Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng ta

(Baohatinh.vn) - Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc chiến 20 năm chống đế quốc Mỹ bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết tinh ý chí, sức mạnh, truyền thống oanh liệt giữ nước của toàn dân tộc. Đặc biệt là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân tài tình, linh hoạt của Đảng ta, làm nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng mọi kẻ thù hùng mạnh và tàn bạo nhất trong lịch sử.

Ngay từ những ngày đầu Đảng ta ra đời cho đến trải qua dặm dài của cuộc chiến chống lại các kẻ thù xâm lược, đặc biệt là trước những đội quân xâm lược có tiềm lực mạnh hơn ta gấp nhiều lần, Bác Hồ và Đảng ta luôn coi trọng tư tưởng chiến tranh nhân dân theo phương châm “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”.

124d6074451t9550l2-106d3102214t8485l5-n.jpg
Thông đường cho xe ra tiền tuyến ở Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh tư liệu

Toàn dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là huy động bằng được mọi tầng lớp con dân Việt, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái. Bởi Nhân dân là cội nguồn của sức mạnh, là nhân tố đảm bảo sự thành công trong mọi công cuộc kháng chiến cũng như kiến quốc.

Toàn diện là đánh địch bằng mọi thứ vũ khí có trong tay: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc xẻng, gậy gộc”. Lời kêu gọi của Bác Hồ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước “31 triệu đồng bào ta ở cả 2 miền… phải là 31 triệu chiến sĩ anh dũng diệt Mỹ” đã trở thành lời hiệu triệu thiêng liêng của sông núi. Từ vũ khí thô sơ trong cuộc kháng chiến chống Pháp như giáo mác, gậy gộc… được bà con các dân tộc Tây Nguyên và miền núi phát triển lên một cách sáng tạo hơn như bẫy thú, hầm chông, lao phóng, ong vò vẽ… khiến kẻ thù khiếp đảm, luôn nơm nớp lo sợ trong một thế trận kỳ quái giữa bí hiểm rừng già.

Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân tài tình của Đảng ta đã khiến địch đông mà lại thiếu, mạnh mà không phát huy được cả thế lẫn lực, bị lúng túng, sa bẫy trong biển lửa của toàn dân. Đây là kiểu chiến tranh không có trong sách vở, lý luận của các trường lớp quân sự đế quốc. Một kiểu chiến tranh không biết đâu là tiền tuyến, đâu là hậu phương, buộc kẻ thù phải phân tán lực lượng để đối phó một cách bị động, dẫn đến hao mòn về thực lực, suy yếu, sa sút tinh thần, ý chí xâm lược.

Kết hợp giữa chiến tranh nhân dân gồm 3 thứ quân (bộ đội chủ lực; bộ đội địa phương; dân quân, du kích), trong đó, lấy lực lượng vũ trang chính quy làm nòng cốt. Từ đó hình thành một thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, cài răng lược, căng địch ra khắp mọi nơi, không phát huy được hết sức mạnh của vũ khí, trang bị hiện đại. Đây là hình thức tổ chức sáng tạo, thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, phù hợp với nghệ thuật quân sự “lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc cho chiến tranh.

Ngày 30/3/1972, Quân giải phóng tiến công đánh chiếm điểm cao 365 mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị. (Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN)

Ngày 30/3/1972, Quân giải phóng tiến công đánh chiếm điểm cao 365 mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị. (Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ năm 1960, sau khi đế quốc Mỹ tăng cường lực lượng quân viễn chinh và vũ khí, trang bị hiện đại vào miền Nam, Đảng ta chỉ đạo đưa chiến tranh du kích phát triển trên cả 3 vùng chiến lược. Xây dựng thế trận làng xã, hình thành nên một vành đai diệt Mỹ khắp mọi nơi. Đẩy mạnh mũi binh vận, địch vận nhằm lôi kéo, làm lung lay nhuệ khí binh lính địch.

Sự kết hợp tài tình, linh hoạt “2 chân, 3 mũi, 3 vùng” (chính trị - quân sự; chính trị - quân sự - binh vận; thành thị - nông thôn - miền núi) đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân thần kỳ, một “thiên la địa võng” khiến địch luôn nằm trong thế bị động, lúng túng đối phó.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng ta luôn coi xây dựng và bảo vệ hậu phương là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu rõ quan điểm: “Muốn khởi nghĩa phải có căn cứ địa, muốn kháng chiến phải có hậu phương”. Trước những kẻ thù xâm lược hùng mạnh, buộc chiến đấu lâu dài thì hậu phương càng đóng vai trò quan trọng, có tính quyết định; bởi hậu phương là chỗ dựa, nơi cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến, là căn cứ địa, nơi dừng chân cho bộ đội có đủ thời gian huấn luyện, nghỉ ngơi, bổ sung tài - lực cho những trận chiến đấu mới.

Với quan điểm nhìn nhận như vậy, trong suốt cuộc kháng chiến, Đảng ta và Hồ Chủ tịch luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ hậu phương vững chắc về mọi mặt. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Muốn tiền tuyến mạnh mẽ phải chăm lo, bảo đảm cho hậu phương luôn vững vàng và ổn định. Bởi sự vững vàng, ổn định của hậu phương chính là chỗ dựa về cả vật chất lẫn tinh thần chiến đấu của người lính.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, tháng 4/1975). Ảnh: TTXVN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, tháng 4/1975). Ảnh: TTXVN

Chúng ta hẳn còn nhớ, những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất (1965 - 1975), khắp nơi trên miền Bắc đã diễn ra rầm rộ, liên tục các phong trào thi đua yêu nước như: “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… Đã có hàng triệu nam, nữ thanh niên tình nguyện nhập ngũ, gia nhập lực lượng TNXP phục vụ chiến đấu, hàng triệu dân quân, tự vệ vừa sản xuất vừa chiến đấu với máy bay Mỹ nhằm bảo vệ xóm làng, nhà máy, trận địa để người thân, bạn bè an tâm, vững vàng nơi tiền tuyến.

Một trong những thành công nổi bật mang tính độc đáo của Việt Nam trong chỉ đạo kháng chiến, đặc biệt là trong những năm chống Mỹ cứu nước là kết hợp chặt chẽ giữa đòn tấn công quân sự của bộ đội chủ lực với nổi dậy, đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân.

Từ sau khi có Hiệp định Giơnevơ, Đảng ta đã chỉ đạo phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ, rộng khắp trên cả 3 vùng chiến lược. Từ chỗ đòi dân sinh, dân chủ với nhiều hình thức phong phú tiến tới tổ chức cho quần chúng đứng lên đấu tranh chính trị, phát triển trở thành cao trào cách mạng kết hợp chặt chẽ với quân sự - binh vận thành 3 bộ phận khăng khít của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Trưa 30/4/1975, xe tăng của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu.
Trưa 30/4/1975, xe tăng của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu.

Đặc biệt, Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh đã chứng minh rất rõ bước phát triển đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch tiến công hiệp đồng quân binh chủng, trong đó, nổi bật là sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng. Những đòn tiến công quân sự ở Tây Nguyên, Trung Trung Bộ, Huế, Nam Bộ, Xuân Lộc, Bà Rịa - Vũng Tàu… cho đến Sài Gòn sào huyệt cuối cùng của Mỹ - ngụy, kết hợp với sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng trở thành hình thức phát triển cao nhất, đặc biệt và hiệu quả nhất của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Thực tế đã chỉ ra rằng, kết hợp đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị với sự nổi dậy của quần chúng trong đấu tranh cách mạng do Đảng ta lãnh đạo là biểu thị của tư duy chiến lược quân sự sáng tạo, độc đáo, tiêu biểu nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Chủ đề 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Đọc thêm

Tự hào người lính Sư đoàn Sông Lam

Tự hào người lính Sư đoàn Sông Lam

Vinh dự là những người lính trực tiếp chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiếp quản chính quyền sau ngày giải phóng, những người lính của Sư đoàn Sông Lam năm xưa luôn mang trong mình niềm tự hào.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước CHDCND Lào làm việc tại Hà Tĩnh

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào làm việc tại Hà Tĩnh

Sáng 20/4, đoàn công tác Bộ Quốc phòng Lào do Thứ trưởng - Thượng tướng Vông Khăm Phôm Mạ Kon dẫn đầu có buổi làm việc với lãnh đạo Hà Tĩnh về công tác chuẩn bị cho lễ khai trương bến số 3, Cảng quốc tế Lào - Việt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà tiếp và làm việc với đoàn.
Bồi hồi ký ức tháng 4

Bồi hồi ký ức tháng 4

50 năm trôi qua, tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử của Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn luôn vẹn nguyên giá trị. Đặc biệt, với những người lính trực tiếp tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đó mãi là ký ức không thể nào quên.