Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh AP
Không thể hòa giải
Người ta vẫn nói: ‘Mọi con đường đều dẫn về thành Rome’. Nhưng nay, dường như mọi con đường đều dẫn tới nước Nga, hoặc tới Tổng thống Vladimir Putin.
Theo BBC, 16 năm trước, khi Putin lên nắm quyền, ông dường như đã sẵn sàng cho một mối quan hệ thân mật hơn với phương Tây. Tổng thống Mỹ Bill Clinton còn nói ông Putin là người ‘thông minh’, và ‘đầy tiềm lực’.
Nhưng nay, những lời ngợi khen lại chuyển thành đối đầu với hàng loạt các mâu thuẫn dài như mùa đông nước Nga: từ xung đột Syria, cho tới Ukraina, việc mở rộng NATO, cho tới phòng thủ tên lửa.
Các chính quyền phương Tây cho rằng họ đã vỡ mộng với lãnh đạo Nga. Ngược lại, Tổng thống Putin cũng mất lòng tin ở các đối tác này. Sau khi hòa đàm ở Minsk nhằm mang lại hòa bình cho miền đông Ukraina thất bại, cuộc đàm phán mới đây giữa Nga và Mỹ về Syria cũng đổ bể.
Reuters đưa tin, Ngoại trưởng John Kerry đổ lỗi cho phía Nga vì đã ‘vô trách nhiệm’ khi hậu thuẫn cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hôm 3/10, Mỹ đã hoãn cuộc đối thoại với Nga nhằm thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, cáo buộc Moscow đã không duy trì cam kết đình chiến.
Hãng thông tấn RIA dẫn lời cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Chas Freeman nhận định, Washington sẽ không thể vận dụng sức ảnh hưởng tại Syria nếu không hợp tác với Nga để giải quyết xung đột tại đây.
“Việc Mỹ quyết định ngừng đối thoại ngoại giao với Nga về Syria dường như chỉ làm giảm bớt, chứ không làm tăng thêm ảnh hưởng của Mỹ trong chiều hướng các sự việc tại Syria” – ông Freeman nói.
Theo ông Freeman, Nga sẽ tiếp tục cứng rắn và làm việc với cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran để mở rộng tầm ảnh hưởng tới mức tối đa trong nhiều vấn đề đang thúc đẩy cuộc xung đột Syria.
Freeman nói thêm, ngược lại, quan hệ của Mỹ với Iran lại hời hợt, với Thổ Nhĩ Kỳ đang bị xói mòn. Quan hệ đối tác giữa Washington với Ảrập Xêút và các nước Vùng Vịnh đang ngày càng rắc rối.
Quân đội Mỹ tại Latvia. Nga khó chịu với việc NATO mở rộng - Ảnh: EPA
Hiểm họa đối đầu quân sự trực tiếp?
Về phía Mỹ, việc chấm dứt đối thoại với Nga về vấn đề Syria có thể khiến Washington cân nhắc nhiều hơn tới các phương án quân sự, chẳng hạn như trang bị thêm các vũ khí tinh vi hơn, cung cấp hậu cần và huấn luyện cho lực lượng ly khai.
Tổng thống Barack Obama miễn cưỡng phải can dự sâu vào tình hình Syria. Các quan chức Mỹ nói rằng, ông Obama khó có thể làm như vậy khi thời gian tại nhiệm của ông còn chưa đầy bốn tháng.
Trong khi đó, hãng thông tấn Nga dẫn lời Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói rằng Moscow tiếp tục nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bất chấp việc Mỹ hoãn đàm phán.
Hôm 4/10, Nga tuyên bố đã triển khai hệ thống tên lửa S-300 tới căn cứ hải quân tại cảng Tartus ở Syria. Bộ Quốc phòng Nga giải thích động thái này nhằm ‘đảm bảo an toàn cho căn cứ hải quân’ và ‘không rõ tại sao các đối tác châu Âu hoảng sợ’.
Tờ Moskovsky Komsomolets của Nga cho rằng, xung đột Syria có thể khiến “Nga và Mỹ đối đầu trực tiếp”, xếp ngang với cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba hồi năm 1962. Tờ báo thậm chí còn đưa ra lời cảnh báo về Thế chiến III.
Bên cạnh đó, những chuyên gia khác cho rằng kế hoạch mở rộng NATO cũng là yếu tố thúc đẩy thêm khả năng đối đầu quân sự Nga - Mỹ.
“Có một cảm giác lúc này là Mỹ dường như đang gắng sức chứng tỏ họ là cường quốc duy nhất. Và nếu Nga không đi theo hướng mà Mỹ muốn thì họ (Nga) sẽ phải trả một cái giá rất đắt” – BBC dẫn lời nhà truyền thông kỳ cựu Vladimir Pozner.
“Cách nhìn nhận của giới lãnh đạo Nga về việc NATO tiếp tục mở rộng có thể không chính xác, nhưng đó vẫn là một mối đe dọa thực sự. Nếu anh thúc ép tôi mạnh quá, thì tôi buộc phải đáp trả. Và chúng tôi sẽ buộc phải làm anh khó chịu như cách mà anh làm với tôi. Đối đầu thật sự gây nên mối nguy hại, có thể dẫn tới một hình thức tham chiến và chiến tranh” – Pozner nhấn mạnh.
Nga triển khai chiến dịch không kích tại Syria - Ảnh Bộ Quốc phòng Nga
Andrey Kortunov, lãnh đạo Hội đồng Ngoại vụ Nga, cho rằng quan hệ Nga – Mỹ thời Chiến tranh Lạnh còn ít nhiều ổn định, bởi vì họ phán đoán được ý đồ của đối phương và biết luật chơi.
“Nay chúng ta không còn như vậy nữa. Do quan hệ không ổn định. Đây chính là điều khiến cho mối quan hệ này trở nên nguy hiểm, thậm chí có thể nói là còn nguy hiểm hơn cả thời Chiến tranh Lạnh” – Kortunov nói.
Ở một khía cạnh khác, nhà khoa học chính trị Ekaterina Schulmann lại tin rằng Nga sẽ chẳng bao giờ gây chiến với Mỹ. "Ông ấy không hề có kế hoạch ném bom hydrogen xuống Washington”, Schulmann nhận xét.