Ngày 25/10/2022, NHNN Việt Nam quyết định nâng các mức lãi suất điều hành thêm 1%/năm nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Trung – Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh.
- Thưa ông, NHNN Việt Nam đã có quyết định nâng các mức lãi suất điều hành thêm 1%/năm. Hiện nay mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng trên địa bàn đã có sự điều chỉnh như thế nào?
Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tăng. So với đầu tháng 9/2022 (trước khi điều chỉnh các mức lãi suất điều hành), lãi suất huy động tiền VND đã tăng từ 0,5% đến 1%/năm ở nhiều kỳ hạn.
Ngoài ra, lãi suất cho vay VND ngắn hạn tăng từ 0,5% - 1%/năm; trung, dài hạn tăng từ 1-1,5%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn tăng từ 2-2,5%/năm; trung, dài hạn tăng từ 1-1,5%/năm.
Ngày 25/10/2022, NHNN Việt Nam quyết định nâng các mức lãi suất điều hành thêm 1%/năm.
- Đây là lần tăng lãi suất điều hành thứ 2 trong vòng 1 tháng qua của NHNN Việt Nam. Xin ông cho biết, NHNN tỉnh đã có những chỉ đạo, điều hành như thế nào? Và việc tăng lãi suất điều hành lần này sẽ tác động như nào đến kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn?
Việc điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới và diễn biến thị trường; cho thấy phản ứng chính sách chủ động, nhạy bén của NHNN Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Tại địa bàn Hà Tĩnh, NHNN tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm quy định về lãi suất của ngân hàng cấp trên. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với Báo Hà Tĩnh cũng như các cơ quan truyền thông để thông tin, tuyên truyền về những thay đổi trong điều hành lãi suất của NHNN Việt Nam đến các tổ chức, cá nhân để biết.
Theo ghi nhận, sau khi lãi suất huy động tăng, nhiều người dân Hà Tĩnh đã chủ động lựa chọn kênh đầu tư tiền gửi tiết kiệm. Đây cũng chính là lợi thế để các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn, sớm hoàn thành kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn năm 2022.
Còn đối với kế hoạch tăng trưởng tín dụng, ước đến thời điểm 30/10/2022, dư nợ toàn địa bàn đạt 88.450 tỷ đồng, tăng 23,23% so với cuối năm 2021, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành (toàn ngành tăng 11,3%) và vượt kế hoạch tăng trưởng năm 2022.
Khách hàng đến vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh tại Quỹ Tín dụng nhân dân liên xã Thạch Mỹ (Lộc Hà)
- Thưa ông, việc tăng lãi suất lần này sẽ tác động như thế nào đến tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2022?
Trong bối cảnh nhu cầu vốn tín dụng gia tăng (hiện nay, dư nợ toàn địa bàn đã tăng vượt kế hoạch tăng trưởng năm 2022), việc NHNN Việt Nam điều chỉnh tăng lãi suất tối đa tiền gửi VND các kỳ hạn dưới 6 tháng giúp lãi suất thực dương, thu hút tiền gửi vào hệ thống ngân hàng. Qua đó, các ngân hàng gia tăng thanh khoản, có đủ nguồn vốn để hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế. Theo đó, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện chiếm gần 60% tổng dư nợ toàn địa bàn.
NHNN Việt Nam quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn) hiện nay là 5,5%/năm. Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn vay vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn (và các lĩnh vực ưu tiên khác) vẫn có thể tiếp cận vốn vay với chi phí thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã tăng. Đó là những mặt tích cực trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, việc tăng lãi suất cho vay sẽ trực tiếp làm tăng chi phí sử dụng vốn, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ kinh tế - xã hội có liên quan đến sử dụng vốn tín dụng.
Theo đó, vấn đề đặt ra hiện nay là các tổ chức, cá nhân trên địa bàn cần tính toán kỹ lưỡng, chủ động cân đối tài chính và có các giải pháp kịp thời, hữu hiệu nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Những tháng cuối năm, NHNN tỉnh tăng cường chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả trong room tín dụng được giao, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên.
- Trong những tháng cuối năm, NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh sẽ có những chỉ đạo như thế nào đối với các ngân hàng thương mại để vừa đảm bảo hoạt động an toàn, cạnh tranh lành mạnh, vừa đảm bảo cấp vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, phục vụ nền kinh tế, thưa ông?
NHNN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất của NHNN Việt Nam và hội sở chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh, không cạnh tranh bằng lãi suất.
Cùng đó, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng. Chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả trong room tín dụng được giao, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
- Xin cảm ơn ông!