Thức dậy tiềm năng du lịch Hà Tĩnh (Bài 2): Phát triển du lịch thành mũi nhọn kinh tế

(Baohatinh.vn) - Với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, Hà Tĩnh được đánh giá là địa danh có tiềm năng du lịch rất lớn, ít nơi nào có được. Tuy nhiên, những năm qua, du lịch Hà Tĩnh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế để phát triển.

>> Bài 1: Thu hút đầu tư, cải thiện hạ tầng

Trăn trở

Với tiềm năng sẵn có, nhiều năm qua, Hà Tĩnh nỗ lực xúc tiến đầu tư phát triển du lịch và đã hình thành được nhiều khu du lịch có điểm nhấn. Trong đó, các khu du lịch: Thiên Cầm, Xuân Thành, khu, điểm du lịch Đèo Con, Nước sốt Sơn Kim, chùa Hương Tích, Ngã ba Đồng Lộc, Khu lưu niệm Nguyễn Du, Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác... bước đầu đã thu hút sự quan tâm của du khách thập phương. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.

Đường lên chùa Hương (xã Thiên Lộc - Can Lộc).
Đường lên chùa Hương (xã Thiên Lộc - Can Lộc).

Đặc biệt, từ kết quả đầu tư phát triển và thực trạng quản lý khai thác du lịch trên địa bàn thời gian qua cho thấy, hoạt động du lịch của tỉnh ta vẫn còn nhiều bất cập. Đó là công tác quy hoạch và quá trình xúc tiến đầu tư chưa hài hòa, thiếu đồng bộ, kết cấu hạ tầng du lịch manh mún. Chất lượng công trình dịch vụ đơn điệu, môi trường du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, không bắt kịp xu thế phát triển hiện đại của nền công nghiệp không khói. Theo đó, hoạt động khai thác dịch vụ còn hạn chế, chưa có sự kết nối. Vấn đề ANTT, vệ sinh môi trường (VSMT), văn hóa kinh doanh tại các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, các điểm lưu trú vẫn còn nhiều bất cập... Những hạn chế đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan môi trường văn hóa du lịch và việc thu hút du khách.

Du lịch tâm linh là một thế mạnh của Hà Tĩnh. Tuy vậy, công tác quản lý các hoạt động tâm linh và lễ hội chưa tốt. Tết Giáp Ngọ vừa qua, chúng tôi có dịp đến tham quan, vãn cảnh chùa Hương, đền chợ Củi, đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu (đền Bà Hải), đền Võ Miếu (TP Hà Tĩnh), khu mộ Phan Đình Phùng… Sau mỗi chuyến đi đã để lại trong chúng tôi nhiều trăn trở. Chỉ vì ý thức con người, những danh thắng kỳ vĩ, những đền đài miếu mạo bị tác động thái quá làm ảnh hưởng không nhỏ đến vẻ đẹp thâm nghiêm vốn có.

Đặc biệt, qua những chuyến thực tế mới thấy rằng, sản phẩm du lịch của tỉnh ta còn manh mún. Hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình phụ trợ đang nghèo nàn. Công tác quản lý, ANTT, môi trường văn hóa du lịch còn nhiều bất cập. Hoạt động kinh doanh dịch vụ “mạnh ai nấy được”; khai thác dịch vụ chưa chú trọng văn hóa ứng xử, có nơi còn xẩy ra tình trạng tranh giành, chèo kéo, ép giá khách. Trong một khu du lịch có quá nhiều loại phí rườm rà v.v… đã có tác động tiêu cực trong việc thu hút du khách.

Chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với một số du khách Việt kiều đến từ Thái Lan. Đa số họ khen ngợi cảnh quan, danh thắng của Hà Tĩnh nhưng lại phàn nàn vấn đề VSMT còn quá yếu và thiếu các phòng vệ sinh công cộng. Bà Đặng Thị Thuận - Việt kiều đến từ tỉnh Sakon Nakhon chia sẻ: “Phong cảnh Hà Tĩnh đẹp nhưng không có phòng vệ sinh công cộng, rất bất tiện. Ở Thái Lan, dọc các quốc lộ, cứ vài ba chục km thì có một phòng vệ sinh công cộng rất sạch sẽ, chưa nói đến các điểm du lịch. Sang đây, đi cả ngày mà chẳng thấy phòng vệ sinh ở đâu”.

Các khu du lịch biển như Thiên Cầm, Xuân Thành, Thạch Hải… cũng đang chủ yếu khai thác nghỉ và dịch vụ ăn uống đơn điệu, thiếu các dịch vụ phụ trợ, các điểm vui chơi giải trí. Các dịch vụ bán đồ lưu niệm còn quá nghèo nàn, thậm chí có nơi không có. Hè 2013, tôi có dịp gặp gỡ với một gia đình từ Hà Nội đến nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Thiên Cầm. Họ khen bãi tắm đẹp và rất hài lòng với giá cả dịch vụ ẩm thực nhưng lại than phiền: “Bãi tắm không có các dịch vụ vui chơi giải trí”.

Nỗ lực đánh thức tiềm năng

Du lịch ngày nay đang phát triển nhanh và chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của các tỉnh. Thời gian qua, cùng với đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển các khu kinh tế trọng điểm, tỉnh ta đã quyết liệt, tập trung chỉ đạo ngành VH-TT&DL phối hợp với các ngành liên quan hoàn chỉnh quy hoạch, đầu tư củng cố hạ tầng, mở mang dịch vụ với quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

Quang cảnh đền Nen với lối kiến trúc khá uy nghi.
Quang cảnh đền Nen với lối kiến trúc khá uy nghi.

Chủ trương tập trung phát triển du lịch của tỉnh hoàn toàn đúng đắn, là tín hiệu vui cho ngành công nghiệp không khói. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện - Trưởng BCĐ phát triển du lịch tỉnh trong cuộc họp gần đây đã khẳng định: Để khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, trước hết cần phải có các giải pháp đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện, quản lý điều hành. Theo đó, quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết các khu du lịch trọng điểm phải trên cơ sở khoa học, có tính khả thi cao, đảm bảo tính bền vững; vận dụng đúng đắn các chính sách đã được ban hành, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực phát triển du lịch - dịch vụ theo hướng xã hội hóa; tập trung củng cố hạ tầng kỹ thuật, giao thông, điện, nước, rác thải, viễn thông, các công trình dịch vụ, các điểm vui chơi giải trí, đáp ứng toàn diện nhu cầu vật chất và tinh thần.

Ngành VH-TT&DL đang xây dựng tiêu chí về sản phẩm du lịch “phong phú, chất lượng, giá rẻ, sạch sẽ, an toàn, thuận tiện, thái độ phục vụ vui vẻ, thân thiện, mến khách”. Khai thác sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cần chú trọng kết hợp với lễ hội truyền thống, các hoạt động giao lưu, vui chơi giải trí gắn với bản sắc văn hóa vùng, miền.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cần gắn đầu tư phát triển du lịch với việc đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên nhà hàng, khách sạn. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu bằng nhiều kênh thông tin, khâu nối hoạt động du lịch trong nước và quốc tế, mở rộng tour, tuyến liên kết và tư vấn cho du khách nhiều sự lựa chọn phù hợp với túi tiền và quỹ thời gian.

Đồng thời, để xây dựng du lịch Hà Tĩnh thành du lịch văn hóa, du lịch sạch, cần phải làm tốt công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác dịch vụ, giá cả, văn hóa phục vụ. Tại các điểm du lịch, nên huy động công đức theo kiểu tập trung, áp dụng phương án thu phí trọn gói công khai, minh bạch, tránh thất thoát nguồn thu. Đặc biệt, kịp thời tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của Nhà nước về VSATTP, VSMT, đảm bảo ANTT, phòng chống TNXH và tăng cường bảo vệ môi trường du lịch, tránh xẩy ra những sự việc đáng tiếc.

Mong rằng, thời gian tới, hoạt động du lịch sẽ được sắp xếp, chấn chỉnh và tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng bền vững để hội nhập sâu với quốc tế.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast