Kết quả bết bát mà Xi măng Xuân Thành Hà Tĩnh thu nhận tại mùa bóng được kỳ vọng nhiều nhất là những nỗi buồn khứa vào niềm yêu của người hâm mộ bóng đá tỉnh nhà. Thế nên khi nhận được thông tin HLV Văn Sỹ mệt mỏi, có ý dịnh từ chức, rồi một loạt cầu thủ danh tiếng tuyển mộ đầu mùa ra đi, rồi việc nợ lương, nợ thưởng của ông chủ Xuân Thành… đã không còn là một điều gì đó quá bất ngờ. Có chăng chỉ là thêm những nỗi buồn tràn ly. Thay vào đó là sự chạnh lòng cho một nền bóng đá tỉnh lẻ ôm mộng lên chuyên.
![]() |
Các đường lên bóng của XMXT Hà Tĩnh luôn bị đối phương bắt chặt, khiến đội bóng này thua đậm đội khách T&T 3-1, chiều 27-5 ngay trên sân nhà - Ảnh: Quang Sáng. |
Ngày mà Tập đoàn Xuân Thành quyết định đầu tư vào bóng đá Hà Tĩnh, người hâm mộ bóng đá tỉnh nhà như được sống lại cảm xúc thời U16, U18 làm mưa làm gió tại các giải trẻ cách đây hơn chục năm. Ngày ông bầu Nguyễn Đức Thụy tuyên bố đổ ra 10 tỉ đồng để đưa về một dàn cầu thủ danh tiếng (và cả tai tiếng), người hâm mộ tin tưởng đấu trường hạng nhất (và cả chuyên nghiệp) gần như đã mở ra trước mắt. Thế nhưng tất cả đã sụp đổ ngay sau 3 lượt trận đầu tiên toàn thua, trong đó cay đắng nhất là trận thua Megastar United 3 bàn không gỡ ngay trên sân nhà.
Từ chỗ sốt sắng ra tận Phú Thọ để cổ vũ, dần dà người ta thấy bầu Thụy thưa vắng hơn trên các khán đài. Những lời hứa thưởng nóng thưởng nguội cho các trận thắng, trận hòa cứ dửng dưng trong sự chờ đợi của cầu thủ. Ngay đến lương cầu thủ cũng bị khất lần. Các trụ cột như Tân Thịnh, Quốc Vượng đá được 3 trận liền nghỉ dài với lý do chấn thương. Ngay cả 3 trận đầu ra quân, dàn cầu thủ mới được tuyển mộ này cũng hầu như không đóng góp được điều gì. Tất cả bàn thắng của Xi măng Xuân Thành Hà Tĩnh đều gắn với những cái tên trưởng thành từ bóng đá Hà Tĩnh.
Giờ thì Quốc Vượng đã vào với Quảng Nam, Tân Thịnh đã ra với Ninh Bình, Đoàn Hoàng Sơn đầu quân cho Đồng Nai, dàn cầu thủ Thanh Hóa lại về với xứ Thanh…Một thương vụ phá sản trên góc độ bóng đá nhưng lại thành công về mặt PR. Người hâm mộ bóng đá tỉnh nhà vì vậy càng có lý do để ngậm ngùi hơn.
Bóng đá Hà Tĩnh không được gì nhưng cái tên Xuân Thành thì được quảng bá nhiều lắm. Bằng tuyên bố mua cầu thủ nổi tiếng gắn liền với tai tiếng Lê Quốc Vượng, cái tên Xi măng Xuân Thành và ông bầu Nguyễn Đức Thụy xuất hiện rùm beng trên mặt báo. Sự rùm beng còn bởi một bản hợp đồng chưa từng thấy khi được công bố trị giá 5 tỉ đồng cho một cầu thủ mà trước đó 2 năm còn đi cải tạo, trước đó 1 năm còn đeo đẳng chấn thương như Lê Quốc Vượng.
Thực ra ngay từ đầu giới thạo tin đã nghi ngờ về con số này bởi cùng thời điểm những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời bóng đá Việt Nam như thủ môn Nguyễn Tấn Trường cũng chỉ được định giá 5 tỉ đồng, trung vệ Vũ Như Thành có giá 7 tỉ đồng, thậm chí tiền đạo Phan Thanh Bình được Hoàng Anh Gia Lai nhượng lại cho Đồng Tâm Long An với giá 1,5 tỉ đồng, thủ môn Nguyễn Quang Huy chuyển từ Nam Định sang Hải Phòng với giá 2,5 tỉ đồng. Sự xuất hiện của Lê Quốc Vượng với bản hợp đồng khó hiểu đã làm cho cái tên Xi măng Xuân Thành trở thành một trong những cái tên được nói tới nhiều nhất của làng bóng đá Việt Nam trước mùa giải mới.
Ngay sau những kết quả bết bát và sự đổ vỡ giấc mơ thăng hạng nhất của đội nhà, người ta lại thấy ông bầu Nguyễn Đức Thụy chuyển sang làm bóng đá cho một vùng đất khác, đó là Quảng Nam. Bản đồ bóng đá Việt Nam ghi thêm một cái tên mới: Quảng Nam Xuân Thành. Trên mặt báo đã lại xuất hiện những lời tuyên bố kiểu sẽ thăng hạng chuyên nghiệp ngay trong mùa giải đầu tiên. Còn ai máu me bóng đá hơn bầu Thụy? Thế nhưng ai cũng biết đằng sau sự kiện đầu tư cho bóng đá Quảng Nam, Tập đoàn Xuân Thành vừa ký được những bản hợp đồng trị giá cả nghìn tỉ trên đất Quảng. Không biết rồi đây khi tiếp tục đầu tư làm ăn ở những vùng đất mới, cái tên Xuân Thành sẽ còn gắn liền với bao nhiêu đội bóng khác!
Đến thời điểm hiện tại, thật khó để khẳng định chắc chắn một điều gì đó về tương lai cho mối lương duyên giữa huấn luyện viên Văn Sỹ với đội bóng Xi măng Xuân Thành cũng như giữa tập đoàn Xuân Thành với bóng đá Hà Tĩnh. Tan hợp, hợp tan là chuyện thường tình của bóng đá chuyên nghiệp nhưng có một điều mang tính nguyên tắc giành cho những người làm bóng đá chuyên nghiệp, đó là phải có tình yêu thực sự với bóng đá.
Bóng đá Hà Tĩnh đang thiếu những nguồn lực để tạo cú hích thi đấu đỉnh cao nhưng điều cần hơn vẫn là cái tâm của những người sẵn sàng cung cấp nguồn lực. Xin đừng vì bóng đá để gầy dựng thương hiệu như là một nghệ thuật PR để rồi khi đạt được mục đích lại quay sang hờ hững với môn thể thao vua này.