Chiến đấu cơ đắt đỏ sắp lộ diện của không quân Mỹ

Tiêm kích tàng hình NGAD thuộc thế hệ thứ 6 có ý nghĩa chiến lược đối với cơ cấu lực lượng không quân Mỹ trong tương lai. Chúng dự kiến sẽ thay thế máy bay F-22 Raptor vào năm 2030, qua đó góp phần tối ưu hóa sức mạnh của lực lượng Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, giá thành là một trong những vấn đề đáng bàn hiện nay, khi mẫu tiêm kích mới dự kiến sẽ có giá gấp hai hoặc 3 lần chi phí sản xuất F-35-loại máy bay thuộc hàng đắt đỏ bậc nhất thế giới. Trong cuộc họp của Ủy ban Quân vụ Hạ viện mới đây, khi được hỏi về giá của mẫu tiêm kích tàng hình tương lai, Bộ trưởng Không quân Frank Kendall đã không công bố chi phí chính xác của một chiếc NGAD riêng lẻ, nhưng nói rằng nó có thể lên tới hàng trăm triệu USD.

“Đây sẽ là chương trình phát triển máy bay chiến đấu đắt nhất từng được không quân Mỹ thực hiện. Mỗi máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 sẽ có giá vài trăm triệu USD. Tuy nhiên nó sẽ cung cấp những khả năng chưa từng có với giá trị sử dụng cao”, Bộ trưởng Kendall cho biết.

Chiến đấu cơ đắt đỏ sắp lộ diện của không quân Mỹ

Bản minh họa của Boeing về máy bay thế hệ tiếp theo. Ảnh: Defense News

Cũng theo tiết lộ của ông, chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 sẽ bao gồm cả phiên bản có phi công hoặc không người lái, tùy thuộc vào nhiệm vụ tấn công mặt đất, chiếm ưu thế trên không, hoặc trinh sát. Phiên bản không người lái có giá chưa tới một nửa so với phiên bản còn lại.

Chương trình NGAD được khởi xướng vào những năm đầu thập niên 2010 nhằm phát triển hệ thống chiếm ưu thế trên không cho thập kỷ tới. NGAD hướng tới mục tiêu tạo ra một mạng lưới máy bay chiến đấu được thiết kế để hoạt động cùng nhau, chứ không chỉ tập trung vào nền tảng hoặc công nghệ vũ khí đơn lẻ.

Trong các tình huống rủi ro cao, máy bay không người lái, được mệnh danh là cận vệ trung thành, sẽ được chỉ định để thực hiện các nhiệm vụ, giữ an toàn cho phương tiện có người lái và phi công tránh bị tổn hại.

Không quân Mỹ đã đầu tư hơn 2,5 tỷ USD vào chương trình NGAD kể từ năm 2018 và con số này có khả năng tăng lên ít nhất 9 tỷ USD vào năm 2026. Tạp chí Popular Mechanics nhận định, mức độ cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đã thay đổi rất nhiều kể từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi chương trình F-22 Raptor được khởi xướng và NGAD phản ánh rõ sự thay đổi này.

Để gia tăng ảnh hưởng tại châu Á-Thái Bình Dương, những máy bay chiến đấu thế hệ mới trong chương trình NGAD cần có khả năng hoạt động trên phạm vi rộng lớn lên tới hàng nghìn dặm; linh hoạt trong chiến đấu, trinh sát, vừa có thể chiếm ưu thế trên không, vừa có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công các mục tiêu trên biển và đất liền.

Vậy NGAD sẽ được thiết kế như thế nào? Stephen Trimble, biên tập viên Tạp chí Aviation Week & Space Technology cho rằng mẫu máy bay chiến đấu tầm xa mới sẽ có khả năng hoạt động ở độ cao trên 21km, sở hữu tốc độ siêu thanh và các công nghệ đột phá như khả năng tàng hình, trí tuệ nhân tạo...

Cũng có những đồn đoán cho rằng để đáp ứng nhu cầu hoạt động tầm xa, mẫu máy bay NGAD sẽ có kích thước khá lớn, có thể bằng F-111, một loại máy bay tấn công tầm xa cỡ lớn của không quân Mỹ đã bị loại biên vào những năm 1990. F-111 dài 22m, bay ở độ cao 18km, trọng lượng cất cánh tối đa là 45.000kg và tầm hoạt động hơn 4.800km.

Trong khi đó, F-22 dài 19m, bay ở độ cao hơn 19km, trọng lượng cất cánh tối đa là 35.700kg và có tầm hoạt động 3.000km. Những con số này cho thấy, nếu không quân Mỹ muốn có một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không với tầm hoạt động vượt F-22 (đủ để bay từ Guam đến Okinawa, Nhật Bản và thực hiện những nhiệm vụ trinh sát, tấn công mục tiêu kẻ thù), thì một chiếc máy bay cỡ F-111 không phải là điều quá xa vời.

Đến nay, không quân Mỹ vẫn giữ bí mật hoàn toàn về mẫu máy bay tương lai do lo ngại sự cạnh tranh từ các đối thủ. Tuy nhiên, họ từng khẳng định tiêm kích thế hệ mới sẽ phá vỡ mọi kỷ lục về máy bay chiến đấu. Quá trình phát triển máy bay cũng được chú trọng để bảo đảm dù chi phí sản xuất ban đầu cao nhưng việc nâng cấp và bảo trì lại không tốn kém.

Theo QĐND

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.