Giới trẻ

Cho đi là còn mãi

Họ ở cách nhau hàng ngàn cây số, mang nghĩa vụ cuộc đời hoàn toàn khác nhau. Tai ương ập đến bất ngờ cướp đi sinh mạng. Nhưng với những quyết định vượt lên nỗi đau của người thân, họ vẫn "tồn tại" trong cơ thể của những con người khác.

Cho đi là còn mãi

5/2/2018,

Căn nhà trọ vách tôn thiếc ở phường An Phú (quận 2, TP.HCM) của bà Võ Thị Ánh Phụng (quê Bến Tre) vắng lặng. Bên trong, bóng người phụ nữ ngồi thu gọn vào một góc giường, ánh mắt hướng lên phía khung ảnh nơi bàn thờ nghi ngút khói hương. Vậy là đã 2 năm, con bà rời khỏi trần gian. Chàng trai ra đi khi tuổi còn xanh mái tóc.

Gương mặt đượm buồn, bà nói với khách phương xa: “Hồi còn sống Lành thương mẹ lắm, đi phụ hồ có đồng nào là đem hết đồng đó về. Mỗi lần đi chơi chỉ dám xin mẹ 20 ngàn đồng”.

Dù bị hành hạ bởi những cơn đau xương khớp lẫn nỗi đọa đày tinh thần, trí nhớ của bà Phụng vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh người con hiếu thảo. Bà cũng không thể quên được cái ngày định mệnh - ngày mà số phận đã cướp mất của bà người con trai 21 tuổi, cái độ tuổi xuân xanh đẹp nhất của một đời người.

Lành đột ngột ra đi. Cái tin đau đớn ấy đến với bà Phụng như vết thương sâu hoắm. “Hôm đó Lành đang chạy đi phụ hồ. Sắp tới đường lớn rồi thì có hai vợ chồng từ trong hẻm băng ra rất nhanh. Lúc va chạm, hai người đó lộn nhào qua xe con tôi. Chồng bị tét môi nhưng không nặng, vợ gần như không bị gì. Chỉ có con tôi là xấu số...”, giọng bà Phụng nghẹn lại.

Lành chết não. Các y bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đặt vấn đề hiến tạng với mẹ anh. “Xin cô hãy suy nghĩ, chết không phải là chấm dứt, còn bao bệnh nhân đang thoi thóp chờ được ghép tạng trên giường bệnh”.

Cho đi là còn mãi

Bà Phụng - mẹ của Lành hiện đang sinh sống trong căn nhà vách tôn cũ kỹ.

Đau đớn lắm nhưng khi nghe giải thích từ bác sĩ, bà Phụng nén nỗi đau, mở tấm lòng nhân ái. Bà chấp thuận đồng ý hiến tạng của con để các bác sĩ cứu người. Suy nghĩ chân chất của một bà mẹ miền quê chỉ mách bảo rằng phải làm sao để cứu những người khác và cũng để đứa con yêu quý của mình được sống lại một lần nữa. Để bà vẫn cảm nhận được sự hiện hữu của con trên cõi đời này.

Mất sạch giấy tờ tùy thân, các thủ tục hiến tạng gặp rất nhiều khó khăn. Để chứng minh mình và Lành có quan hệ huyết thống, người mẹ phải dùng đến tờ giấy viết tay khai sinh lúc nhỏ cho Lành làm bằng chứng. Khi mọi thủ tục xong xuôi cũng là thời điểm cuộc rượt đuổi thời gian giành giật mạng sống cho các bệnh nhân bắt đầu.

Hai quả thận và hai giác mạc của Lành được ê-kíp các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy ghép ngay cho bệnh nhân tại đây. Nhưng trái tim và lá gan lại phù hợp nhất với hai người đàn ông đang “cận kề cửa tử” tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

3 giờ sáng, một ê-kíp bác sĩ từ Bệnh viện Việt Đức tức tốc bay vào Nam để mang tim và phần gan người hiến lên máy bay ra Bắc. Vì bệnh nhân chết não đã lâu lại tốn thêm thời gian vận chuyển nên chậm thêm một chút nữa thôi, mọi thứ sẽ đổ sông đổ bể. Nhờ sự tận lực từng phút từng giây của ê-kíp phẫu thuật, hai bệnh nhân được cho tạng từ chỗ sự sống chỉ còn tính bằng ngày đã dần bình phục. Họ hồi sinh bằng trái tim và lá gan của chàng trai đã mất, bằng sự quyết đoán và tấm lòng của người mẹ.

Đó cũng là hai ca ghép tạng xuyên Việt lần 2 gây chấn động giới y học trong nước lúc bấy giờ. Hai năm qua, 6 người nhận tạng của Lành vẫn sống tốt. Bà Phụng vẫn chật vật làm thuê làm mướn mưu sinh hằng ngày. Bà Phụng kể lại sự việc mà nước mắt ướt đẫm. Bà đau đớn nhưng nén nỗi đau để làm điều thiện. Lành mất nhưng Lành đã cứu sống được nhiều người. Đứa con trai mà bà yêu thương vẫn hiện hữu đâu đó trên cõi đời này thông qua đôi mắt, lá gan, quả thận mà Lành đã hiến tặng.

Cho đi là còn mãi

Chiếc xe cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy đã chứng kiến biết bao câu chuyện hiến ghép tạng cảm động.

Cho đi là còn mãi

24/2/2018,

“Em không biết việc làm của em đúng hay sai. Em không biết anh có giận em không nhưng em muốn anh cứu được nhiều người khác...”, đó là những điều mà chị Tạ Thị Kiều thầm thì vào tai người chồng đang nằm im lìm trên giường bệnh. Thiếu tá Lê Hải Ninh (quê Ninh Bình) gặp nạn trên đường làm nhiệm vụ. Anh được đưa đến Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội) trong tình trạng đã chết não.

Cho đi là còn mãi

Trước khi nói với chồng những lời ấy, người vợ ký vào lá đơn hiến tặng phổi, gan, tim, thận và giác mạc của chồng. Vì chị biết ở đâu đó có những con người đang chờ đợi được cứu sống từng ngày. Nghĩa cử cao đẹp của chị và gia đình đã mang lại sự sống, đem lại ánh sáng cho 6 người khác.

Cách chỗ anh Ninh nằm hơn 1.700 km, ngay trong đêm 24/2, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nhận được cuộc gọi từ Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia báo có bệnh nhân 45 tuổi sẽ hiến tặng một quả tim.

Lục lọi danh sách chờ, số phận lại chỉ ngay chàng trai tên Hùng (29 tuổi, quê Tiền Giang). Hùng bị bệnh cơ tim giãn nở đã nhiều năm và đang trong giai đoạn nặng. Oái oăm thay, đây là lần thứ ba Hùng được chọn. Hai lần trước anh từ chối, vì gia cảnh quá ngặt nghèo.

Không thể để bệnh nhân tự tay phủi đi cơ hội sống lần nữa, ngay trong đêm những cuộc gọi từ Bệnh viện Chợ Rẫy liên tục trấn an tinh thần người đàn ông. “Hãy tận dụng cơ hội lần này/ Hãy ghép tim cứu tính mạng trước, mọi thứ khác tính sau”, các bác sĩ thuyết phục. Hùng gật đầu. Không phải chỉ vì mạng sống của chính mình. Mà bởi bên cạnh anh còn người cha già và đứa trẻ thơ đã thiếu hơi ấm của mẹ từ nhỏ. Anh phải giữ đúng lời hứa trở về với con.

Cho đi là còn mãi

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Hùng sau khi ghép tim.

25/2/2018,

Một cuộc thảo luận về việc đưa bệnh nhân ra Hà Nội ghép tim hay mang quả tim từ Bắc vào Nam diễn ra gấp gáp. Sau khi quyết định chọn phương án 2 để giảm thiểu tối đa chi phí cho Hùng, một thông tin nữa ập đến. Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ được điều phối thêm một quả thận của người quân nhân.

