Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
Trước hết, đại biểu có ý kiến khác về tên gọi của dự thảo Luật lần này với lý do: Luật Giáo dục được ban hành năm 2005, đến nay được sửa đổi hai lần vào năm 2009 và nay là 2018. Để thực hiện Luật và Luật sửa đổi, Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều Nghị định và Thông tư hướng dẫn kèm theo như: Nghị định 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006, quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Giáo dục; sau đó Nghị định này lại được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011; sau nữa Nghị định này lại được sửa đổi bởi Nghị định số 07/2013/NĐ-CP.
Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 9 tháng 1 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 3 năm 2013.
Đó là chưa kể hàng loạt các thông tư kèm theo hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật và Nghị định được ban hành kèm theo. Điều này gây khó khăn rất lớn cho việc áp dụng các văn bản luật và dưới luật.
Vì vậy, đại biểu cho rằng trong lộ trình triển khai cải cách giáo dục và hệ thống sách giáo khoa hiện nay nên hợp nhất cả 3 luật, Luật sửa đổi và các nội dung của nhiều Nghị định này thành Luật Giáo dục 2018. Luật này sẽ thay thế toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật về giáo dục trước đây.
Thứ hai, về độ tuổi đi học của học sinh. Khoản 1, Điều 26 quy định tại điểm a, b, c về độ tuổi đi học của học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông là “6 tuổi, 11 tuổi, 15 tuổi” hàm ý quy định các mốc tuổi học sinh học ở các cấp học khác nhau. Tuy nhiên, quy định như vậy là hơi cứng nhắc vì trên thực tế trong một số trường hợp học sinh không phải đạt đến tuổi này mới đến trường, có thể lý do bệnh tật, ốm đau hoặc lý do gì khác, học sinh có thể vào học sau, nên nếu hiểu theo quy định của luật có thể khó thực hiện được.
Do vậy, đại biểu kiến nghị bổ sung thêm điểm d ở khoản này. Theo đó có hướng mở, quy định thêm trong trường hợp thực tế, căn cứ vào một số trường hợp cụ thể độ tuổi đi học của các cấp học có thể thay đổi tùy thuộc vào đối tượng học sinh.
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng “có những đại biểu hết sức tâm huyết về những vấn đề của giáo dục. Chúng tôi rất nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo cho tốt hơn”. Đặc biệt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT sẵn sàng chuẩn bị cho việc sửa đổi toàn diện. Nếu được Quốc hội cho phép đổi tên thành Luật Giáo dục năm 2018, ban soạn thảo do Bộ GD&ĐT chủ trì sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm những nội dung, để có bản dự thảo đầy đủ hơn trình Quôc hội ở kỳ họp sau. |