“Blind box” hay túi mù, hộp mù là sản phẩm chứa bên trong món đồ ngẫu nhiên mà nhà sản xuất lựa chọn. Đó có thể là mô hình nhân vật hoạt hình, hoa quả, con vật… với đủ hình dáng, màu sắc. Người mua hàng sẽ chỉ biết đó là món đồ gì sau khi xé túi, bóc hộp.
Chính vì sự bất ngờ này đã tạo nên sự hấp dẫn mãnh liệt khiến nhiều người bỏ ra không ít tiền để trải nghiệm cảm giác hồi hộp, thú vị, đặc biệt là thế hệ Gen Z (những người sinh năm 1995-2010) và Gen Alpha (những người sinh sau năm 2010).
Trào lưu này được du nhập vào Việt Nam từ khoảng đầu năm 2024 nhưng chỉ thực sự tạo thành “cơn sốt” từ tháng 10 đến nay. Túi mù, hộp mù không chỉ được bán trên các sàn thương mại điện tử mà còn có mặt tại các nhà sách, cửa hàng tạp hóa, đồ lưu niệm…
Sau lần vô tình xem những KOL, KOC (người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trên mạng) bóc túi mù trên Tiktok hồi giữa tháng 10 và bị cuốn hút, bạn trẻ Nguyễn Ngọc Ánh (22 tuổi, TP Hà Tĩnh) thường xuyên theo dõi các buổi livestream (phát trực tiếp) đoán vật phẩm trong túi để nhận trúng thưởng. Ngọc Ánh chia sẻ: “Không chỉ xem livestream bóc túi mù mà mỗi tuần tôi còn chi vài trăm nghìn đồng để mua túi mù, hộp mù về xé để giải trí. Đến nay, tôi đã có khoảng hơn 100 món đồ chơi từ việc xé túi mù. Với những món trùng nhau, tôi trao đổi trên các hội, nhóm Facebook hoặc tặng người khác”.
Không chỉ thu hút người trẻ, trào lưu này còn lan tới các em nhỏ. Có trong tay bộ sưu tập Labubu (nhân vật đồ chơi) cùng nhiều nhân vật hoạt hình khác, em Nguyễn Sơn Thạch (11 tuổi, Thạch Hà) rất hãnh diện với bạn bè. Bộ sưu tập này là thành quả của trào lưu xé túi mù. “Em rất tò mò và muốn thử sự may mắn với những món đồ chơi ẩn trong túi mù nên mỗi khi được điểm tốt, em thường xin bố mẹ mua món đồ này để xé. Ở trong lớp, hầu như bạn nào cũng có bộ sưu tập các nhân vật hoạt hình, đồ chơi từ việc xé túi mù” - Sơn Thạch cho biết.
Dù mang lại giá trị giải trí, kích thích sự tò mò của giới trẻ song trào lưu xé túi mù, hộp mù cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại. Trong đó, vấn đề đáng quan tâm nhất là lượng rác thải nhựa khổng lồ khi phần lớn các món đồ chơi trong túi mù được làm bằng nhựa để đảm bảo tính thẩm mỹ. Các túi đựng cũng được làm bằng nilon, khi xé, những chiếc túi sẽ bị vứt một cách tùy tiện, không thể tái chế.
Chị Nguyễn Lê Na (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Khi con gái 13 tuổi xem Tiktok, cháu dần đam mê với trào lưu xé túi mù. Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi thấy trào lưu ảnh hưởng tới tâm lý của con bởi nhiều khi không xé được món đồ yêu thích, con có cảm giác thất vọng, hụt hẫng. Lâu dần, hình thành cảm xúc tiêu cực và con liên tục đòi bố mẹ mua thêm túi mù để xé nhằm tăng cơ hội trúng món đồ yêu thích”.
Không chỉ ảnh hưởng tới môi trường và tâm lý, trào lưu này còn tạo ra thói quen tiêu dùng bốc đồng, đặc biệt trong giới trẻ. Hiện giá của các loại túi mù, hộp mù khá đa dạng từ vài nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, cũng có loại cao cấp giá lên tới vài triệu đồng/hộp. Người chơi thường khó kiểm soát bản thân trước các món đồ chơi độc lạ nên mạnh tay chi tiền để thỏa mãn sự tò mò. Điều này tạo nên sự lãng phí khi các món đồ chơi cũng chỉ để trưng bày, lâu dài ảnh hưởng tới tài chính cá nhân của người chơi.
Bên cạnh đó, chất lượng của các túi mù trên thị trường cũng là điều đáng lo ngại bởi phần lớn đều không có nguồn gốc rõ ràng. Thậm chí, trước “cơn sốt” của trào lưu này, không ít hàng giả, hàng nhái với chất lượng kém, gây tổn hại cho người tiêu dùng đã được đưa ra thị trường.
Trào lưu nào cũng có hai mặt và xé túi mù không phải ngoại lệ. Khi “cơn sốt” qua đi, chúng ta mới nhận ra mình đã “vung tay quá trán” cho những thứ không thực sự cần thiết. Việc chạy theo trào lưu một cách mù quáng không chỉ gây lãng phí tiền bạc mà còn ảnh hưởng tới tâm lý và gây áp lực lên môi trường. Vì vậy, người tiêu dùng cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ trước khi quyết định chi tiền mua túi mù, hộp mù.