Kho dự trữ vũ khí của Mỹ bị đe dọa do thiếu chip vì xung đột ở Ukraine

Các vấn đề về chuỗi cung ứng và sự thiếu hụt vi mạch do cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine có thể đe dọa kho dự trữ vũ khí của Mỹ.

Kho dự trữ vũ khí của Mỹ bị đe dọa do thiếu chip vì xung đột ở Ukraine

Mỹ gặp khó khăn trong sản xuất vũ khí vì thiếu chip. Ảnh: asc.army.mil

Một số nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ, như Raytheon, Lockheed Martin, Boeing và Northrop Grumman, ngày 17/11 cảnh báo rằng tình trạng thiếu các bộ phận và chip có thể tiếp tục trong hai năm tới.

James D. Taiclet, Chủ tịch của Lockheed Martin, lưu ý công ty “vẫn dự báo tăng trưởng trong dài hạn, nhưng với các tác động sau đại dịch và những thách thức về chuỗi cung ứng đang tiếp diễn, Lockheed Martin hiện dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng trở lại vào năm 2024, với doanh số bán hàng năm 2023 xấp xỉ bằng triển vọng năm 2022".

Nhận xét trên được đưa ra trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp diễn ở Ukraine trong khi Mỹ và các đồng minh phương Tây khác vẫn hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm các loại vũ khí như hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến ( NASAMS), được phát triển bởi Raytheon, cũng như hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), được phát triển bởi Lockheed Martin.

Kathy Warden, Giám đốc điều hành hàng đầu của Northrop Grumman, cho biết công ty không kỳ vọng các vấn đề về chuỗi cung ứng “sẽ tốt hơn đáng kể”. Northrop Grumman chế tạo thiết bị cho máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của quân đội Mỹ.

Về phần mình, Frank St. John, Giám đốc điều hành của Lockheed Martin, cho rằng vì một số vũ khí của họ sử dụng hàng chục con chip nên sự thiếu hụt đã dẫn đến thời gian chế tạo vũ khí cũng như phát triển công nghệ mới tăng lên.

Greg Hayes, Giám đốc điều hành kiêm chủ tịch của Raytheon, cũng nói về các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu toàn cầu tăng đáng kể đối với các hệ thống phòng không tiên tiến. Đặc biệt là ở Đông Âu, khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn".

Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen, trong khi phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Thị trường Tài chính và Công nghiệp Chứng khoán, đã đề cập đến tình trạng thiếu vi mạch ở Mỹ và các vấn đề về chuỗi cung ứng do chiến tranh ở Ukraine.

“Đại dịch và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã dạy chúng ta về cái giá của những tổn thương trong chuỗi cung ứng. Chúng ta đang chứng kiến các nhà máy ngừng hoạt động do thiếu vi mạch. Ba thập kỷ trước, Mỹ đã sản xuất hơn một phần ba tổng số vi mạch. Giờ đây, con số này giảm xuống chỉ còn 12%”, bà Yellen nêu rõ.

Tiến sĩ Robert Handfield, Giáo sư về quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Bắc Carolina, nhận định các vấn đề về chuỗi cung ứng có thể tồn tại trong vài năm tới do xung đột Nga - Ukraine. Ông nói: “Khi chúng ta gặp phải những gián đoạn lớn do xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt, các vấn đề sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết. Chúng không thể quyết trong một sớm một chiều”.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.