Quốc phòng - An ninh

Những người lính “đánh giặc” COVID-19

“Cơm, xôi sáng, bánh mỳ… đã được đưa tới cổng trực ban và tiếp tục phân về khu vực nhà ăn. Các đồng chí hết sức lưu ý, chụp ảnh chi tiết, cẩn thận từng nhóm để đối chiếu chất lượng”. Sau cuộc điện thoại với nhân viên nhà bếp, Thiếu tá Nguyễn Thái Sử (SN 1978) nhanh chóng điền vào bảng thực đơn đăng ký khẩu phần ăn cho công dân ở Khu cách ly tập trung Mitraco. Mọi thao tác được anh thực hiện hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ và thuần thục.

Những người lính “đánh giặc” COVID-19

Thiếu tá Sử làm nhiệm vụ cập nhật thông tin.

Thiếu tá Sử là nhân viên hậu cần của Ban CHQS thị xã Kỳ Anh, vào “trực chốt” từ tháng 10/2020 lại nay. Anh là người có thâm niên làm việc lâu nhất trong Khu cách ly tập trung Mitraco.

Một ngày của anh Sử thường bắt đầu từ 5h30’, đôn đốc nhà bếp thực hiện các khẩu phần ăn, kiểm tra chất lượng bữa ăn và phát suất ăn cho công dân. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự chuyên nghiệp và chính xác rất cao bởi lượng công dân thường xuyên biến động. Bên cạnh đó, khẩu vị của mỗi người lại khác biệt và thức ăn phải phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi…

Những người lính “đánh giặc” COVID-19

Cán bộ, chiến sỹ kiểm tra các suất ăn cho công dân trong khu cách ly.

“Hiện tại có hơn 260 công dân, lúc cao điểm lên tới 800 người và thấp nhất là 150 người vào cách ly tại đây. Điều chúng tôi tự hào là kể từ khi vận hành khu cách ly (tháng 3/2020) đến nay chưa để xảy ra bất kỳ vụ ngộ độc thực phẩm nào” - Thiếu tá Sử chia sẻ.

14 tháng gắn bó với công việc hậu cần trong khu cách ly, Thiếu tá Sử đã nắm được sở thích của công dân khi vào đây. Ví dụ, người Lào thường có niềm đam mê đặc biệt với các món xôi; người từ miền Nam trở về thi thoảng nhớ hương vị đặc trưng của vùng đất Nam Bộ như hủ tiếu, bánh canh… Dù công việc chính là phục vụ ăn uống nhưng trên thực tế, anh còn hỗ trợ đồng đội thực hiện thêm khâu tiếp đón, phân loại công dân, bố trí phòng ở, phát chăn gối, nhu yếu phẩm…

Những người lính “đánh giặc” COVID-19

Toàn cảnh Khu cách ly tập trung Mitraco.

Trải lòng về gia đình, anh Sử bộc bạch, từ khu cách ly về nhà anh ở xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) chỉ mất khoảng 60 km nhưng suốt hơn 1 năm qua, số lần anh trở về nhà thăm vợ con chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Thương vô cùng khi thấy vợ vất vả xoay xở những việc thuộc về đàn ông trong nhà. Dù tự hào vì bố đang làm nhiệm vụ cao cả nhưng 3 mẹ con vẫn không tránh khỏi phút yếu lòng. Tuy vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi không cho mình được phép phân tâm...” - anh Sử chia sẻ.

Những người lính “đánh giặc” COVID-19

Các công dân lấy cơm trưa trong khu cách ly tập trung.

Trong khi đó, Thượng úy Hoàng Xuân Anh (SN 1980, công tác tại Ban CHQS thị xã Kỳ Anh) gắn bó với Khu cách ly Mitraco từ những ngày đầu mới đi vào hoạt động. Trong suốt 8 tháng làm nhiệm vụ tại đây (từ tháng 3 - 11/2020), Thượng úy Anh đã trở thành người thân của không ít công dân thực hiện nghĩa vụ cách ly.

Những người lính “đánh giặc” COVID-19

Thượng úy Hoàng Xuân Anh trao đổi với cán bộ y tế để bàn bạc, bố trí F0 vào khu điều trị

Đến tháng 10/2021 vừa qua, anh quay trở lại nơi này để làm công tác tổ chức tiếp nhận, trả công dân, tổng hợp báo cáo, rà soát, phê duyệt cách ly và cập nhật thông tin kịp thời về Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh.

Những người lính “đánh giặc” COVID-19

Nói về công việc của mình, Thượng úy Anh cho hay: "Năm nay, mọi thứ vất vả hơn rất nhiều do lượng công dân từ các tỉnh phía Nam liên tục trở về và không có thời gian cố định. Quá trình tiếp nhận thông tin, đón tiếp… là sự nỗ lực rất lớn của cả một ê-kíp. Khó khăn nhất là khi tiếp nhận, ghi chép lại thông tin của các công dân Lào do khác biệt về ngôn ngữ.

Để thuận tiện theo dõi, chúng tôi xin danh sách từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an tỉnh". Khu cách ly Mitraco cũng là nơi thường xuyên tiếp nhận người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại Lào trở về quê nên anh còn tranh thủ thêm sự giúp đỡ của những người này để nắm bắt nguyện vọng của công dân bạn, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho họ trong thời gian cách ly.

Những người lính “đánh giặc” COVID-19

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS thị xã Kỳ Anh trong khu cách ly họp bàn phương án đón tiếp công dân.

Nhắc tới trường hợp một gia đình quê Quảng Bình vào cách ly tại đây, Thượng úy Hoàng Xuân Anh trầm ngâm: “Hai vợ chồng chừng 30 tuổi mang theo con nhỏ mới lên 2. Chồng không có việc làm, vợ bị ung thư, hoàn cảnh hết sức bi đát. Sau 1 tuần vào lưu trú, bệnh tình người vợ trở nặng phải chuyển tuyến. Hết 14 ngày cách ly, khi được tôi và một số anh em hỗ trợ chi phí để về quê, người chồng rất cảm kích…”.

Những người lính “đánh giặc” COVID-19

Mỗi công dân vào khu cách ly là mỗi cảnh đời khác nhau, thấu hiểu tâm lý của họ, đội ngũ phục vụ nói chung và những người lính nói riêng luôn cố gắng tạo cho họ cảm giác thân thuộc, gần gũi như ở nhà. Cường độ công việc cao, bất kể ngày đêm, mỗi khi công dân có yêu cầu, họ đều có mặt kịp thời để hỗ trợ.

Những người lính “đánh giặc” COVID-19

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, những người lính luôn quyết tâm làm hết sức mình để bảo vệ sức khỏe, bình yên cho Nhân dân. Ngoài Thiếu tá Sử, Thượng úy Anh còn có đồng đội của các anh như: Trung úy Dương Chí Huỳnh, Thượng úy Đoàn Nhất Linh và hàng chục con người vẫn đang kiên trì, bền bỉ với công việc.

Đại tá Lê Hồng Nhân - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Với người lính, ở đâu có “giặc” là chúng tôi có mặt. Chẳng quản ngại hy sinh, không nề hà gian khó. Không chỉ là Thiếu tá Sử, Thượng úy Anh mà còn hàng chục, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ khác đang làm nhiệm vụ chống dịch ở nhiều địa bàn khác nhau trong toàn tỉnh. Họ đều có chung một ý chí kiên cường, một tấm lòng luôn hướng về Nhân dân, bảo vệ Nhân dân trước mọi sự an nguy…

Dự báo tình hình dịch bệnh trước, trong và sau dịp tết tiếp tục diễn biến phức tạp, tại các khu cách ly của tỉnh, ngoài việc đảm bảo 100% quân số, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh các nhiệm vụ đảm bảo cho quá trình cách ly của công dân; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Những người lính “đánh giặc” COVID-19

Lực lượng công an, quân sự trao đổi về các hoạt động trong khu cách ly.

Đối với các khu cách ly do cấp huyện quản lý, chúng tôi sẽ chỉ đạo ban CHQS các địa phương và lực lượng dân quân tự vệ trực chốt kiểm soát và các khu vực phong tỏa.

Vì sự bình an của người dân, các cán bộ, chiến sỹ luôn vững vàng, duy trì nghiêm quy định trong khu cách ly và nêu cao trách nhiệm chăm sóc, phục vụ công dân. Tất cả cùng chung một ý chí, dồn toàn sức, ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhập...”.

Trình bày: công ngọc

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng

Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng

Nhân dịp tổ chức thành công diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), ngày 30/4, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có thư cảm ơn. Trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư này.
“Gác lễ", bảo vệ bình yên cho quê hương

“Gác lễ", bảo vệ bình yên cho quê hương

Cán bộ, chiến sỹ các đơn vị vũ trang ở Hà Tĩnh luôn đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, đất liền để Nhân dân yên tâm vui lễ.
Xây dựng lực lượng vũ trang đảm bảo “tinh - gọn - mạnh”

Xây dựng lực lượng vũ trang đảm bảo “tinh - gọn - mạnh”

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và khí thế thi đua “thần tốc - quyết thắng” chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, LLVT Hà Tĩnh tiếp tục phát triển theo hướng “tinh - gọn - mạnh”, có chất lượng tổng hợp tốt, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao.
Trận đầu thắng Mỹ - ký ức người trong cuộc

Trận đầu thắng Mỹ - ký ức người trong cuộc

Mỗi dịp tháng Tư về, ngôi nhà của Đại úy Lê Văn Kiệm (SN 1945, xã Thạch Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) - cựu chiến binh Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ Bình Hà lại trở thành điểm hẹn của biết bao đồng đội.
Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng ta

Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng ta

Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc chiến 20 năm chống đế quốc Mỹ bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết tinh ý chí, sức mạnh, truyền thống oanh liệt giữ nước của toàn dân tộc. Đặc biệt là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân tài tình, linh hoạt của Đảng ta, làm nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng mọi kẻ thù hùng mạnh và tàn bạo nhất trong lịch sử.
Tác nghiệp giữa lằn ranh sinh tử

Tác nghiệp giữa lằn ranh sinh tử

Gần nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về những ngày tháng cầm máy ảnh tác nghiệp trong mưa bom bão đạn, vượt biên giới sang nước bạn Lào để “vào hang bắt cọp” vẫn còn in đậm trong tâm trí người phóng viên chiến trường - nhà báo, thiếu tá Trương Quang Hường (TP Hà Tĩnh).
Mãn nhãn buổi tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

Mãn nhãn buổi tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

Sáng 27/4, buổi tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã diễn ra trên đường Lê Duẩn (Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Sự kiện quy tụ khoảng 13.000 người thuộc 48 khối, đại diện cho các lực lượng vũ trang, công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên và các tổ chức đoàn thể.
Tự hào người lính Sư đoàn Sông Lam

Tự hào người lính Sư đoàn Sông Lam

Vinh dự là những người lính trực tiếp chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiếp quản chính quyền sau ngày giải phóng, những người lính của Sư đoàn Sông Lam năm xưa luôn mang trong mình niềm tự hào.