Nợ công 62%, gần đụng giới hạn cho phép

Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 13-6 về nợ công, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nợ công đã chạm mức 62% GDP, gần đụng giới hạn cho phép là 65%.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 13-6. Ảnh chụp màn hình
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 13-6. Ảnh chụp màn hình

Có đặt lợi ích doanh nghiệp trên lợi ích công đồng không?

Mở đầu phần chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng)hỏi: “Tình hình tham nhũng diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi khó phát hiện gây bức xúc trong nhân dân. Xin Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua Chính phủ đã xử lý được bao nhiêu vụ tham nhũng, tài sản thu hồi cho nhà nước là bao nhiêu? Giải pháp mạnh mẽ ttrong thời điểm này để chống tham nhũng là gì?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: Trong năm 2014, cả nước phát hiện 256 vụ tham nhũng, tăng 25 vụ so với năm 2013. Tài sản thu hồi năm 2013 chỉ trên 10% thì năm 2014 đã đạt trên 22%. Vừa qua Tổng bí thư đã đề ra 8 biện pháp lớn để chống tham nhũng trong giai đoạn tới, đó là xây dựng thể chế phòng chống tham nhũng, điều tra kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để kịp thời phát hiện tham nhũng, xét xử nghiêm các vụ tham nhũng, vận dộng nhân dân, phát huy vai trò cơ quan dân cử trong việc phát hiện tham nhũng.

Ông Phúc nhận định dù tình hình tham nhũng còn nhiều phức tạp nhưng công tác phòng chống tham nhũng đã có những chuyển biến bước đầu.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa cũng chất vấn ông Phúc về vấn đề chặt cây xanh ở Hà Nội và chuyện lấp sông Đồng Nai. “Có phải hiện nay đang xảy ra tình trạng đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên lợi ích cộng đồng hay không? Chính phủ giải quyết xử lý chuyện này ra sao?”- ông Nghĩa bức xúc.

Phó Thủ tướng cho biết về vấn đề chặt cây xanh, thủ đô Hà Nội có trên 1.000 tuyến phố có cây xanh. Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm tra vấn đề chặt cây trong thời gian vừa qua. Kết quả kiểm tra cho thấy chặt cây trên đuờng Nguyễn Trãi là chặt để đảm bảo an toàn hành lang đường sắt.

Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, chặt cây là nhằm để cải tạo hàng cây theo đề án trồng mới thay thế các cây hư hỏng gãy đổ. Tuy nhiên, qua thanh tra ,TP Hà Nội kết luận đề án này còn sơ sài, không công khai bàn bạc với dân, không hỏi ý kiến chuyên gia. “Sơ sót này cũng ở mức độ sai sót. TP Hà Nội đã tổ chức kiểm điểm nghiêm sai sót các tổ chức cá nhân - Chính phủ hoan nghênh cách giải quyết kịp thời này cùa Hà Nội”- ông Phúc nói.

Riêng chuyện lấp sông Đồng Nai, theo dư luận báo chí nêu, Thủ tướng đã chỉ đạo cử đoàn thanh tra liên ngành vào thanh tra, Ủy ban Công nghệ môi trường của Quốc hội cũng vào Đồng Nai xem xét. Kiến nghị chính thức của đòan thanh tra là tạm dừng lấp sông Đồng Nai để đánh giá tác động môi trường, xem lại việc chỉnh dòng chảy như vậy có ảnh hưởng đến các tỉnh khác và đời sống người dân không.

1.015 tỷ đồng làm hạ tầng, ngân sách chỉ đáp ứng 30%

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đặt câu hỏi về chất lượng hạ tầng giao thông. Ông Sinh thắc mắc liệu xã hội hóa giao thông có phải là tư nhân hóa các công trình giao thông quan trọng của quốc gia hay không? Dự án nâng cấp quốc lộ 1 đã về đích trước thời hạn trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, phải huy động từ nhiều nguồn khác. Xin cho biết cơ chế huy động quản lý các nguồn vốn ngoài ngân sách? Làm sao để chống thất thoát nguồn vốn này vì suy cho cùng người trả tiền cũng là nhân dân.

Ông Phúc cho biết mới đây báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho thấy nhu cầu về xây dựng hạ tầng giao thông thời gian tới cần đến 1.015 tỷ đồng- ngân sách chỉ đáp ứng trên 30%, thiếu 72%. Bài toán đặt ra là huy động nhân dân phải đóng góp với các hình thức khác nhau. Ngày trước chúng ta đánh giặc là phải toàn dân, bây giờ phát triển kinh tế xã hội quốc phòng cũng phải toàn dân chung sức.

Ông Phúc khẳng định xã hội hóa giao thông không đồng nhĩa là tư nhân hóa. Các hình thức góp vốn đầu tư, nhà đầu tư sẽ thu phí, hoàn vốn rồi trả lại cho nhà nước chứ không phải tư nhân hóa công trình. Ta xã hội hóa nhưng không buông lỏng quản lý của nhà nước: nhà nước vẫn phải quản giá thu phí, chuyển nhượng dự án và đặc biệt là quản lý đất đai. Phải quản lý sao cho cả nhân dân, nhà đầu tư và Nhà nước đều có lợi.

Xung quanh vấn dề quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, cơ chế đầu tư là theo cơ chế BOT- xây dựng, kinh doanh, chuyển giao. Chất lượng công trình phải bảo hành 4 năm, khi giải ngân phải có 4 nhà giám sát kiểm tra chất về chất lượng, chọn nhà đầu tư phải minh bạch. "Tôi yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, chính quyền và nhân dân địa phương phải tăng cường giám sát chất lượng công trình để dự án hoàn thành đáp ứng đúng mong mỏi người dân" - ông Phúc nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân băn khoăn khi kỳ họp cuối năm 2014, Thủ tướng có giải trình chi tiết về nợ công nhưng cử tri vẫn lo lắng vô cùng về an toàn nợ công. Chính phủ nói nợ công tăng cao, tăng nhanh nhưng vẫn nằm trong giới hạn an toàn nhưng dân vẫn lo? Tại sao lại có độ vênh trong nhận thức về đánh giá về nợ công giữa người dân và chính phủ?

Giải trình về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói điều quan trọng là khả năng vay và trả nợ vay như thế nào. Ta phát triển hạ tầng nên tỷ lệ nợ công cao. Nợ công đã đạt 62%- gần đụng mức giới hạn cho phép 65%.

Giải pháp sắp tới vẫn là phải Tăng cường quàn lý chi tiêu công. Cơ cấu lại nợ công, tăng vay trong nước, giảm vay nước ngoài, vay ODA lãi suất thấp, tăng vay dài hạn, giảm vay ngắn hạn, tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ thất thoát. Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô- đây là quan trọng vì tạo môi truờng đầu tư tốt thì kích thích sản xuất.

289 doanh nghiệp Nhà nước xương xẩu chưa thể cổ phần hóa

Đại biểu Trần Du Lịch hỏi: “Ta còn 6 tháng 17 ngày kết thúc kế hoạch 5 năm. Nhiệm vụ ưu tiên là tái cấu trúc tập đoàn kinh tế nhà nước. Tuy nhiên đến giờ này còn 289 doanh nghiệp nhà nước xương xẩu chưa cổ phần hoá được, liệu có hoàn thành không? Riêng chuyện nghiên cứu vay quỹ dự trữ ngoại hối cho đầu tư, cái này có làm không? Tôi thấy không nên làm vì tác động không tốt đến nền kinh tế".

Ông Phúc cho rằng tái cơ cấu nền kinh tế, mục tiêu đã đề ra thế nào thì Chính phủ cố gắng thưc hiện đúng mục tiêu trung ương giao. Phấn đấu cổ phần hóa 289 doanh nghiệp Nhà nước - chuyện này vẫn làm hết sức mình trong thời gian tới. Tuy nhiên chúng ta cũng không quá lo lắng vấn đề này, không phải cổ phần hóa bằng mọi giá mà phải quan tâm chống tiêu cực, thất thoát.

Về việc dùng nguồn dự trữ ngoại hối, đây mới chỉ là thảo luận của chính phủ và mới đưa ra định hướng chứ không phải đã thành chủ trương, còn phải xem xét tác động toàn diện với kinh tế vĩ mô, với niềm tin của nhân dân. Cái này không thể làm tùy tiện. Hiện ta có trên 35 tỷ USD quỹ dự trữ ngọai hối, việc sử dụng phải tiếp thu ý kiến của các nhà kinh tế, các chuyên gia dể sử dụng sao cho hiệu quả và can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết.

Chấn chỉnh công tác cán bộ và tăng cường quản lý sim số

Đại biểu Lê Như Tiến bức xúc về lực lượng cán bộ công chức nhà nước vô cảm với nhân dân. “Việc gì cũng vậy, thành hay bại cũng do con người nhưng gần đây xuất hiện một bộ phận cán bộ quên hẳn trong bộ nhớ hai từ cảm ơn, xin chào. Họ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, làm khó người dân. Chính phủ có giải pháp nào để cải cách chế dộ công vụ hay không?”- ông Tiến chất vấn.

