MB-chuan.jpg

Trong quá trình đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh luôn coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, không ngừng vun đắp, gìn giữ tình đoàn kết quân dân, góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biên cương của Tổ quốc.

unit-6196.png
Tit-phu-1.jpg

Cuộc hẹn của chúng tôi với Thiếu tướng Nguyễn Trọng Thường - nguyên Phó Tham mưu trưởng BĐBP Việt Nam diễn ra khi ông đang sửa soạn hành lý cho cuộc hội ngộ đồng chí, đồng đội của mình tại sự kiện kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống BĐBP (3/3/1959 - 3/3/2024) được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Ký ức những năm tháng bảo vệ biên cương hiện rõ trong ông.

AnhCD.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Thường.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Thường sinh năm 1957, nhập ngũ tháng 3/1975 khi vừa tròn 18 tuổi. Công tác tại BĐBP Trại Trụ (nay là Đồn Biên phòng Phú Gia - Hương Khê) từ năm 1975-1977, với vai trò là thành viên tổ khảo sát đường biên, mốc giới, đồng chí Nguyễn Trọng Thường là một trong những người có đóng góp quan trọng trong việc xác định, cắm mốc biên giới Việt - Lào. Ngày đó, biên giới Việt - Lào chỉ mới có trên bản đồ, chưa được xác định trên thực địa; trình độ thể hiện của bản đồ cũng còn hạn chế nên đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, gian khổ. Tổ công tác có 15 thành viên, mang theo lương thực, lều trại đã “ăn dầm, nằm dề” ở vùng biên hàng tháng trời để xác định, đo đạc đường biên. Trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, có những lúc họ tưởng chừng không thể trở về.

Anh-1.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Thường ôn lại những kỷ niệm ngày còn công tác.

Chúng tôi tự hào đã góp phần quan trọng vào việc ký kết thành công Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và CHDCND Lào và các hiệp định bổ sung hoàn chỉnh về sau.

unit-6196.png

THIẾU TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG THƯỜNG

“Sau một cơn lũ quét vào đầu năm 1977, chúng tôi bị mất dấu vết, lạc sang nước bạn Lào. Hơn 10 ngày trong rừng sâu không tìm được đường về trong tình trạng đói, rét, kiệt sức, chúng tôi may mắn gặp được nhóm công nhân trồng cao su và được cứu sống. Sống sót trở về nhưng hầu hết thành viên đoàn đều bị sốt rét, phù nề, kiệt sức, phải điều trị trong thời gian dài. Nhưng chúng tôi tự hào đã góp phần quan trọng vào việc ký kết thành công Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và CHDCND Lào và các hiệp định bổ sung hoàn chỉnh về sau” - Thiếu tướng Nguyễn Trọng Thường nhớ lại.

Tháng 8/1978, ông được phân công đi học tại Trường Sỹ quan Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng Việt Nam) và tốt nghiệp với 100% các môn học đạt loại giỏi; là một trong những người đầu tiên được thăng quân hàm trung úy sau khóa học.

Hoàn thành khóa học, ông về công tác tại Đồn Biên phòng Thông Thụ (huyện Quế Phong - Nghệ An); Đồn Biên phòng Quỳnh Phương (huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An) với vai trò chính trị viên, rồi Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ Tĩnh (năm 1986-1991) và Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An (1991-1993). Năm 1993, ông được điều động về Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh và đảm nhận các vị trí: Phó Chủ nhiệm Chính trị (1993-1995), Chủ nhiệm Chính trị (1995-2003), Chỉ huy phó Hậu cần kỹ thuật (2003-2005), Chính ủy (2005-2008), Chỉ huy trưởng (2008-2013). Với năng lực, bản lĩnh vững vàng cùng những đóng góp to lớn, ông được tín nhiệm giữ chức Phó Tham mưu trưởng BĐBP Việt Nam (2013-2017).

Full-1.jpg

Hình tư liệu về công tác của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Thường.

Anh-2.jpg

Ở mỗi địa bàn, vị trí công tác, ông đều phát huy tinh thần trách nhiệm, khẳng định bản lĩnh chính trị vững vàng. Nhiều vụ việc “nóng” về ANTT, tôn giáo trên địa bàn công tác được giải quyết ổn thỏa có vai trò quan trọng của ông và các đồng đội. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Thường chia sẻ: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù lực lượng đông, phương tiện được trang bị hiện đại đến đâu đi chăng nữa thì BĐBP cũng phải bám chắc phương châm hoạt động “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân”. Phải gắn bó máu thịt với Nhân dân, đặc biệt là đồng bào ở vùng biên; luôn coi Nhân dân là hậu phương, là điểm tựa vững chắc, là cánh tay đắc lực trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”.

Với những đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Thường vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng II, III; Huân chương Quân công Hạng I; được Chính phủ nước CHDCND Lào tặng Huân chương Lao động...

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Thường gửi gắm kỳ vọng tới cán bộ, chiến sĩ biên phòng trong tình hình mới.
Anh-3.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Thường chia sẻ với PV Báo Hà Tĩnh.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Thường vẫn không quên nhắc nhớ những người anh, người đồng chí, đồng đội đã một thời dìu dắt, kề vai sát cánh cùng ông như: Đại tá Võ Hồng Tuyên - Anh hùng LLVT Nhân dân; Thượng tướng Võ Trọng Việt - nguyên Tư lệnh BĐBP Việt Nam; cố Thượng tá Phan Xuân Bảo - nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cầu Treo... Những vần thơ ông vừa sáng tác như một sự tri ân với thế hệ đi trước và cũng là lời căn dặn cho các thế hệ sau: “Tháng ba về anh có nhớ rừng xanh/ Nơi tuổi thanh xuân trải cùng năm tháng/ Tận hiếu với dân, tận trung với Đảng/ Để đất nước mình rực rỡ những mùa xuân”.

Tit-phu-2.jpg

Phát huy truyền thống của cha anh, thế hệ cán bộ, chiến sĩ trẻ của Biên phòng Hà Tĩnh luôn nỗ lực trong học tập, rèn luyện; trau dồi bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm giữ gìn màu xanh, bình yên cho dải đất biên cương của Tổ quốc.

Hơn 4 năm công tác tại Đồn Biên phòng Sơn Hồng và hơn 20 năm tham gia công tác xây dựng, bảo vệ, quản lý vùng biên, Thiếu tá Nguyễn Viết Quốc (SN 1982) - Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính đã kế thừa xứng đáng truyền thống của gia đình. Anh là con trai của Thượng tá Nguyễn Bá Cầm (SN 1953) - nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Sót (Lộc Hà). Từ khi còn nhỏ, đối với Nguyễn Viết Quốc, cha anh, chú anh là tấm gương về ý chí, bản lĩnh người lính, là mục tiêu để anh phấn đấu, rèn luyện bản thân.

Anh-4.jpg
Thiếu tá Nguyễn Viết Quốc và cán bộ, chiến sĩ theo dõi các dấu vết khả nghi trên đường tuần tra.

Dù ở địa bàn, vị trí công tác nào, tôi cũng xác định bản lĩnh vững vàng, tinh thần, trách nhiệm cao nhất

unit-6196.png

THIẾU TÁ NGUYỄN VIẾT QUỐC

Thiếu tá Nguyễn Viết Quốc chia sẻ: “Yêu vùng biên cương nơi mình đang chiến đấu và cống hiến, yêu màu áo lính biên phòng và tự hào về tấm gương của cha, của chú, tôi càng phải nỗ lực hết mình. Dù ở địa bàn, vị trí công tác nào, tôi cũng xác định bản lĩnh vững vàng, tinh thần, trách nhiệm cao nhất”.

Sơn Hồng là xã miền núi với diện tích trải dài, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Giáp biên giới nước CHDCND Lào nên nơi đây luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tội phạm ma túy, vượt biên trái phép... Do đó, công tác tuần tra luôn đòi hỏi phải có sự tinh anh, nhanh nhẹn, khả năng quan sát và đánh giá tình hình, phát hiện bất thường từ những dấu vết nhỏ nhất nhằm đảm bảo ANTT, biên giới quốc gia.

Với vai trò Đội trưởng, Thiếu tá Quốc đã phát huy trách nhiệm trong công tác giao lưu, phối hợp với Đại đội Bảo vệ biên giới 252 và Trạm Công an xã Nậm Xắc - huyện Xay Chăm Pon - tỉnh Bolikhămxay (Lào). Hai bên thường xuyên tổ chức tuần tra song phương, trao đổi thông tin; hỗ trợ phía bạn công tác y tế, cung ứng lương thực, thực phẩm... Điều này đã góp phần thắt chặt, củng cố thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa 2 địa phương; tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ biên giới của đôi bên.

Full-2.jpg
Thiếu tá Nguyễn Viết Quốc (thứ 2 bên phải) cùng đồng đội tuần tra, bảo vệ biên giới.

Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, anh và đồng đội ngày đêm không quản khó khăn, vất vả để bám chốt trong rừng sâu, góp phần xây dựng phòng tuyến chống dịch vững chắc nơi vùng biên ải.

Thiếu tá Nguyễn Viết Quốc đã được tặng thưởng Huân chương Chiến sỹ Hạng I, II, III; kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc”; bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP...

Học tập và noi gương các chú, các anh, đồng chí, đồng đội mình, Thượng úy Phạm Thái Sơn (SN 1998) - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Sơn Hồng cũng trở thành một sỹ quan vững vàng chuyên môn, được dân tin yêu, mến phục. Tuy là “em út” của đồn nhưng anh được biết đến là một tấm gương về ý chí tự học, nghị lực vượt khó và một tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, khôn khéo.

Anh-5.jpg
Thượng úy Phạm Thái Sơn.

Là một sĩ quan trẻ, tôi càng ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc kế thừa, tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước. Xem “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt.

unit-6196.png

THƯỢNG ÚY PHẠM THÁI SƠN

Mồ côi mẹ khi học lớp 3, bố xây dựng gia đình mới nên Sơn và em gái sống cùng ông bà nội từ bé. Cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn tình cảm gia đình khiến Sơn càng nuôi ý chí vươn lên, tự học. Cậu trò nghèo mồ côi mẹ đã thi đậu vào lớp Sử của Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, được kết nạp Đảng vào năm học lớp 12. Với giải ba môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Sơn đã lựa chọn Khoa Quản lý, bảo vệ biên giới của Học viện Biên phòng Việt Nam.

Tháng 8/2020, sau khi tốt nghiệp, Sơn được phân công về công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt và tháng 6/2021 chuyển về Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Phấn (huyện A Lưới - tỉnh Thừa Thiên Huế) với vai trò Đội phó Đội Vận động quần chúng. Tuổi đời còn trẻ, thời gian công tác chưa dài nhưng anh được người dân địa phương gọi với biệt danh trìu mến “con của người già, bố của trẻ mồ côi ở A Lưới”. Anh trở thành điển hình dân vận khéo của đơn vị. Tháng 8/2023, Thượng úy Phạm Thái Sơn được chuyển công tác về Đồn Biên phòng Sơn Hồng. Anh luôn gần gũi, chân thành, cởi mở với bà con, nắm bắt tình hình để tuyên truyền hiệu quả Luật Biên phòng; công tác quản lý, bảo vệ biên giới; phòng chống ma túy, pháo, cháy nổ; các hoạt động xây dựng NTM, đời sống văn hóa tại địa phương...

Anh-6.jpg
Thượng úy Sơn và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Hồng thường xuyên gần gũi, nắm bắt tình hình bà con vùng biên giới.

Sơn đã tham mưu, đề xuất Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn nhận các cháu mồ côi có nguy cơ bỏ học làm con nuôi của đồn. Anh cùng đồng đội tích cực kết nối các nhóm thiện nguyện, kêu gọi nguồn lực để góp phần tổ chức thành công nhiều chương trình ý nghĩa như: “Trung thu cho em”, “Bánh chưng xanh - Tết ấm cho người nghèo”, “Tết biên cương ấm lòng dân bản”...

Thượng úy Phạm Thái Sơn được Bộ Tư lệnh BĐBP biểu dương là một trong những “Gương mặt trẻ tiêu biểu” năm 2021; được tặng bằng khen của Bộ Quốc phòng trong phong trào “Quân đội chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2023 cùng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành vì có thành tích xuất sắc trong công tác.

Thượng úy Sơn chia sẻ: “Là một sĩ quan trẻ, tôi càng ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc kế thừa, tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước. Xem “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, chúng tôi nguyện cống hiến hết mình cho cuộc sống bình yên của Nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quê hương”.

Thượng úy Phạm Thái Sơn chia sẻ về trách nhiệm tiếp nối truyền thống của một sĩ quan trẻ.
Full-3.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Hồng thường xuyên gần gũi, nắm bắt tình hình bà con vùng biên giới.

Có các anh biên phòng, người dân chúng tôi yên tâm sinh sống, làm ăn và có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ xóm làng, biên giới.

unit-6196.png

BÀ NGUYỄN THỊ LƯƠNG

Thôn 11, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn

Bà Nguyễn Thị Lương (SN 1944 - người dân thôn 11, xã Sơn Hồng) phấn khởi nói: “BĐBP gần gũi, hỗ trợ bà con nhiều lắm! Không chỉ nói cho bà con hiểu mà các đồng chí ấy còn làm để bà con tin. Có các anh biên phòng, người dân chúng tôi yên tâm sinh sống, làm ăn và có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ xóm làng, biên giới”.

Chia tay người dân vùng biên, chia tay những người lính dễ mến để trở về xuôi khi ánh chiều đã nhuộm thắm núi đồi, chúng tôi càng thêm cảm phục và tự hào về các thế hệ chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh. Các anh đã vững vàng tiếp bước thế hệ đi trước, vun đắp thêm truyền thống vẻ vang của BĐBP Việt Nam với 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

BÀI, ẢNH: KIỀU MINH - ĐÌNH NHẤT

THIẾT KẾ: THANH HÀ

Chủ đề Ngày truyền thống Bộ đội biên phòng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast