các danh nhân văn hóa; vinh danh ví, giặm Nghệ Tĩnh - di sản phi vật thể đại diện của nhân loại; kỷ niệm 55 năm kết nghĩa Hà Tĩnh - Bình Định; 40 năm giải phóng miền Nam... Báo Hà Tĩnh đã ra số đặc biệt. Báo Tết Nguyên đán hàng năm đều dành nhiều trang phản ánh lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống, phong tục của các miền quê, nhân lên giá trị văn hóa của tết Việt, được bạn đọc trong và ngoài tỉnh, kiều bào ta ở nước ngoài háo hức đón nhận.
Chuyên mục “Người và đất quê ta” dành riêng góc “Danh nhân Hà Tĩnh” và các bài viết phản ánh đặc trưng văn hóa các vùng miền, các di tích danh thắng, lễ hội như: Huyền thoại Nam Giới, Thạch Hà - đất cổ ngàn năm, Hương Sơn - một vùng văn hóa, Bước tới Đèo Ngang, Làng cổ Hội Thống, Nước mắm Long Trì, Đền Trầm Lâm, Vẻ đẹp miền sơn cước, Nối mạch đất thiêng, Nghi Xuân - một vùng văn hóa, Một dòng trong xanh (văn hóa sông Lam), Mãi xanh Đồng Lộc… Hướng tới kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới, Báo Hà Tĩnh đã lên kế hoạch tuyên truyền với trên 30 bài thuộc 4 nội dung lớn: Quê hương với Nguyễn Du và Nguyễn Du với quê hương, Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác, Truyện Kiều tỏa sáng các giá trị văn hóa, Nghìn thu vọng mãi.
Với tình cảm, trách nhiệm và niềm đam mê, cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh đang khơi dậy truyền thống và chuyển tải đến thế hệ hôm nay những giá trị văn hóa, những thông điệp của cha ông nhằm tiếp tục xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.