Ông Phúc thừa nhận nước ta có gần 4 triệu người trong bộ máy làm nhiệm vụ phục vụ nhân dân, nếu đội ngũ này làm tốt công việc thì sẽ đưa được chủ trương của Đảng và nhà nước tới nhân dân. Một bộ phận xa dân quan liêu, liên quan đến đạo đức công vụ.

“Ta đã có luật và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Tới đây chính phủ sẽ có chế độ thanh tra, kiểm tra, mô tả việc làm, giảm biên chế, tổ chức thi tuyển đề tìm cán bộ tốt phục vụ nhân dân, có đánh giá kịp thời để đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ không tốt”- ông Phúc khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Thanh Hóa) than phiền tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật vẫn là bệnh "biết rồi khổ lắm nói mãi", bệnh này hiện đang nặng thêm. Ông Cương đòi hỏi phải xác định ai chịu trách nhiệm, xử lý thế nào vấn đề này.

Phó Thủ tướng cho biết chính phủ đã có rất nhiều cố gắng, họp nhiều chuyên đề dể giải quyết nợ đọng văn bản hướng dẫn. Trách nhiệm chuyện này dĩ nhiện thuộc về chính phủ và các thành viên chinh phủ. Thời gian tới sẽ xúc tiến để hạn chế nợ đọng quá lâu.

Đại biểu Lê Như Tiến truy tiếp: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ của quốc hội, cử tri đã băn khoăn về 30% tỷ lệ công chức sáng cắp ô đi tối cắp về. Vậy giờ cuối nhiệm kỳ rồi thì tỷ lệ công chức cắp ô này còn bao nhiêu?"

Phó Thủ tướng trả lời về chuyện này vẫn phải quản lý, giáo dục qua giám sát của nhân dân để sàng lọc đội ngũ. Còn tỷ lệ cán bộ cắp ô bao nhiêu thì chưa nắm chắc. Nhưng báo cáo các bộ thì tỷ lệ này thấp. Yêu cầu các bộ các ngành tiếp tục rà soát kỹ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời: "Như vậy là có giảm không?". Ông Phúc trả lời: “Có giảm. Nghị quyết của Bộ Chính trị là phải tinh giảm biên chế, tinh thần là đã có giảm nhưng phải giảm mạnh hơn nữa mới đáp ưng mong mỏi của người dân".

Đại biểu Tô Thị Hồng Thoại nêu vấn đề vì sao Chính phủ chủ trương phát triển ngành điện lực cạnh tranh nhưng chưa thấy triển khai? Khả năng thực hiện có đạt lộ trình và mục tiêu đặt ra hay không?

Ông Phúc cho biết phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh là lộ trình phát điện cạnh tranh. Khi xã hội hóa, người mua điện có thể lưa chọn nhà cung cấp. Tuy nhiên điện là một ngành đặc biệt, làm sao phải bảo đảm an toàn điện. "Tôi giao Bộ trưởng Công thương tìm ra giải pháp đột phá để thực hiện chủ trưong này. Tôi cam kết lộ trình này có khả năng thực hiện" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề xử lý tin nhắn rác, ông Phúc cho rằng quản lý sim cần thiết hơn quản lý tin nhắn rác, yêu cầu Bộ thông tin truyền thông phải nghiên cứu sâu hơn để chấn chỉnh cái này. Trước đây đã phạt gần 3 tỷ đồng các đối tượng làm tin rác. Cả nước có 150 triệu máy di động và 8 triệu thuê bao internet, trong khi đó quản lý còn hạn chế. Ta có 8 nhà viễn thông, phải quản lý đầu vào chặt hơn, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý tin nhắn rác.

Kết thúc buổi làm việc sáng 13-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời 30 chất vấn của 24 lượt đại biểu. Phần trả lời đi thẳng vào vấn đề, giải quyết được vấn đề. Tất nhiên có những nội dung phải tiếp tục làm thì mới giải quyết được.

Kết thúc 2,5 ngày chất vấn, có hơn 130 đại biểu chất vấn với 200 câu hỏi - cho thấy ta đã chọn đúng vấn đề và người trả lời chất vấn. Chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ. Các câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế yếu kém để khắc phục. Người trả lời không né tránh chuyện phức tạp, nhận trách nhiệm về cá nhân mình và đề ra giải pháp để làm thay đổi tình hình. Quốc hội hoan nghênh sự nghiêm túc cầu thị của các thành viên chính phủ tham gia trả lời chất vấn.

Sau phiên họp, Quốc hội yêu cầu chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết các vấn đề đã được đưa ra chất vấn nhằm đáp ứng đòi hỏi của đồng bào cử tri trước yêu cầu phát triển đất nước.

Theo MAI HƯƠNG/tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast