Thông báo của Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) cho biết, nhằm đảm bảo an toàn cho CH-53K khi hoạt động tại những môi trường có cát bụi như ở Trung Đông, đơn vị vận hành không được phép cho máy bay hoạt động lâu hơn 21 phút trong điều kiện như vậy.
Quá mốc thời gian đó, máy bay sẽ bị mất an toàn và có thể đối mặt với nguy cơ gặp nạn. Khuyến cáo được USMC đưa ra dựa vào kết quả nghiên cứu đánh giá hồi tháng 9/2020 chỉ ra rằng, hiệu suất làm việc của động cơ suy giảm nghiêm trọng do những tác động từ cát bụi vào động cơ.
Máy bay CH-53K King Stallion. |
“Để đảm bảo an toàn, CH-53K không nên hoạt động quá thấp hoặc lâu hơn 21 mỗi chuyến bay trong điều kiện có nhiều cát bụi”, thông báo của USMC có đoạn viết.
Gới chuyên gia cho rằng, chỉ với khuyến cáo này cũng đủ cho thấy, khả năng hoạt động của trực thăng Mỹ trong môi trường khắc nghiệt tại Trung Đông thua xa trực thăng Nga.
“Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên bộ lọc không khí ở động cơ nhiều khả năng hoạt động không thực sự tốt. Đây cũng là tình trạng máy bay V-22 Osprey gặp phải”, chuyên gia của trang Drive cho biết.
Nguồn tin dẫn báo cáo từ Cơ quan Tổng thanh tra Lầu Năm Góc (OIG) cho biết, thiết bị lọc khí động cơ (EAPS) trên V-22 Osprey dường như không được thiết kế phù hợp với yêu cầu kỹ thuật từ nhà sản xuất động cơ Roll-Royce để bảo đảm dòng Osprey có thể hoạt động ổn định ở điều kiện sa mạc.
Máy bay V-22 được biên chế chủ yếu cho Thủy quân lục chiến và không quân Mỹ, nhưng Hải quân lại chịu trách nhiệm chính trong quá trình phát triển. Văn phòng Chương trình Osprey của Liên quân Mỹ nằm dưới quyền quản lý của Bộ Tư lệnh Các hệ thống không quân hải quân (NAVAIR).
Những vấn đề với EAPS nói riêng và động cơ nói chung đã ám ảnh dòng V-22, gây ra nhiều tai nạn chết người trong vòng 10 năm qua. Hải quân Mỹ hai lần thiết kế lại EAPS vào năm 2010 và 2011, nhưng đều không thể giải quyết dứt điểm lỗi của bộ phận này. Các chuyên gia lo ngại nỗ lực sửa lỗi lần thứ ba cũng không bảo đảm dòng Osprey có thể hoạt động được trong môi trường sa mạc.
“Lần tái thiết kế này giúp tăng khả năng lọc cát bụi khỏi luồng khí đầu vào động cơ V-22 so với mẫu EAPS nguyên bản. Nhưng lượng cát bụi còn lại vẫn nhiều gấp 4 lần tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Những rủi ro khi vận hành V-22 vẫn chưa được khắc phục triệt để, bất chấp những nỗ lực chỉnh sửa EAPS suốt 9 năm qua”, báo cáo của OIG có đoạn.
Được biết, CH-53K, V-22 và Black Hawk là 3 dòng máy bay lên thẳng chủ lực của Thủy quân lục chiến Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, việc bị hạn chế trong điều kiện có cát bụi tại Trung Đông cho thấy độ tin cậy của chúng kém xa Mi-17 Nga hiện đang hoạt động trong quân đội Afghanistan và nhiều nước ở Trung Đông.
Thực tế này đã buộc Cơ quan thanh tra của Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận trong một bản báo cáo rằng, Black Hawk không đủ tin cậy và không thể mang theo được lượng hàng hóa lớn như Mi-17. Thực tế làm nhiệm vụ trên chiến trường Afghanistan cho thấy, phải cần gần 2 chiếc Black Hawk mới mang hết số hàng của 1 chiếc Mi-17 có thể chuyên trở.
Cơ quan này cho biết thêm, Mỹ đã mua trực thăng Black Hawk trang bị cho Không quân Afghanistan để làm nhiệm vụ thay thế Mi-17, nhưng một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của trực thăng là sức nâng và vận chuyển hàng hóa thì Black Hawk lại không thực sự mạnh và thua kém hơn hẳn Mi-17.
“Trực thăng Black Hawk không có khả năng chịu được trong môi trường khắc nghiệt và nâng như Mi-17”, nguồn tin này cho biết. Thông tin này cũng được coi là thừa nhận cay đắng Mỹ đưa ra kể từ khi Chính phủ và Bộ Quốc phòng Mỹ bằng nhiều cách khác nhau ép Afghanistan phải bỏ Mi-17 chuyển sang dùng Black Hawk.