Giáo dục

“Lòng chợt dâng niềm thiết tha…”
“Lòng chợt dâng niềm thiết tha…”
“Lòng chợt dâng niềm thiết tha…”

Sân trường đầu hạ, bóng áo trắng lẫn trong sắc phượng hồng, niềm lưu luyến lẫn trong bao khát vọng bay xa. Những sân trường PTTH trên quê hương tôi đã chứng kiến bao nhiêu giọt nước mắt chia tay, đã đón đợi bao nhiêu bước chân trở về. Dẫu thành công hay thất bại vẫn đầy ấm áp và bao dung, như tình yêu thương dung dị của thầy cô dành cho các thế hệ học trò…

“Lòng chợt dâng niềm thiết tha…”

Theo dòng thời gian, cô giáo Nguyễn Thị Phú – Chủ nhiệm lớp 12C trường PTTH Phan Đình Phùng không giấu được nỗi niềm xúc động mỗi sáng mai lên lớp. Mặc dù đã từng chủ nhiệm 5 khoá khối 12, đã dạn dày trải nghiệm cảm xúc của những mùa hè chia ly, nhưng chỉ nghĩ tới việc mình đang cùng học trò lên lớp những buổi học cuối cùng là cô giáo Phú đã rưng rưng niềm nhớ.

“Lòng chợt dâng niềm thiết tha…”

Mỗi giai đoạn, mỗi thế hệ, các hình thức lưu lại kỷ niệm và chia tay của học trò khác nhau nhiều lắm, nhưng với giáo viên thì vẫn riêng một nỗi niềm xưa cũ. Đó là tâm lý chấp nhận phải rời xa những “đứa con” mà mình dày công chăm bẵm khi chúng đã “đủ lông đủ cánh”. Đó là tâm thế đợi chờ những bước chân thương mến trở về…

Trò chuyện với cô giáo Phú tôi lại cồn cào nhớ cô giáo dạy văn cấp hai của mình – một nhà giáo hiền từ, khéo léo và đầy nhân hậu. Cho đến khi tôi lên cấp ba, cô vẫn dõi theo và kề cận với mỗi bước tôi đi trên con đường học tập. Cô là giáo viên, cũng là người chị gần gũi, luôn tạo cho tôi động lực để phấn đấu, luôn tạo niềm tin để tôi dẫu đôi ba lần thất bại, vẫn dũng cảm bước về phía trước với niềm tin trọn vẹn nhất…

Giờ đây, khi tôi đã trưởng thành, kể cả khi cô đã rời xa bục giảng thì cô giáo tôi vẫn ở đó, nơi quê nhà, sẵn sàng dang tay đón đợi, sẵn sàng lau nước mắt cho tôi, vui niềm vui của tôi, buồn nỗi buồn của tôi mỗi khi tôi trở về. Đời học trò, có được những người cô, người thầy như thế là như có được cả một bờ bến bình yên…

“Lòng chợt dâng niềm thiết tha…”

Bức ảnh hiếm hoi ngày chia tay tuổi học trò của tôi với bạn bè có sắc trắng dịu dàng, trong sáng của tuổi hồng thơ ngây, có sắc đỏ nồng nàn của phượng vỹ, có màu xanh của những khát vọng tương lai. Ở đó, bạn bè tôi quàng vai nhau vô tư, hồn nhiên và nụ cười nào cũng như còn tươi mới, ánh mắt nào cũng vẫn còn chan chứa yêu thương. Mỗi lần nhìn lại bức ảnh ấy, những câu hát của Trịnh Công Sơn lại trở về rộn rã: “Ai mang đến gần trời lưu luyến mà cứ yêu thương nhau hoài/ Bao nhiêu nét mặt của ngày tháng, sao không lúc nào nhạt phai”.

“Lòng chợt dâng niềm thiết tha…”

Bao nhiêu thế hệ học sinh đã và đang bắt đầu nơi tôi đi qua. Dù cho đời sống hiện đại đã mang đến cho các em những tiện ích mới thì cảm xúc vẫn vẹn tròn và nguyên sơ như màu áo trắng học trò vậy. Thay vì những bức ảnh ít ỏi, các bạn có cả hoạt động chụp ảnh kỷ yếu với thầy cô và bạn bè. Thay vì một bữa tiệc liên hoan giản dị, các bạn được tổ chức lễ trưởng thành công phu, trang trọng. Dẫu vậy, trong buổi học cuối cùng, trên sân trường buổi chia tay vẫn là những giọt nước mắt chân thành, vẫn là mênh mang nỗi nhớ thầy cô, bè bạn. Vẫn chơi vơi niềm luyến thương tuổi học trò hoa mộng không bao giờ có thêm lần nữa trong đời. Vẫn cháy sáng trong trí óc, trong tâm tư những khát khao vươn tới…

“Lòng chợt dâng niềm thiết tha…”

“Lòng chợt dâng niềm thiết tha…”

Trên lối vào sân trường THPT Phan Đình Phùng hôm ấy, tôi ấn tượng nhất là chiếc bảng có tiêu đề “Lời chưa ngỏ”. Trên đó có hàng trăm, hàng nghìn mảnh giấy đủ các màu sắc, hình thù, chứa đựng những ân tình chưa tỏ bày của bao trái tim chớm biết yêu thương. Đó là cái nhìn độ lượng, cởi mở của thầy cô với những rung động đầu đời. Bởi vậy, học trò cũng dễ dàng hơn trong việc bộc bạch những tình cảm riêng tư. Trên góc “lời chưa ngỏ”, tôi còn đọc được ở đó tha thiết niềm yêu kính vô hạn của học trò với thầy cô và cháy bỏng khát vọng chinh phục thế giới của những cánh chim bằng…

“Lòng chợt dâng niềm thiết tha…”

Lớp lớp những mảnh giấy đủ màu sắc, hình dáng, những con chữ được viết nắn nót đính kèm những hình vẽ sinh động trên tấm bảng dành cho những “lời chưa ngỏ” đã thức dậy miền ký ức hoa mộng trong tôi. Thuở ấy, sự nghiêm khắc của người lớn, sự xét nét của bạn bè đã khiến biết bao nhiêu ân tình mãi mãi không được thổ lộ, mãi mãi ở lại trong tuổi hoa niên của đời người. Để dằng dặc trong cuộc đời nhiều người là những chung chiêng, lưu luyến. Chợt nghĩ, người sáng tạo ra tấm bảng với góc nhỏ tâm tình ấy phải là người đã từng phải lặng thầm cất giấu những tâm tư của mình trong một mùa hè xa xôi nào đó vào một cơn mưa, vào một màu áo trắng, vào một “bài thơ còn hoài trong vở, giữa giờ chơi mang đến lại mang về”…

“Lòng chợt dâng niềm thiết tha…”

Phượng hồng đã bắt đầu nhóm lửa trên những sân trường. Khát vọng vươn tới đã được định tính bằng những hành động cụ thể. Cùng với hoạt động hướng nghiệp của nhà trường, màu hoa học trò như càng thắp sáng hơn nữa ước vọng của tuổi trẻ, để những lựa chọn tương lai thêm phần sáng suốt. Hơn đâu hết trên đất nước này, Hà Tĩnh là miền quê vô cùng hiếu học. Bởi vậy, mỗi mùa thi đến là bấy nhiêu mùa chinh phục. Không chỉ chinh phục điểm số, chinh phục những ngôi trường đại học danh giá, học sinh thời nay còn tự đặt mục tiêu chinh phục học bổng du học. Những tấm gương đi trước như Kim Chi, Phan Mạnh Tân và gần đây là hàng loạt những bạn trẻ cừ khôi như Thuý Quỳnh (2016) 2 chị em Hà Anh, Hiền Anh (2017) rồi Minh Phương, Phương Linh, Hải An, Hà Linh, Thanh Hà (2018) đã trở thành đích phấn đấu của những thế hệ học sinh kế tiếp.

“Lòng chợt dâng niềm thiết tha…”

Bên cạnh những khát vọng lớn lao là những ước mơ rất giản dị. Như câu chuyện lựa chọn học nghề của em Nguyễn Hữu Trung ở phường Đại Nài. Được bố mẹ cho phép, Trung đã quyết định lựa chọn sang Hàn Quốc học nghề đầu bếp thay vì đăng ký đi học đại học như bạn bè cùng trang lứa. Làm đầu bếp là ước mơ từ nhỏ của Trung. Suốt những năm tháng trung học, hình ảnh mà em theo đuổi duy nhất là hình ảnh người đàn ông mặc chiếc tạp dề trắng, đội mũ trắng, đứng trong một căn bếp sang trọng và “làm xiếc” với thực phẩm. Và, em thật may mắn khi sự phát triển của xã hội đã cho em cơ hội được chạm tay vào giấc mơ của mình.

“Lòng chợt dâng niềm thiết tha…”

Khi những tán phượng già lững thững bung nở những chùm hoa đầu tiên thì những cuốn lưu bút học trò đã đầy ắp tình thương mến, những bộ ảnh kỷ yếu đã gần hoàn thành…Và, trên các sân trường, trong muôn lớp học, niềm thương mến thiết tha đã dâng đầy trong tim. Rồi buổi học cuối cùng cũng sẽ đến, dẫu những khát vọng dựng xây tương lai đã định nhưng lũ học trò sẽ cùng rưng rưng “nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại”. Và tôi, một người rời xa tuổi học trò gần 20 mùa phượng nở, hôm nay đây, ngồi viết những dòng này, trong lòng cũng “chợt dâng niềm thiết tha, nhớ bạn bè, nhớ mái trường xưa”…

Ảnh: Huy tùng

Thiết kế: Đình khôi

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.