Lúc này phía bệnh viện lại tiếp tục rà soát thêm một trường hợp nhận thận. Từ danh sách chờ, nhân viên Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người đã liên lạc đến mẹ của cô gái tên Thương (25 tuổi, quê Ninh Thuận). Đây là cô nữ sinh đã có gần 3 năm trời chống chọi căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, sức khỏe đang dần suy kiệt.

Cho đi là còn mãi

26/2/2018,

Thật gấp rút, ê-kíp chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện QĐTƯ 108 cùng sự hỗ trợ của cảng hàng không và lực lượng cảnh sát giao thông hai miền, hai phần tạng trong vòng 6 tiếng đã được chuyển vào TP.HCM. Mọi thứ chóng vánh đến nỗi nguồn tạng ngay khi hạ cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong vỏn vẹn 15 phút đồng hồ.

Ca phẫu thuật cấy ghép đưa tim vào lồng ngực được thực hiện từ 14h30. Đến 19h15, tim bệnh nhân đập trở lại, cuộc mổ hoàn tất lúc 21h30.

Trải qua 5 tiếng đồng hồ căng thẳng trong đêm, quả thận cuối cùng cũng được đưa vào cơ thể nữ bệnh nhân một cách hoàn hảo. Khi các bác sĩ tấp ra một quán lề đường ăn mừng thành quả, đồng hồ vừa chuyển sang ngày 27/2 - Ngày Thầy thuốc Việt Nam được ít phút.

Cho đi là còn mãi

Hùng và người cha ngồi ở hành lang bệnh viện Chợ Rẫy.

Cho đi là còn mãi

Một trong hai ca ghép tạng xuyên Việt diễn ra vào cuối tháng Hai tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Cho đi là còn mãi

19/3/2018,

Hội trường giao ban của Bệnh viện Chợ Rẫy. Từng thước phim miêu tả hành trình đưa hai bệnh nhân được ghép tim, ghép thận từ cõi chết trở về hiện lên trên màn hình lớn. Phóng viên chăm chú, y bác sĩ thì nhíu mày xúc động.

“Thành công của hai ca ghép tạng xuyên Việt lần 3 đã thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong ghép tạng. Đồng thời thể hiện tính ưu việt, nhân văn của ngành y tế vì đây là hai bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, được bệnh viện vận động mạnh thường quân giúp đỡ chi phí ghép tạng. Chúng tôi xin gửi lời tri ân đến bệnh nhân và gia đình đã hi sinh để mang lại sự sống cho người khác”, PGS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy phát biểu với giọng run run.

Cho đi là còn mãi

9h36, dòng chữ hiện lên từ điện thoại phóng viên: “Đã họp báo chưa con, cô không được mời”. Là tin nhắn của cô Trần Thanh Lam, mẹ Thương. Cô muốn được lên hội trường để biết thông tin về người đã cho con cô quả thận. Nhưng bác sĩ bảo không được.

Dòng tin nhắn làm tôi nhớ đến gương mặt nghẹn ngào của bà mẹ này chiều hôm qua, thời điểm Thương trở lại phòng cách ly.

Cho đi là còn mãi

Mẹ của nữ sinh viên tên Thương chờ con ngoài phòng cách ly tại bệnh viện Chợ Rẫy.

“Qua báo đài tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình… Cảm ơn họ rất nhiều, hi vọng họ sớm vượt qua nỗi buồn. Bé Thương khó có thể đền đáp lại những gì đã nhận được. Tôi chỉ xin hứa thay con là sau này khi khỏe lại, bé sẽ cố gắng học để ra trường, cố gắng hết sức mình để cống hiến cho xã hội. Bạn bè kêu nó làm clip gửi lời cảm ơn ngay tới mọi người rồi, nhưng nó còn mệt, hụt hơi áp lực quá nên chưa thể nói gì được”, cô Lam nói trong giàn giụa nước mắt...

Cho đi là còn mãi

Mẹ Thương nghẹn ngào nói lời tri ân người hiến thận cho con mình.

Cũng chính bà mẹ ấy gần một tháng trước gạt nỗi đau bảo Thương nên nhường sự sống cho bệnh nhân khác, rồi bà sẽ cố lo chi phí ghép thận trong tương lai. Bởi lúc ấy trong tay hai mẹ con chỉ có trên dưới 20 triệu đồng cùng những khoản nợ ngập đầu.

