Xôn xao Tết đến

Hồi bé, mỗi năm một lần tết đến, thể nào ba mẹ cũng lấy ý kiến các con đứa nào xung phong ăn tết ở quê. Thường thì năm nào mình cũng về, có năm cả nhà về, có năm chỉ mỗi mình theo dì về quê ăn tết. Thú lắm.Mình nhớ cái giây phút hồi hộp từ đêm trước khi đi, khi mẹ lúi húi chuẩn bị quần áo, bánh kẹo, mì chính về cho bà thì mình dọn thêm một ít cuốn tiểu thuyết với ý định về quê, nếu buồn thì lấy tiểu thuyết ra đọc. Đem là đem rứa thôi, nhưng chưa bao giờ mình cần dùng đến nó mỗi lần về quê. Bởi hơn hết thảy mỗi thứ ở quê đã gợi nên bao điều thú vị rồi.

Đi chợ quê ngày Tết. Ảnh: sưckhoedoisong.vn
Đi chợ quê ngày Tết. Ảnh: sưckhoedoisong.vn

Chiếc xe đò cuối năm chật ních chở mình về quê cùng đào, quất, lá dong. Mùi dầu, nước mắm, mùi xăng, mùi hơi người làm mình say khật khưỡng, đứ đừ lúc mê lúc tỉnh. Ấy vậy mà chỉ cần xuống xe thôi, chỉ cần đi bộ một đoạn giữa cánh đồng mùa rét căm căm, bước tấp tểnh giữa những đường ruộng su hào xanh mướt và những cây bắp cải cuộn tròn thin thít nằm khoe cái rét, chỉ một chút rùng mình thôi là khỏe hẳn. Xung quanh chỉ có gió và gió, mùi đất ruộng cày ải, mùi phân trâu, mùi lá dong nhà ai vừa cắt, mùi nếp ngâm bên thềm nhà gợi lên rất đỗi quen thuộc, nhung nhớ như từ tết này truyền sang tết khác...

Nhưng, cái mình nhung nhớ nhất không phải là những thứ đó, mà là tiếng người xôn xao hè nhau cùng mổ lợn và tiếng lợn eng éc kêu mỗi chiều từ bên sân giếng của một nhà ai đó vọng lại. Như nghe được cả tiếng cười giòn tan của các bà các mẹ khi các ông các cậu khen lấy khen để con lợn béo, con lợn ngon dành cho những ngày tết đến.

Ở quê, một năm làm lụng vất vả, ăn nhín ăn nhịn, không gì vui hơn khi được cắp cái rổ nan vào nách đi lấy thịt hợp tác. Mình nhớ lần đi lấy thịt, xí xớn cầm chiếc rổ nan chui hàng rào sang nhà hàng xóm từ khi các bác các cậu đang trói gô con lợn ở bờ giếng. Mỗi người một việc, người thì mài dao bầu cho thật sắc, thi thoảng đưa lên ướm thử độ sắc qua lần tay gạt thử. Người lo đẩy củi đun to ngọn lửa để cho nước kịp sôi mau. Người rang lạc chuẩn bị đổ dồi- bữa liên hoan chung của các ông mỗi khi xong việc. Bên chái nhà, các cụ bô lão ngồi bên hàng hiên đánh chờ, thi thoảng cầm chiếc điếu cày rít lên sòng sọc. Rộn ràng nhất là đám trẻ con, đứng túm đứng tụm vào nhau chờ xem cắt tiết...Tất cả rộn rạo hẳn lên, gần gũi hẳn lên như một ngày hội nhỏ vậy.

Ông hàng xóm ngồi lọt thỏm ở giữa sân thịt được đặt trên tấm nan dùng để phơi thuốc lào ngày nắng. ông ngồi rít thuốc, tay cầm một chiếc roi buộc túm một mớ nilong đuổi ruồi, trông thấy mình cười cười chỉ vào ô thịt đã chia sẵn. Cái gì cũng chia, một ít thịt ba chỉ, một ít thịt mông, một ít thịt nách, lòng gan...chia nhỏ cho từng nhà theo từng khẩu một. Chỉ lũ trẻ con là được chung nhau một cái bong bóng lợn. Rửa, xóc, chà mun bếp cho dai rồi đâu ống đu đủ vào thổi căng làm bóng đá.

Mình kệ nệ bưng rổ thịt đầy chui lại bờ rào về nhà. Bà ngoại đón lấy, chặt, chặt, kho kho cuối cùng được một nồi thịt đông to sù sụ, để nguội, cho vào quang gánh treo lên chái bếp.

Bây giờ, tết quê đã thay đổi nhiều rồi. Đời sống không còn túng khó nữa. Thức ăn, hàng hóa đã được bày bán tận ngõ...Nhưng lạ thay! trong cái xôn xao lạ lẫm ấy, vẫn còn vang lên tiếng lợn kêu eng éc mỗi chiều giáp tết. Mấy nhà trong xóm trong thôn vẫn lại chung nhau một con lợn béo để làm thịt. Chung là để cho vui, để được làm cùng nhau, nói chuyện cùng nhau, ngồi cùng nhau uống chén rượu cuối năm và nhớ về những ngày xưa cũ. Chừng ấy thôi để thấy rằng dẫu thời gian cứ trôi đi thì những cái cũ đáng quý, đáng trân trọng sẽ chẳng bao giờ mất đi cả... như ngày tết ở quê vậy, mãi vẫn còn trong kí ức mỗi người con đất Việt.

Tản văn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast