“Đội quân tiên phong” trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Tĩnh (Bài 2): Niềm tự hào của đồng bào Mường ở bản Lòi Sim

(Baohatinh.vn) - Ông Phan Thanh Tuyền (SN 1958) là đảng viên người Mường gương mẫu ở bản Lòi Sim, xã Hương Trạch (Hương Khê - Hà Tĩnh). Sau 42 năm liên tục cống hiến, dấu ấn và công sức của người đảng viên này được thể hiện rõ nét khắp bản Mường.

Ông Phan Thanh Tuyền (SN 1958) là đảng viên người Mường gương mẫu ở bản Lòi Sim, xã Hương Trạch (huyện Hương Khê). Sau 42 năm liên tục cống hiến, dấu ấn và công sức của ông được thể hiện rõ nét khắp bản Mường. Ông đã được Đảng tin, dân tín nhiệm giao các trọng trách: Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, Trưởng ban Công tác Mặt trận, công an viên.

Ngày mùa bận rộn, lại nuôi 2 con nhỏ nhưng chị Phạm Thị Hiền (SN 1986) ở bản Lòi Sim, xã Hương Trạch vẫn không quên lịch học tiếng Mường do ông Phan Thanh Tuyền tổ chức ở nhà văn hóa thôn vào cuối tuần. Để biết thêm từ mới và có thể hát thêm các bài dân ca bằng tiếng Mường, mấy ngày nay, chị Hiền phải làm việc đồng áng với cường độ cao hơn, chuẩn bị sẵn nguồn thức ăn dự trữ cho mấy con trâu bò, thu xếp việc gia đình hợp lý và chuẩn bị chu đáo cho các con nhỏ.

Một buổi học tiếng Mường do ông Phan Thanh Tuyền tổ chức giảng dạy.

Chị Hiền chia sẻ: “Thế hệ trẻ người Mường như chúng tôi ở đây dường như đã phai dần bản sắc của dân tộc mình. Vì vậy, khi được bác Tuyền tổ chức dạy tiếng mẹ đẻ thì ai nấy đều háo hức, tích cực tham gia. Học tiếng Mường không khó, khá gần gũi với ngôn ngữ phổ thông, lại được bác Tuyền chỉ dạy tận tình nên bà con học khá nhanh. Ban đầu chỉ những từ đơn giản như con gà (coon ca), con khỉ (coon voọc), con mèo (coon mcòe), còn chuột (coon thiêng)... rồi quen dần có thể nói những câu đơn giản như con mèo bắt chuột (coon mcòe pắt thiêng), đàn cò đang bay (cỏ pày coò tang păn)... và đến giờ đã có thể hát một số bài dân ca của dân tộc mình”.

Cũng như chị Hiền, từ đầu năm 2022 đến nay, 144 hộ/578 nhân khẩu người dân tộc Mường ở bản Lòi Sim đều hưởng ứng lời vận động của Trưởng bản Tuyền đi học tiếng mẹ đẻ. Không kể già hay trẻ, gái hay trai, mưa hay nắng, đồng bào nơi đây luôn háo hức chờ đợi những giờ học đặc biệt vào cuối tuần (mỗi tháng 1-2 buổi). Đối với họ, các buổi học này là hoạt động văn hóa ý nghĩa, nếp sinh hoạt mới trong cộng đồng, là không gian lan tỏa niềm vui, nơi cùng nhau hướng về nguồn cội... nên ai nấy đều phấn khởi tham gia. Người biết nhiều bày cho người biết ít, người học nhanh bày cho người học chậm, tất cả cùng quyết tâm khôi phục bản ngữ của người Mường.

Hội đồng già bản trao đổi kế hoạch học tiếng Mường hằng tháng.

Ông Phan Thanh Tuyền chia sẻ: “Đồng bào chúng tôi có gốc tích Thanh Hóa, di cư vào Quảng Bình từ thế kỷ XIV và đến đây sinh cơ lập nghiệp chừng 80 năm. Do quá trình di cư, xa rời gốc tích, mải lo làm ăn... nên các bản sắc dần mai một. Điều này khiến những người trưởng bối như tôi nặng lòng trăn trở, phải nỗ lực tìm cách khắc phục. Rất may mắn, đầu năm 2022, tôi gặp được thầy giáo Lê Hữu Tân - chuyên viên Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) rồi được thầy hỗ trợ để tôi đưa tiếng Mường trở lại với dân bản”.

Khuyến khích các mầm non tương lai của bản học nói tiếng Mường và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ông Tuyền miệt mài soạn giáo án, sưu tầm tài liệu hằng đêm để nâng cao chất lượng các bài giảng.

Thầy giáo Lê Hữu Tân đánh giá: “Khi nhận ra tiếng của dân tộc mình có nguy cơ biến mất, ông Tuyền rất băn khoăn, lo lắng và đã cùng với hội đồng già bản đứng ra vận động các vị cao niên còn nói được tiếng mẹ đẻ hỗ trợ phiên âm, sưu tầm tư liệu, ghi chép lại, xây dựng thành chương trình dạy học; rồi cấp phát, động viên bà con về truyền dạy ngay trong mỗi gia đình. Ông cũng là người dám chịu trách nhiệm khi trực tiếp đứng ra lo chu toàn mọi việc để dạy tiếng cho người Mường vào các dịp cuối tuần tại hội quán. Ông Tuyền chính là người khơi dậy niền tin, truyền cảm hứng và tiếp thêm động lực để duy trì tiếng Mường cho các thế hệ sau ở bản Lòi Sim”.

Ngoài chủ động tiếp nhận các kế hoạch, bài giảng, giáo án, kỹ năng sư phạm từ thầy giáo Tân, ông Tuyền còn trực tiếp chuẩn bị hội trường, mượn cơ sở vật chất, tự mua trang thiết bị dạy học, đi sưu tầm tư liệu, bỏ tiền in ấn sách và lên lớp giảng bài. Sau mỗi buổi học, ông còn nhắc nhở, hướng dẫn bà con tự ôn luyện trong sinh hoạt gia đình, tăng cường giao tiếp trong cộng đồng, đưa tiếng Mường vào các hoạt động văn hóa, giải trí... để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, ông cũng chủ động gắn khôi phục bản ngữ với tìm lại các hoạt động tín ngưỡng, tổ chức các cuộc hành hương, thăm viếng về cội nguồn ở Quảng Bình và Thanh Hóa để bà con từng bước được tiếp xúc, làm quen, khôi phục lại những giá trị truyền thống đã mất.

Ông Tuyền đi thông báo lịch học cho các gia đình trong bản và nhắc nhở mọi người tham gia học tập đầy đủ, nghiêm túc.

Anh Trần Quốc Hoàn - công chức văn hóa xã Hương Trạch nhận xét: “Bác Tuyền là đảng viên người dân tộc Mường, có 42 năm liên tục làm việc cho thôn bản, làng xã. Cùng với đưa bản Lòi Sim trở thành nơi giàu đẹp nhất xã thì thời gian vừa qua, bác Tuyền đã có công lao rất lớn, đóng vai trò quyết định trong việc khôi phục tiếng Mường. Đây được xem là bước khởi đầu để hội đồng già bản cùng chính quyền địa phương, ngành văn hóa tiếp tục khôi phục trang phục, cúng đơm, lễ hội và các nét đặc trưng văn hóa cho cộng đồng dân tộc thiểu số này”.

Cũng như bao ngày khác, hôm nay, ông Phan Thanh Tuyền dậy từ 5h sáng để tranh thủ cho đàn vật nuôi ăn, tưới nước cho vườn cây ăn quả, ăn vội bữa sáng... rồi nhanh chóng rong ruổi khắp thôn bản để nắm tình hình sản xuất, lên loa thông báo lịch tiêm phòng gia súc... Vừa xong, ông lại vội vàng đến hiện trường kiểm tra việc di dời cột điện để mở rộng đường liên thôn.

Ông Tuyền chỉ đạo việc di dời cột điện, nhắc nhở bà con chỉnh sửa hàng rào xanh để chuẩn bị mở đường trục thôn.

Chị Nguyễn Thị Thúy chia sẻ: “Gia đình tôi có khu vườn đồi hơn 8 ha làm kinh tế trang trại, trong đó có gần 7 ha keo tràm, hơn 1 ha bưởi, nuôi 4 con trâu bò, mỗi năm có lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng. Không chỉ có hôm nay mà trong quá trình làm ăn, bác Tuyền thường đến động viên chúng tôi tích cực tăng gia sản xuất, hăng say tham gia công tác xã hội để làm “đẹp mặt” cho người Mường ở bản Lòi Sim. Mỗi lần đến, bác đều ân cần chia sẻ kinh nghiệm, thăm hỏi tỉ mỉ từ con cái, công việc đến kế hoạch sản xuất, cây cối, vườn tược, trâu bò... Bác ấy còn động viên tôi chịu khó thu vén việc gia đình để chồng (làm cán bộ xã) công tác tốt, nuôi con ngoan giỏi và khuyến khích tôi hoàn thành chương trình lớp cảm tình để sớm được kết nạp Đảng”.

Trong suốt 42 năm tham gia công tác xã hội, ông Phan Thanh Tuyền luôn làm việc với tinh thần hết sức, hết lòng vì công việc, vì phong trào chung, luôn trăn trở để xóa cái nghèo đói trong đồng bào. Ông tâm sự: “Tôi là thế hệ người Mường thứ hai ở bản Lòi Sim, xã Hương Trạch. Vốn sinh ra và lớn lên trên vùng đất núi đồi trùng điệp, hoang vu nên bản thân, gia đình cùng bản Mường nơi đây đã phải trải qua hàng chục thập kỷ trong cơ cực, đòi nghèo, túng thiếu và lạc hậu. Mơ ước “đổi đời” mà cha ông chúng tôi mang theo trong mỗi chuyến di dân chưa thể thành hiện thực khiến tôi trăn trở, suy nghĩ rất nhiều. Vì vậy, khi tham gia công tác xã hội tôi không bao giờ nề hà khó khăn, chùn bước trước thử thách, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân để có thể đóng góp được nhiều hơn, làm được nhiều việc tốt hơn cho đồng bào, cùng đồng hành với người Mường hướng tới cuộc sống trong ấm no, sung túc, bản làng luôn bình yên, giàu đẹp”.

Kể về cuộc đời mình, ông Tuyền tự hào: Lúc còn trai trẻ, ông được đánh giá là một trong những thanh niên tiến bộ, có triển vọng nhất của đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Lòi Sim. Năm 1976, ông tham gia bộ đội và phục viên năm 1981. Từ đó đến nay, ông đã liên tục tham gia công tác xã hội ở cơ sở, luôn được cấp trên tin tưởng, bà con tin yêu, mọi người ghi nhận. Năm 2007, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và hiện là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, Trưởng ban Công tác Mặt trận, công an viên.

Bản Lòi Sim hôm nay.

Với sự cống hiến không ngưng nghỉ, cách làm hiệu quả của ông Tuyền cùng sự đồng tình, đồng thuận cao của đồng bào dân tộc thiểu số nên bức tranh của bản Lòi Sim đang ngày càng khởi sắc về mọi mặt. Bản Lòi Sim nay đã hết hộ nghèo và cận nghèo, thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/người/năm, 15% số hộ có mô hình kinh tế vườn đồi (trồng bưởi, cam, mít và nuôi trâu, bò, lợn, gà...) với mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm/mô hình.

Những khu vườn đồi bạt ngàn cây trái, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm của người Mường ở bản Lòi Sim.

Trong 10 năm gần đây, ở bản không có người vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự, các loại tệ nạn như: cờ bạc, rượu chè, trộm cắp vặt... giảm hẳn, không có ma túy, ANTT luôn được đảm bảo, xóm làng bình yên. Năm 2019, bản Lòi Sim được công nhận là khu dân cư kiểu mẫu và đang ngày một giàu đẹp hơn.

Ông Phan Hào Lý - Chủ tịch Hội đồng già bản Lòi Sim phấn khởi khoe: “Chú Tuyền là đảng viên gương mẫu, là cán bộ tâm huyết và trách nhiệm, là niềm tự hào của đồng bào Mường chúng tôi. Có chú ấy tập hợp, động viên, dẫn lối, bản chúng tôi là một trong những điểm sáng, luôn đi đầu của xã Hương Trạch. Nhiều năm gần đây, trong xã có gì mới nhất, nổi bật nhất, đáng được tuyên dương nhất thì ở bản chúng tôi đều có; thậm chí là có trước nhất. Vì vậy, đồng bào ở đây phấn khởi, luôn nghe và làm theo”.

Ông Tuyền họp sơ kết triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH thôn bản 6 đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Ông Phan Anh Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch đánh giá: “Bác Phan Thanh Tuyền được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng giao đảm trách nhiều chức vụ ở bản Lòi Sim và bác ấy luôn thực hiện tốt các chức trách, nhiệm vụ của mình. Là đảng viên người dân tộc, ngoài phát huy tinh thần xung kích, nêu gương, trách nhiệm, tận lực cống hiến thì bác Tuyền còn là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về với đồng bào, cũng là “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương trong việc nắm bắt tình hình và triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH xuống bản. Bác Tuyền là tấm gương giàu sức lan tỏa trong cán bộ thôn xóm, là người có uy tín và được tin yêu trong cộng đồng, là nhân tố then chốt để xây dựng bản Lòi Sim ngày càng giàu đẹp. Đây là những điển hình tiên tiến mà cấp ủy, chính quyền địa phương muốn xây dựng và nhân rộng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Thiết kế & Kỹ thuật: Xuân Khoa

(Còn nữa)

>> Bài 1: Người đảng viên dân tộc Tày 30 năm cống hiến nơi biên viễn

>> Bài 3: Chuyện “chi bộ gia đình” dân tộc Chứt ở bản Rào Tre

>> Bài cuối: Tháo gỡ khó khăn, tập trung phát triển đảng viên, nhân rộng điển hình tiên tiến

Chủ đề BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói