Giống ớt Española sẽ được trồng trên ISS - Ảnh: CNN
Theo đài CNN, với kế hoạch này, cây ớt sẽ là loài cây ăn trái đầu tiên được người Mỹ trồng và thu hoạch trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Trong bối cảnh Cơ quan Hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đang tính tới tham vọng đưa các phi hành gia lên sao Hỏa, họ cũng cân nhắc luôn tới những loài cây và những trái cây nào có thể đồng hành cùng các phi hành gia trong sứ mệnh lịch sử đó.
Theo ông Jacob Torres, một nhà khoa học NASA, tùy vào vị trí thẳng hàng của các hành tinh, lộ trình ngắn nhất lên tới sao Hỏa sẽ mất khoảng 2 năm.
Các loại thực phẩm đóng gói sẵn sẽ không cung cấp đủ lượng vitamin và dinh dưỡng cần thiết cho các phi hành gia trong hành trình đó.
"Họ vẫn được no bụng, nhưng sẽ không có đủ dinh dưỡng cần thiết để làm việc", ông Torres nói.
Theo đó, trước khi NASA khởi hành sứ mệnh tiến về Hành tinh Đỏ, các nhà khoa học phải tìm ra những phương thức bổ sung những loại rau trái tươi cho phi hành gia, ví như loài ớt Española.
Giống ớt Española sẽ được trồng trên ISS - Ảnh: CNN
Câu hỏi với nhiều người tại sao là cây ớt mà không phải cây khác?
Có rất nhiều thách thức để trồng cây trong vũ trụ. Một loài cây muốn tồn tại trong môi trường đặc biệt đó phải dễ thụ phấn và có thể sống được trong môi trường có nồng độ khí carbon dioxide (CO2) rất cao.
Các nhà khoa học đã nhận ra một loài ớt có cả 2 ưu điểm này.
Khi ông Torres tới trụ sở NASA năm 2018 theo chương trình thực tập sinh, lúc đó các nhà khoa học đang tìm hiểu về khả năng trồng giống ớt Hatch của bang New Mexico.
Vì là người bản xứ, ông Torres đề xuất nhóm nghiên cứu thử tìm hiểu thêm về một giống ớt khác của vùng Española.
Giống ớt Hatch được trồng ở vùng sa mạc của New Mexico, nhưng giống ớt Española được trồng ở nơi có độ cao lớn hơn và có thời gian trồng ngắn hơn, theo đó tạo thuận lợi hơn cho việc trồng và thu hoạch trong không gian.
Sau đó, giống ớt Española thực sự thuyết phục được nhóm nghiên cứu, trở thành "ứng viên" thay cho Hatch. Trong kế hoạch, giống ớt này sẽ được mang lên trồng ở Trạm không gian quốc tế trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm nay đến tháng 1-2020.