Mới đây, vụ việc nam thiếu niên (SN 2010) rơi từ tầng cao tại Trung tâm Thương mại Vạn Hạnh Mall (TP Hồ Chí Minh) kèm thông tin cá nhân và những dòng tâm sự với nội dung: “Cuộc sống đã mất đi ý nghĩa của nó. Không sống vì ai cả, không làm điều này cho bất kỳ ai. Thế này là quá đủ rồi, làm điều này vì sự tự do của bản thân”, khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm.

Những câu chữ trong bức thư thể hiện sự tuyệt vọng, mất phương hướng của một người còn trẻ, đúng hơn là còn quá trẻ. Rõ ràng, đây không chỉ là bi kịch của một cá nhân mà còn là vấn đề của cả xã hội. Và, không phải đến sự việc này người ta mới nhận ra, có nhiều người trẻ đang phải mang trong mình quá nhiều áp lực nhưng lại chẳng biết trút bỏ ở đâu. Đây cũng không phải là lần đầu tiên chúng ta nhận ra mặt trái của sự phát triển, rằng điều đó khiến nhiều người trẻ tự đặt mình trong vòng xoáy của sự cạnh tranh, từ quá trình học tập đến công việc để không bị tụt lại phía sau...
Nhiều người trẻ phải đối diện với sự so sánh không ngừng nghỉ - bạn bè khoe thành tích học tập, khoe công việc tốt, khoe cuộc sống sang chảnh - trong khi bản thân lại cảm thấy mình chưa đạt được gì. Cuộc đua vô hình này khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy kiệt sức, mất phương hướng và thậm chí nghi ngờ chính bản thân mình.

Bên cạnh đó, gia đình lẽ ra là nơi chốn bình yên nhất nhưng đôi khi lại là nơi đẩy con người ta đến vực thẳm. Nhiều bậc phụ huynh đặt kỳ vọng quá lớn vào con cái, mong muốn chúng phải giỏi giang, thành công mà quên mất rằng, mỗi đứa trẻ có khả năng và ước mơ riêng. Cha mẹ nào cũng muốn tốt cho con cái nhưng lại ít khi lắng nghe mong muốn thật sự của con. Và thế là, nhiều đứa trẻ lớn lên với cảm giác phải sống cho người khác chứ không phải cho… chính mình.
Những kỳ vọng từ gia đình, nhà trường và xã hội khiến nhiều người trẻ bị đẩy vào một guồng quay không ngừng nghỉ. Khi trong tư tưởng in sâu nếp nghĩ chỉ có thành tích mới là thước đo của giá trị thì chúng buộc phải chạy đua để không bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ và những người liên quan chưa quan tâm đến áp lực phía sau những “cuộc đua” đó. Họ càng thờ ơ với việc chia sẻ áp lực. Vì thế, nhiều bi kịch đã xảy ra.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề sức khỏe tâm lý của giới trẻ. Việc xây dựng một hệ thống hỗ trợ tinh thần, từ gia đình, trường học đến cộng đồng là điều vô cùng cần thiết. Ngoài ra, cũng cần thay đổi nhận thức về sức khỏe tinh thần và việc chăm sóc tâm lý cần được xem là một phần quan trọng của cuộc sống.
Chúng ta vẫn thường nghe câu thế hệ trẻ chính là tương lai của đất nước. Quả vậy, một thế hệ trẻ mạnh mẽ, tự tin, hạnh phúc sẽ góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.