“Con chờ ngày được ghép thận lâu lắm rồi mẹ ơi. Mẹ có biết 3 năm nay con mệt mỏi, áp lực lắm không. Ngày nào con cũng lên phòng ghép tạng của bệnh viện. Con còn phải đi học, phải ra trường đi làm. Nhường cho người ta thì biết bao giờ đến lượt…”, giọng đứa con gái thương yêu xé ruột, xé gan người mẹ.

Cho đi là còn mãi

Thương thời điểm vừa ghép thận, nằm trong phòng cách ly.

Định bụng sẽ thế chấp ngôi nhà ở quê, mẹ con Thương đánh liều đồng ý. Nhưng khi biết rõ hoàn cảnh của họ, phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy quyết tâm không để bệnh nhân “bán bàn thờ để trả nợ”, dù mọi thứ lúc này là vô cùng khẩn cấp.

Quả ngọt sau ca mổ là việc sức khỏe Thương hồi phục tốt. Chi phí ghép thận được bảo hiểm chi trả rất nhiều. Gánh nặng từ đây được cởi bỏ khỏi bờ vai người mẹ. Thương sẽ sớm trở lại trường, hoàn thành luận án cho năm cuối ngành thiết kế đồ họa đã dở dang vì bệnh tật.

Đêm 19/3, mẹ con Thương rời viện.

Cho đi là còn mãi
Cho đi là còn mãi

Minh họa: Sỹ

Thiết kế: Bi

Nguồn: afamily

Đọc thêm

Một người nên có nhiều nhất mấy thẻ tín dụng?

Một người nên có nhiều nhất mấy thẻ tín dụng?

Theo các chuyên gia, mỗi người chỉ nên sở hữu từ 1 đến 2 thẻ tín dụng để dễ quản lý và tránh rủi ro về tài chính. Việc sử dụng nhiều thẻ có thể dẫn đến việc quên thanh toán hàng tháng.
Uống cà phê tốt nhất và tệ nhất vào lúc nào trong ngày?

Uống cà phê tốt nhất và tệ nhất vào lúc nào trong ngày?

Để nhận được lợi ích từ cà phê và giảm các tác dụng phụ, thời điểm uống cà phê rất quan trọng. Vậy nên uống cà phê vào lúc nào trong ngày? Trào lưu thưởng thức một tách cà phê từ 4 giờ sáng và ngắm bình minh có thực sự tốt?
8 kiểu tư duy khiến bạn nghèo

8 kiểu tư duy khiến bạn nghèo

Tư duy sai nghĩa là bạn nhìn thế giới qua lăng kính của sự khan hiếm và thiếu thốn, không thấy được sự phong phú và những cơ hội xung quanh mình.
Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Những đứa con từng bị cha mẹ giám sát kỹ càng giờ đây đảo ngược vai trò. Nhiều người cảm thấy khó chịu, số khác thấy đây là cách để gắn kết gia đình.
Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Khi bắt đầu làm bartender 20 năm trước, Zhang Yuan thường thấy khách độ tuổi 30-40 uống rượu xã giao trong công việc, nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi.
Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Kết hôn khi quá trẻ, cả hai người đều chưa chín chắn, trưởng thành có thể dẫn đến ly hôn, nhưng chờ đợi quá lâu cũng gây ra nhiều vấn đề.
6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

Hệ vi khuẩn đường ruột thay đổi, ô nhiễm không khí, vi nhựa, béo phì, uống rượu và tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ.
8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

Ăn đa dạng, phối hợp đạm động vật và thực vật, không ăn mặn, tiêu thụ rau quả hàng ngày, là những nguyên tắc được chuyên gia dinh dưỡng khuyên giúp sống thọ.
Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Khảo sát công ty tuyển dụng quốc tế Robert Walters (Mỹ) cho thấy 50% Gen Z và thế hệ Millennials không thoải mái nếu phải thực hiện cuộc gọi thoại trong công việc.