Nước Mỹ công bố thiết lập khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới rộng hơn 2 triệu km2 ở Thái Bình Dương |
Phát biểu trực tuyến với Hội nghị “Đại dương của chúng ta” diễn ra tại Washington, Tổng thống Barack Obama đã công bố kế hoạch lập khu bảo tồn biển (MPA) lớn nhất thế giới ở Thái Bình Dương, trong đó nghiêm cấm các hoạt động khoan dầu, đánh bắt cá… Khu bảo tồn này có tổng diện tích tới 2,1 triệu km2 so với diện tích 9,8 triệu km2 của nước Mỹ.
Khu bảo tồn chủ yếu bao gồm các đảo nhỏ không có người ở nằm giữa bang Hawaii và nhóm đảo American Samoa mà trước khi rời nhiệm sở năm 2009, Tổng thống George W. Bush đã quyết định thành lập nhưng chỉ bao gồm 7 hòn đảo với tổng diện tích 230.000 km2. Kế hoạch của Tổng thống Obama đã mở rộng khu bảo tồn biển này lên gần 10 lần.
Tại vùng biển mà Tổng thống Mỹ công bố thành lập khu bảo tồn biển này có một số hình thái địa chất hiếm có nhất Trái đất, như chuỗi 21 núi lửa và các rạn san hô. Mục đích lập khu bảo tồn của ông Obama là nhằm bảo vệ hơn 1.000 loài sinh vật quý hiếm trong số 7.000 loài đang sống trong khu vực, nhất là hải cẩu và rùa xanh của Hawaii đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Nói về lý do thành lập khu bảo tồn biển, Tổng thống Obama cảnh báo ô nhiễm carbon dioxide (CO2) đang khiến các đại dương bị axit hóa và sự ô nhiễm này đang đe dọa đời sống của sinh vật trên biển, trong khi nạn đánh bắt ồ ạt có thể xóa sổ nhiều loài sinh vật biển quý hiếm. Bởi thế, theo ông Obama, cộng đồng quốc tế không thể làm ngơ cũng không thể cho phép tiếp tục hút cạn nguồn tài nguyên biển, phung phí nguồn của cải quý giá nhất của loài người, đồng thời cắt đứt nguồn thức ăn của thế giới và hủy diệt một trong những nguồn lực chính để phát triển kinh tế trong tương lai.
Song điều đáng nói là quyết định của Tổng thống Obama bước đầu đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của giới chức ngành công nghiệp đánh bắt cá cũng như các nhà lập pháp Mỹ lo ngại về việc người đứng đầu Nhà Trắng lạm dụng quyền hạn của người đứng đầu ngành hành pháp. Tuy nhiên, người đứng đầu nước Mỹ nhất mạnh ông sử dụng quyền của một Tổng thống để “bảo vệ một trong những phong cảnh biển quý báu nhất” còn lại ở vùng biển Thái Bình Dương.
Kế hoạch thành lập khu bảo tồn biển của Mỹ được tất cả những người chủ trương phát triển bền vững trên thế giới ủng hộ bởi các đại dương đang lâm nguy do tình trạng đánh bắt cá quá mức, khai thác vô tội vạ, nạn ô nhiễm… Trong khi đó, hiện chỉ chưa tới 1% diện tích các đại dương bao phủ 2/3 bề mặt Trái đất được bảo vệ, so với tỉ lệ 13% diện tích đất đai hiện được bảo tồn trên toàn thế giới.
Cho rằng cách bảo vệ và phục hồi sức khoẻ tốt nhất của các đại dương là thiết lập một mạng lưới các khu bảo tồn biển, các nhà môi trường kêu gọi thế giới phấn đấu thực hiện mục tiêu thiết lập mạng lưới các khu bảo tồn biển chiếm 40% diện tích các đại dương trên thế giới. Họ dẫn các công trình nghiên cứu tại những khu bảo tồn hiện có cho thấy các khu vực này cung cấp nhiều cá hơn gấp 200 lần so với các khu vực biển không được bảo tồn, đồng thời cá và các loài hải sản tại đây cũng phát triển to hơn, có tuổi thọ cao hơn so với các khu không được bảo vệ.