Hà Tĩnh: Lãi suất ngân hàng còn cao, nhiều doanh nghiệp và cơ sở SX-KD gặp khó

(Baohatinh.vn) - Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, lãi suất cho vay từ các ngân hàng ở mức cao đã tác động lớn tới người dân và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Hà Tĩnh.

Công ty CP Cơ khí Công nghiệp Đức Tài (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) chuyên sản xuất các chi tiết máy phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp... xuất đi nhiều tỉnh, thành trong nước và liên kết với doanh nghiệp ở TP Hải Phòng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tại Hà Tĩnh, doanh nghiệp cung cấp các chi tiết máy phục vụ cho dây chuyền sản của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh.

Mỗi tháng, Công ty CP Cơ khí Công nghiệp Đức Tài phát sinh thêm khoảng 15 triệu đồng tiền lãi so với cùng kỳ năm 2022.

Giai đoạn hậu COVID-19, doanh nghiệp đối mặt khó khăn khi đơn hàng xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản bị sụt giảm mạnh. Ngoài ra, có thời điểm Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh giảm sản lượng nên nguồn tiêu thụ của đơn vị cũng giảm theo.

Ông Nguyễn Hữu Cường - Giám đốc Công ty CP Cơ khí Công nghiệp Đức Tài cho biết: “Nguồn thu của doanh nghiệp giảm sút trong khi chi phí vận chuyển, lãi suất cho vay của các ngân hàng liên tục tăng cao kể từ cuối năm 2022. Đơn vị đang phát sinh dư nợ tại Vietcombank Hà Tĩnh và VietinBank Hà Tĩnh. Lãi suất đang duy trì ở mức cao (ngắn hạn từ 8,62% - 9,2%/năm và trung hạn 10,5%/năm), tính ra mỗi tháng, doanh nghiệp phát sinh thêm khoảng 15 triệu đồng tiền lãi so với cùng kỳ năm 2022”.

Công ty CP Dược Hà Tĩnh đang vay hàng chục tỷ đồng đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Dây chuyền đóng hộp thuốc tại Công ty CP Dược Hà Tĩnh.

Ông Lê Quốc Khánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh chia sẻ: “Hiện nay, doanh nghiệp phải “gánh” mức lãi suất cho vay cao (thời điểm này đã cao hơn 3%/năm so với cùng kỳ năm 2022) nên đã ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất, nguồn thu của doanh nghiệp. Nếu lãi suất cho vay không “hạ nhiệt” thì thời gian tới sẽ tạo áp lực rất lớn đối với đơn vị”.

Tương tự, HTX Chăn nuôi tổng hợp và Xây dựng Minh Lộc (xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) cũng đang “đau đầu” với nhiều chi phí phát sinh khi lãi ngân hàng tăng.

Ông Trương Xuân Bính - Giám đốc HTX cho hay: “Đơn vị chuyên nuôi lợn nái và lợn thịt phục vụ thị trường trong nước. Trong 2 năm qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng tới 40%, chi phí phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng gia tăng, trong khi giá lợn hơi hiện chỉ 49.000 đồng/kg. Với chi phí đó, mỗi con lợn bán ra, HTX lỗ khoảng 300.000 đồng. Thời buổi khó khăn, doanh nghiệp vẫn phải tăng nguồn vốn từ vay vốn các ngân hàng Agribank, Vietcombank và HDBank để đầu tư sản xuất, tuy nhiên, mức lãi suất hiện trên 10%/năm là khá cao".

Được biết, để giảm gánh nặng kinh tế, cơ sở đang phải giảm đàn lợn nái từ 350 con xuống còn 250 con, giảm đàn lợn thịt từ 1.000 con/lứa xuống còn 700 con/lứa.

HTX Chăn nuôi tổng hợp và Xây dựng Minh Lộc đang phải giảm đàn nuôi để bớt áp lực về kinh tế.

Ngoài khối doanh nghiệp, HTX, thời điểm này, người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh hay vay tiêu dùng cũng đang đối mặt áp lực khi lãi suất ngân hàng.

Anh Nguyễn Duy Bảy - chủ siêu thị Bảy Trang (thị trấn Nghèn, Can Lộc) cho hay: “Cơ sở chuyên kinh doanh mặt hàng tạp hóa, đồ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm… Hiện nay, chúng tôi đang vay hàng chục tỷ đồng tại 3 ngân hàng Vietcombank, BIDV và Agribank. Lãi suất cho vay vẫn còn cao trong khi chúng tôi vẫn cố gắng bình ổn giá thị trường nên gặp không ít khó khăn”.

Người dân đến mua sắm tại siêu thị Bảy Trang.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang áp dụng biểu lãi suất cho vay VNĐ ngắn hạn phổ biến 5,5-11%/năm, trung dài hạn phổ biến 10,5-13,5%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 2 - 4,5%/năm; trung, dài hạn phổ biến mức 5,5 - 6,5%/năm.

Trong những ngày qua, một số ngân hàng đã bắt đầu có động thái giảm lãi suất cho vay như: Vietcombank, Agribank... Đây sẽ là một trong những tín hiệu được kỳ vọng mở đầu cho đợt giảm lãi suất cho vay mới trên tất cả các ngân hàng nhằm giúp với doanh nghiệp, người dân giảm bớt áp lực về tài chính, sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, nắm bắt tốt hơn các cơ hội kinh doanh để duy trì ổn định và phát triển chuỗi sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù một số ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn còn cao.

Trong khi đó, lãi suất huy động ở nhiều ngân hàng cũng có dấu hiệu giảm xuống. Gần đây nhất, từ 13/2/2023, nhiều ngân hàng công bố điều chỉnh giảm lãi suất huy động vốn. Theo đó, lãi suất huy động cao nhất đang được nhiều ngân hàng áp dụng không vượt quá 9,5%/năm. Động thái điều chỉnh trên của các tổ chức tín dụng diễn ra trong bối cảnh Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (bao gồm các khoản khuyến mại cộng lãi suất).

Trước đó, vào tháng 12/2022, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cung ứng vốn cho nền kinh tế và giảm mặt bằng lãi suất, Hiệp hội Ngân hàng đã họp bàn với các tổ chức tín dụng và đi tới thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm. Mức này đã bao gồm các khoản khuyến mại cộng lãi suất khi gửi tiền.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói