Tiềm năng dồi dào nhưng du lịch Hà Tĩnh vẫn còn thiếu sức hút, chưa thể là điểm đến được du khách trong và ngoài nước dành nhiều sự quan tâm. Đây là hệ quả của việc chậm trễ lấp đầy các “khoảng trống” về hạ tầng, dịch vụ; của sự nghèo nàn trong xây dựng sản phẩm du lịch, hầu như chưa có sự độc đáo để hấp dẫn du khách.
...
Sau 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, mùa hè năm 2022 chứng kiến sự bùng nổ của du khách về với Khu du lịch (KDL) biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên). Chỉ từ tháng 4 - 9/2022, tại KDL đã đón 309.000 lượt (khách lưu trú đạt hơn 40.000 lượt), chiếm gần 20% tổng lượt du khách toàn tỉnh trong cả năm. Sức hút của Thiên Cầm cho thấy giá trị của KDL này đối với du khách trong cả nước là rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh sự thiếu vắng sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng của KDL Thiên Cầm vẫn đang còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Khu du lịch biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên). Ảnh: Huy Tùng
Chị Trần Thị Ánh Tuyết (40 tuổi, du khách đến từ Hà Nội) cho biết: “Có dịp đến KDL Thiên Cầm dịp hè năm 2022, điều ấn tượng với chúng tôi là bãi biển đẹp, hải sản tươi ngon, tuy nhiên, phòng nghỉ chưa thực sự chất lượng và tiện nghi”.
Hiện nay, toàn KDL Thiên Cầm có 22 cơ sở lưu trú với gần 800 phòng nhưng chưa có khách sạn nào đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao; một vài cơ sở từng đạt tiêu chuẩn 3 sao nhưng nay đã hết thời hạn và chưa thẩm định lại. Ngoài ra, nhiều năm qua, hệ thống giao thông vào KDL chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, hệ thống điện thắp sáng chưa phủ hết các tuyến đường; bên cạnh KDL còn có 2 khu nghĩa trang vừa mất thẩm mỹ, ảnh hưởng môi trường, vừa ảnh hưởng tâm lý du khách; hệ thống nước sạch mới bắt đầu xây dựng…
Một số cơ sở lưu trú tại các khu du lịch Hà Tĩnh hiện vẫn còn tình trạng khách sạn nhà nghỉ xập xệ bên ngoài và nội thất cũ kỹ thiếu tiện nghi.
Thời gian qua, KDL Xuân Thành (Nghi Xuân) thu hút được nhiều doanh nghiệp với nhiều dự án lớn, nhờ đó, hạ tầng cũng được đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay, KDL này cũng còn ngổn ngang nhiều điều đáng bàn. Ông Phạm Anh Tuấn - Trưởng ban Quản lý KDL Xuân Thành cho biết: “Hệ thống hạ tầng cơ sở lưu trú, nhà hàng… từ trước đến nay trên địa bàn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng so với nhu cầu của du khách. Nhiều cơ sở xây dựng từ lâu nay đã xuống cấp không được các chủ kinh doanh tái đầu tư tu sửa, các cơ sở mới số lượng còn ít. Dịp hè năm 2022, liên tục xảy ra tình trạng hết phòng, dù khách đặt trước cả tháng”.
...
Toàn KDL Xuân Thành hiện chỉ có 11 khách sạn, nhà nghỉ với 688 phòng đủ điều kiện phục vụ khách. Tuy nhiên, trong số đó, ngoài khách sạn Mường Thanh, khu nghỉ dưỡng Hoa Nắng và khu biệt thự Hoa Tiên mới xây dựng có tiện nghi hiện đại thì số cơ sở lưu trú còn lại đều trong tình trạng xuống cấp, được đánh giá chất lượng chỉ đạt mức trung bình. Ngoài ra, KDL này cũng chỉ mới có 17 cơ sở kinh doanh dịch vụ phụ trợ (trong đó 13 nhà hàng phục vụ ăn uống).
Resort Hoa Tiên Paradise Xuân Thành là một trong số ít cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng hiện đại của Hà Tĩnh.
Điểm yếu này cũng thể hiện rõ ở các KDL biển như Lộc Hà, Thạch Hải (Thạch Hà) với số lượng cơ sở lưu trú đếm được trên đầu ngón tay. Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: “Khu vực biển Lộc Hà hiện mới có 4 cơ sở lưu trú với 171 phòng. Thiếu khách sạn, nhà nghỉ dẫn đến lượng khách đến với biển Lộc Hà đông nhưng tỷ lệ khách lưu trú còn thấp”.
Khách sạn Melia Vinpearl TP Hà Tĩnh - một trong 2 cơ sở lưu trú đạt chuẩn 5 sao của Hà Tĩnh.
Thống kê của Sở VH-TT&DL cho thấy, Hà Tĩnh hiện có 307 khách sạn, nhà nghỉ với hơn 7.000 phòng; trong đó: 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao (khách sạn Melia Vinpearl TP Hà Tĩnh và Vinpearl Cửa Sót ở Lộc Hà), 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4 sao. Trong khi đó, Thanh Hóa có 1.000 cơ sở lưu trú với 41.300 phòng (3 khách sạn và quần thể khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao), Nghệ An có 899 cơ sở lưu trú với 21.783 phòng (3 khách sạn 5 sao, 11 khách sạn 4 sao), Quảng Bình có gần 600 cơ sở lưu trú với tổng 16.000 phòng (3 khách sạn/resort 5 sao, 6 khách sạn/resort 4 sao và hiện có 5 khách sạn/resort đang làm hồ sơ công nhận tiêu chuẩn 4 sao khác)… Bên cạnh cơ sở lưu trú ít về số lượng, yếu về tiện nghi, hệ thống hạ tầng phụ trợ (giao thông, cảnh quan môi trường, hệ thống điện chiếu sáng) tại các khu, điểm du lịch Hà Tĩnh còn nhiều bất cập.
So sánh cơ sở lưu trú của 4 tỉnh khu vực Bắc miền Trung.
Ngoài những hạn chế về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ liên quan đến ẩm thực, hướng dẫn viên tại các khu, điểm du lịch còn thiếu và yếu. Ông Lê Ngọc Doãn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Việt Holiday cho rằng: “Dịch vụ ăn uống ở Hà Tĩnh còn khá đắt so với nhiều tỉnh, thành khác. Ẩm thực có nhiều đặc sản tươi ngon nhưng thiếu sự đa dạng trong chế biến. Du khách không có nhiều lựa chọn khi đến Hà Tĩnh là một hạn chế gây khó cho các đơn vị lữ hành”.
Hiện đầu bếp có tay nghề chọn ở lại quê hương làm việc rất ít.
Trong ảnh: Một buổi thực hành tại lớp kỹ thuật chế biến món ăn - Trường Cao đẳng Nguyễn Du.
Cả tỉnh hiện có 15 đơn vị lữ hành, trong đó số lượng hướng dẫn viên lành nghề chỉ có khoảng vài chục người. Theo đại diện Công ty CP Lữ hành Thành Sen, vào cao điểm, đơn vị phải thuê nhiều hướng dẫn viên ở ngoại tỉnh dẫn đoàn, hạn chế là số hướng dẫn viên có hiểu biết về các điểm đến Hà Tĩnh rất ít. Do vậy, việc tạo ấn tượng, tăng tính hấp dẫn để du khách hiểu biết về các điểm đến ở Hà Tĩnh chưa cao. Cùng đó, các nhà hàng, khách sạn cũng thiếu đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, chủ yếu là lao động thời vụ lúc cao điểm du lịch. Bà Thân Thị Nghị - Giám đốc khách sạn Thiên Ý (KDL Thiên Cầm) từng chia sẻ, dịp hè năm 2022, bà phải đến tận các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch để tìm đầu bếp và nhân viên các bộ phận khác nhưng “tìm không ra”(!?).
