Những chủ nhân tương lai của thành phố Hà Tĩnh. |
Chúng tôi có dịp được chứng kiến một buổi diễn kịch rối ở trường Mầm non Bắc Hà. Sự háo hức của các cháu mầm non trước vở diễn về câu chuyện của Tích Chu là điều mà các diễn viên- giáo viên luôn hướng tới. Thông qua vở diễn này, bài học về tấm lòng hiếu thảo của người cháu đối với bà mình được chuyển tải một cách sống động, sâu sắc. Đề án nâng cao chất lượng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị tưởng chừng như khó tiếp cận với thế hệ mầm non. Song thực tế, qua hình thức tổ chức các câu lạc bộ múa rối, đã đưa lại hiệu quả cao. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bắc Hà, TP Hà Tĩnh cho rằng: Đưa đề án Xây dựng nếp sống văn hoá văn minh đô thị vào bậc học mầm non nói rằng quá cao xa, to tát là không phải. Vì thực tế, với lứa tuổi mầm non, dạy cho các cháu biết yêu cây cảnh, không hái hoa, bứt lá; biết chào hỏi thưa gửi… cũng đã thể hiện ứng xử tốt. Đó là những việc nhỏ, dần dần hình thành ý thức cho các cháu ngay từ những năm đầu đời.
Với lứa tuổi lớn hơn, cuộc thi “Nét vẽ thành phố xanh sạch đẹp” là một sân chơi mang nhiều ý nghĩa trong hình thành nếp sống văn minh đô thị. Cuộc thi có 135 em học sinh từ 27 trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố tham gia. Và đã lựa chọn được 8 giải Nhất cùng nhiều giải khác. Đây không chỉ là cơ hội để các em rèn luyện về giáo dục thẩm mĩ qua từng nét vẽ, mà còn là dịp để nhắc nhở về ý thức gìn giữ môi trường, về xây dựng thành phố xanh- sạch- đẹp trong các em học sinh. Thông qua các tác phẩm của mình, các em thể hiện ước mơ về một môi trường thiên nhiên trong lành, sạch đẹp và những hành động cần làm để bảo vệ cuộc sống tươi đẹp ấy. Nói về ý tưởng trong bức tranh của mình, em Đào Thị Thuỷ Tiên, Lớp 5B, trường Tiểu học Tân Giang, TP Hà Tĩnh, người giành giải Nhất cuộc thi Nét vẽ thành phố Xanh sạch đẹp 2011 cho biết: Ở thành phố chúng ta có hiện tượng các nhà quảng cáo viết vẽ lên tường, trông rất xấu. Trong bức tranh của cháu, các bạn nhỏ đang cùng nhau dùng vôi sơn lại các bức tường đó. Cháu nghĩ môi trường rất quan trọng, bởi vậy một việc làm gìn giữ môi trường, dù to dù nhỏ cũng phải làm cho thật tốt.
Trong năm học 2010- 2011, ngành giáo dục thành phố Hà Tĩnh cũng đã tổ chức cuộc thi “Hiến kế xây dựng đời sống văn hoá trong trường học”. Cuộc thi tạo ra động lực để mọi cán bộ giáo viên, học sinh suy nghĩ, trăn trở để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện. Em Phan Thị Diệu Linh, lớp 8 III, trường THCS Nam Hà, TP Hà Tĩnh bày tỏ: Bình thường em thấy ở thành phố còn có những hành động thiếu ý thức. Chẳng hạn như các con phố, dòng sông, các túi rác người dân vứt lung tung… Em mong mỗi người hãy có ý thức 1 chút, góp phần xây dựng thành phố xanh sạch đẹp.
Những câu lạc bộ múa rối, rồi các hội thi… những sáng kiến ấy đang phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền nhận thức, ý thức về việc gìn giữ một môi trường sống đẹp, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Tới đây, những sáng kiến, ý tưởng trong cuộc thi Hiến kế xây dựng đời sống văn hoá trong trường học sẽ được phổ biến rộng rãi và áp dụng ở các cấp học trong thành phố. Các câu lạc bộ múa rối sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng, được đầu tư kịch bản, thiết kế sân khấu, phục trang, nâng cao kỹ năng biểu diễn... Ngành giáo dục thành phố phối hợp với Câu lạc bộ nhiếp ảnh Thành Sen tích cực chuẩn bị cho ra đời “Câu lạc bộ nhiếp ảnh thanh thiếu nhi thành phố”. Tất cả những chương trình hành động ấy, thể hiện ngành giáo dục luôn đồng hành với đề án “Nâng cao chất lượng nếp sống văn hoá văn minh đô thị”. Đề án này có ý nghĩa rất quan trọng. Đối với ngành giáo dục thành phố, đối tượng là tuổi trẻ học đường- thế hệ tương lai của thành phố Hà Tĩnh. Việc tuyên truyền giáo dục học sinh về cách ứng xử thế nào để thể hiện nếp sống văn hóa, văn minh cũng phù hợp với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong ngành giáo dục hiện nay. Thầy giáo Nguyễn Đình Khải, Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Nếp sống là toàn bộ những ứng xử của con người biểu hiện trong mối quan hệ với thiên nhiên, với xã hội và với bản thân được lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống, trở thành thói quen thành phong tục. Nếp sống- đúng như bản chất ý nghĩa của nó- phải được hình thành qua một thời gian dài, chứ không chỉ trong một sớm một chiều. Bởi vậy, trẻ em là đối tượng cần đặc biệt quan tâm, rèn giũa để hình thành nếp sống văn hoá, văn minh trong môi trường của các em. Để khi lớn lên, các em sẽ có những ứng xử tốt với thiên nhiên, với xã hội, là chủ nhân văn minh của thành phố văn minh./.