Yếu tố cốt lõi nhất trong du lịch chính là sản phẩm, cao hơn nữa là sản phẩm độc đáo có sức hấp dẫn, lôi cuốn du khách. Tuy nhiên, Hà Tĩnh vẫn đang còn “loay hoay” trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch và cũng chưa xác định được khách hàng để có thể tạo ra sản phẩm phù hợp, đặc trưng và bền vững. Ví như KDL chùa Hương Tích (Can Lộc) - một di tích thắng cảnh nhiều giá trị về cảnh quan và văn hóa - rất cần có nhiều sản phẩm và dịch vụ khiến du khách phải lưu trú để thưởng ngoạn nhưng hiện nay, điểm đến này vẫn chỉ xoay quanh việc đưa du khách tham quan các cảnh quan có sẵn, hành lễ rồi ra về. Tương tự, Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn) dù nhiều giá trị về văn hóa, y học cổ truyền nhưng đến nay vẫn chưa có mặt trong các tour của các công ty lữ hành, chưa “níu giữ” được du khách ở lại dù ở đó đã có khu nghỉ dưỡng với một số dịch vụ hiện đại; Khu di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân) cũng không có sản phẩm du lịch nào độc đáo ngoài các khu trưng bày hiện vật và một số tác phẩm nghệ thuật liên quan đến cuộc đời và di sản mà Đại thi hào để lại. Sự nghèo nàn, đơn điệu đó rõ ràng chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, khiến du lịch Hà Tĩnh chưa tạo được sức hấp dẫn cần có.
Khu di tích Nguyễn Du hiện chưa phát triển được các sản phẩm du lịch phụ trợ ngoài tham quan di tích.
Trở về sau chuyến đi cùng đoàn Famtrip gồm đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch từ TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh miền Nam khảo sát các điểm đến ở Hà Tĩnh hồi tháng 7/2022, bà Dương Yến Ly - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Chim cánh cụt (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Tại TP Hồ Chí Minh, khi chúng tôi tổ chức một tour về y học cổ truyền, nguyên liệu của chúng tôi chỉ có một bức hình minh họa về Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nhưng đã thu hút rất nhiều du khách. Trong khi Hà Tĩnh có cả một khu di tích về ông tổ ngành y của dân tộc đã được công nhận là di tích cấp quốc gia, theo đó còn có cả lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông nhưng chưa có một sản phẩm du lịch đặc trưng nào để có thể thu hút du khách đến với “kho báu” này”.
Bà Dương Yến Ly - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Chim cánh cụt (TP Hồ Chí Minh) (ảnh 1) và đoàn Farmtrip TP Hồ Chí Minh khảo sát các sản phẩm du lịch tại KDL sinh thái Hải Thượng - Hương Sơn tháng 7-2022 (ảnh 2). Du khách tham quan dâng hương tại khu mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở xã Sơn Trung - Hương Sơn dịp lễ giỗ ông vừa qua (ảnh 3).
Ngoài việc thiếu vắng sản phẩm du lịch nổi bật, đặc trưng, thì Hà Tĩnh cũng chưa khai thác được chuỗi sản phẩm du lịch phục vụ các nhu cầu giải trí, mua sắm của du khách. Ở dòng sản phẩm du lịch biển vốn có lợi thế về không gian để xây dựng các sản phẩm phụ trợ (dịch vụ thư giãn, giải trí)… thì Hà Tĩnh vẫn còn nghèo nàn, chưa bắt kịp xu thế, thậm chí, một số mô hình được áp dụng lại là sản phẩm sao chép, không khơi dậy được sự sáng tạo, khai mở các sản phẩm mới, đặc trưng. Ngoài một vài điểm sáng tại một số KDL mới được phát triển trong mùa hè năm 2022 như: quán bar trên bãi biển (Beach Club); ẩm thực đường phố (Thiên Cầm); cưỡi ngựa trên biển, đua chó (Xuân Thành)… thì hầu hết các khu, điểm du lịch đều chưa có hoặc rất ít các sản phẩm du lịch phụ trợ. Mặt khác, các sản phẩm ở một số KDL vừa nêu trên đang dừng lại ở tính đơn lẻ, thời vụ... Ông Lê Ngọc Doãn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Việt Holiday (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Nhiều năm nay, khi xây dựng tour, tuyến đưa du khách về Hà Tĩnh, chúng tôi đã gặp khó khăn khi tại các khu, điểm du lịch, các dịch vụ còn nghèo nàn. Ngoài việc chỉ tham quan ở một số địa chỉ rồi đi tắm biển, chúng tôi không có thêm sự lựa chọn nào từ các sản phẩm phụ trợ, trong khi nhu cầu của du khách về trải nghiệm, mua sắm, giải trí… khá lớn”.
...
Ngoài ra, Hà Tĩnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP, tuy nhiên, các sản phẩm mang tính đặc sản nông nghiệp địa phương còn ít, thiếu sự đặc sắc, chưa hấp dẫn khách du lịch. Tại các khu, điểm du lịch còn thiếu các điểm bán, tiếp thị, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Một số điểm bán sản phẩm địa phương còn đặt ở vị trí khó tiếp cận như ở KDL Xuân Thành hay thiếu chuyên nghiệp trong phục vụ như ở KDL chùa Hương Tích, sản phẩm chủ yếu chỉ được trưng bày, chưa được giới thiệu, tiếp thị một cách chuyên nghiệp, bài bản…
Những điểm giới thiệu sản phẩm đặc sản địa phương tại khu du lịch còn thiếu và nếu có cũng chưa phát huy tác dụng do chưa biết cách tiếp thị quảng bá đến du khách.
Trên thực tế, nhiều năm qua, các công ty lữ hành đã nỗ lực trong việc kết nối các điểm du lịch thành sản phẩm tour, tuyến về Hà Tĩnh. Nổi bật như Việt Holiday có tour Thiên Cầm - hồ Kẻ Gỗ - Ngã ba Đồng Lộc; Công ty CP Lữ hành Thành Sen có “Ngược dòng Ngàn Phố”, “Về miền trà sơn Can Lộc” hay tour từ Thiên Cầm qua các điểm đến: Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích, khu sinh thái Nước Sốt - Sơn Kim, về miền trà sơn Can Lộc … Tuy nhiên, những hạn chế về hạ tầng cũng như sản phẩm du lịch khiến cho hầu hết các tour, tuyến chỉ dừng lại ở tham quan điểm đến, trải nghiệm một số dịch vụ ít ỏi mà ít khi lưu trú.
Video: Ông Hoàng Minh Mạnh - Chủ tịch CLB lữ hành Hà Tĩnh nói về hạn chế tại các khu điểm du lịch Hà Tĩnh hiện nay.
Beachbar - một Sản phẩm hiếm hoi thu hút thu khách trải nghiệm tại KDL Thiên Cầm trong mùa hè 2022.
Những khó khăn, hạn chế nói trên của du lịch Hà Tĩnh có nhiều nguyên nhân. Trong đó, về nguyên nhân khách quan, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng, trở ngại lớn nhất là việc hệ thống giao thông ở Hà Tĩnh chưa đồng bộ so với nhiều tỉnh, nhất là việc thiếu sân bay, ga tàu để du khách di chuyển thuận lợi hơn. Ngoài ra, Hà Tĩnh nằm ở vùng có thời tiết khắc nghiệt, hằng năm thường xảy ra thiên tai, lũ lụt, hạn hán, địa hình khá hẹp; lại không có điểm đến có giá trị đặc trưng như hệ thống hang động ở Quảng Bình hay hệ thống di tích lịch sử đồ sộ như Quảng Trị… để thu hút khách tham quan và dừng chân lưu trú ở đây. Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân khách quan thì việc du lịch Hà Tĩnh chậm chân so với nhiều địa phương còn có nhiều nguyên nhân chủ quan cần được thẳng thắn nhìn nhận để có giải pháp tháo gỡ.
THIẾT KẾ: HUY TÙNG
(CÒN NỮA)
Bài 1: Vùng đất nhiều di sản và thắng cảnh đang ở đâu trên bản đồ du lịch cả nước?