Messi ra đi - Barca đánh mất một gia tài hay sụp đổ cả hệ thống?

Trước đại dịch Covid-19, Barcelona là đội bóng đầu tiên trong lịch sử vượt mốc doanh thu 1 tỷ USD/năm. Giờ đây, tổng nợ của CLB là 1,4 tỷ USD. Và họ vừa mất Lionel Messi – gia tài lớn nhất của đội bóng.

Khủng hoảng buộc LaLiga phải ép Barca (và các CLB) không chi ra nhiều hơn số tiền họ kiếm được. Barca bởi thế không thể ký hợp đồng mới với Messi – cầu thủ hay nhất thế giới và lương cũng cao nhất thế giới, kể cả khi đã giảm 50%. Messi-Barca bắt buộc phải chia tay sau 21 năm dù không bên nào (kể cả LaLiga) mong muốn. Đại dịch đã tàn phá, nhưng nó chỉ như cú sút phút bù giờ vào khung thành trống của Barca.

Phân tích dưới đây của Financial Times đã chứng minh: Barca thực tế đã tự sụp đổ một cách vô hình từ chức vô địch Champions League ở Berlin tháng 6/2015 – chiếc Cúp thứ 4 trong 10 năm. Gã khổng lồ xứ Catalan đã thống trị châu u nhờ vào một thế hệ cầu thủ thiên tài đào tạo từ học viện. Đó cũng là giai đoạn Barca có trong tay những cầu thủ giỏi nhất và có thể mua bất cứ ngôi sao nào khác trên thế giới. Nhưng cũng kể từ sau cột mốc 6/2015, Barca đã thua trong “cuộc chiến thiên tài” của chính mình.

BARTOMEU KHÔNG BIẾT GÌ VỀ BÓNG ĐÁ!

Quy trình mua cầu thủ của Barca thực sự là một mớ hỗn độn. Mỗi ứng viên chạy đua ghế chủ tịch nhắm một vài cầu thủ, hứa mua anh này anh kia nếu trúng cử và họ thường không trao đổi câu nào với HLV trưởng. Giám đốc thể thao của CLB bị gạt sang 1 bên, còn Messi cũng góp một tiếng nói nhất định.

Người chứng kiến tất cả, cũng là khởi nguồn và nguyên nhân của mớ hỗn độn tại Nou Camp trong giai đoạn 2014 đến 2020 chính là Josep Maria Bartomeu. Ông này vốn là chủ một công ty gia đình chuyên sản xuất cầu dẫn hành khách từ cửa máy bay về ga. Tháng 1/2014, ông từ ghế phó chủ tịch hạng xoàng bất ngờ được đôn lên chủ tịch sau khi Sandro Rosell từ chức. Bartomeu vốn chỉ ngồi tạm quyền chờ bầu cử chính thức, nhưng tháng 7/2015, một tháng sau chức vô địch Champions League ở Berlin, ông trúng luôn ghế chủ tịch.

Vấn đề ở chỗ, ông này rất giỏi sản xuất cầu dẫn sân bay nhưng lại biết rất ít về bóng đá và quản lý bóng đá. Giám đốc Thể thao của CLB là thủ môn huyền thoại Andoni Zubizarreta, người đã mua Neymar và Luis Suarez tạo nên bộ ba MSN khét tiếng. Nhưng được mấy bữa thì Bartomeu sa thải Zubi. Sau đó trong 6 năm, ngài chủ tịch “không biết gì về bóng đá” thay liền 5 giám đốc thể thao của CLB.

Barca bắt đầu thua trong “cuộc chiến thiên tài” khi mất Neymar, người hay nhất chỉ sau Messi. Năm 2017, Neymar gia nhập PSG với giá 222 triệu euro và Barca không bao giờ tìm được người thay thế xứng đáng.

Messi ra đi - Barca đánh mất một gia tài hay sụp đổ cả hệ thống?

Mọi đối thủ đều biết Bartomeu có cả mớ tiền trong túi và đang cần săn một ngôi sao thay thế Neymar. Năm 2017, môi giới người TBN Junior Minguella chào mời Barca tài năng trẻ 18 tuổi Kylian Mbappe nhưng chỉ nhận lại được 1 tin nhắn qua WhatsApp từ Javier Bordas (thành viên Ban Giám đốc): “Chủ tịch và HLV đều không ưng”.

Về sau, Bordas kể thêm, Barca còn từ chối một tài năng trẻ người Na Uy tên là Erling Haaland bởi vì “anh ta không hợp với mô hình của Barca”. Giờ đây thì chúng ta đều biết Mbappe và Haaland đang là những ngôi sao trẻ sáng giá nhất.

Thay vào đó, Barca săn ngôi sao trẻ của Dortmund: Ousmane Dembele. Ba tuần sau khi Neymar ra đi, Bartomeu và 1 quan chức của Barca bay qua Monte Carlo – một địa điểm yêu thích để đàm phán với đối tác Đức. Điều tra của New York Times hé lộ: bộ đôi của Barca sẵn sàng trả mức giá 80 triệu euro, cao hơn là về luôn.

Hai bên gặp nhau, ôm ấp thắm thiết. Nhưng khi vừa ngồi vào bàn đàm phán, phía Đức bất ngờ tuyên bố: họ không có thời gian ngồi chít chát mà phải bắt máy bay về luôn cho kịp chuyến, họ cũng không đàm phán hay thảo luận gì hết mà chốt luôn mong muốn gấp đôi mức giá Barca đề nghị. Bartomeu sốc và bị đánh gục. Chủ tịch của CLB giàu nhất thế giới đồng ý trả 105 triệu euro và 42 triệu tăng thêm tùy theo phong độ của Dembele. Toàn những con số trên trời!!

Không đến 6 tháng sau, Barca chi tiếp 160 triệu euro nữa cho tiền vệ Philippe Coutinho từ Liverpool. Số tiền từ vụ bán Neymar bị thổi bay, còn âm thêm gần 100 triệu nữa, và quan trọng là cả Dembele và Coutinho đều là những hợp đồng thất bại.

SỨC ÉP KHỔNG LỒ CỦA NOU CAMP

Có một nguyên nhân khác khiến các tân binh thất bại ở Nou Camp: khác biệt văn hóa và sức ép khổng lồ của kỳ vọng. Gary Lineker – người gia nhập Barca năm 1986 từ Everton – kể: “Từ lúc tôi hạ cánh xuống sân bay, hàng trăm tay săn ảnh và báo chí chờ đón. Tôi đến cùng Mark Hughes. Chúng tôi ký xong hợp đồng và được báo rằng sẽ ra sân khởi động chút để CLB giới thiệu với CĐV. Ờ thì chào hỏi nhau tí, tôi nghĩ chắc 30-40 người có mặt. Nhưng thực tế, hơn 60 ngàn CĐV đến sân chỉ để vỗ tay chào nhau và xem mấy động tác tâng bóng”.

Lineker cho rằng Mark Hughes là một trong những cầu thủ đã “chết dây thần kinh” ngay từ ngày đầu đến Nou Camp. Họ bị ngợp. Họ bị chết chìm trong sự kỳ vọng kinh khủng ở đây. Rất nhiều người ước mơ khoác áo Barca nhưng cũng nhiều cầu thủ giỏi không đủ tự tin để thi đấu cho Barca.

Năm 2019, khi Barca tiếp cận mục tiêu trẻ Frenkie de Jong, một fan Barca từ nhỏ, cậu bé này gần như tan chảy. Cậu sợ không đủ trình đá Barca. Với cậu, khoác áo Man City hay PSG có vẻ khả thi hơn. Chàng tiền vệ trẻ đã thức nhiều đêm để suy nghĩ và đối mặt với lựa chọn lớn nhất của sự nghiệp. Phải đến khi Bartomeu đến tận nhà cậu ở Amsterdam, De Jong mới liều mình dấn thân theo sự thúc ép của “người lớn”, thay vì dành cả thanh xuân để suy nghĩ xem có nên đến Barca hay không.

Bartomeu đã trả Ajax 75 triệu euro để có De Jong. Theo người đại diện Hasan Cetinkaya, số này gấp đôi mức mà Ajax kỳ vọng. Cetinkaya bình luận: “Những người quản lý của Barca cũng chịu những sức ép khổng lồ và đôi khi họ dùng tiền để đánh đổi lấy sự an tâm. Có lẽ GĐTT Pep Segura sẽ khóc òa nếu đọc được những dòng này”.

Dùng tiền để mua sự an tâm, nên Barca thường xuyên mua hớ. Trong khi hầu hết các đội mua theo kiểu “cầu thủ trẻ à, tiền vệ sáng tạo à, 30 triệu chốt luôn” thì Barca luôn phải nhận những đề nghị cao chót vót và đàm phát cò cưa cả năm trời. “Chính Barca cũng hiểu họ sẽ luôn phải trả mức giá cao nhất” – cựu chủ tịch Rosell thừa nhận.

Messi ra đi - Barca đánh mất một gia tài hay sụp đổ cả hệ thống?

VỠ QUỸ LƯƠNG TỪ LÂU RỒI!

Hè 2019, Neymar nhắn tin cho Messi nói rằng muốn rời PSG (mấy cầu thủ này vẫn chat qua lại với nhau ở một nhóm kín có tên MSN trên WhatsApp). Messi thấy đây là cơ hội để sửa sai năm 2017, anh liền gửi tin đó đến Bartomeu. Messi cũng hé lộ với báo chí để gây sức ép CLB mua lại Neymar.

Nhưng Barca nhìn vào lịch sử chấn thương, thói quen chơi bời ham vui và tuổi tác của Neymar (27) nên quyết định từ chối mức giá 200 triệu euro mà PSG đưa ra. Thực tế, lúc này Barca cũng đã cạn tiền sau mấy mùa giải mua bán thua lỗ và bởi quỹ lương của CLB phình rất to sau lần nâng lương cho cha con nhà Messi.

Từ 2017 đến 2021, Messi kiếm được 555 triệu euro, theo hợp đồng dài 30 trang bị rò rỉ và đăng công khai trên El Mundo. Cả Messi và Barca đều không phủ nhận thông tin này. Một quan chức Barca cũng xác nhận lương của Messi tăng gấp 3 lần kể từ 2014 đến 2020, nhưng ông cũng nói thêm: “Messi không phải là vấn đề. Vấn đề là đòi hỏi tăng lương lây lan từ Messi ra toàn đội”. Khi Messi được tăng lương, cả đội cũng đòi tăng theo. Đề rồi, quỹ lương của Barca giờ đây không thể cứu vãn. Barca không đủ khả năng mua cầu thủ mà Messi muốn.

Thậm chí hè 2019, họ còn phải công khai giả vờ cố gắng mua Neymar và rồi thông báo: “Chúng tôi đã cố mọi cách nhưng xin lỗi vẫn không có được chữ ký của Neymar”. Thay vào đó, Barca trả Atletico 120 triệu euro để sở hữu tiền vệ Antoine Griezmann – một kỷ lục đối với cầu thủ trên 25 tuổi. Thêm một lần nữa, hợp đồng này chỉ làm giàu cho đối thủ và làm kiệt quệ Barca. Đó là một thất bại kép – thất bại của Messi, thất bại của đội bóng và của cả Griezmann.

Mỗi một cầu thủ trước khi đến Barca đều là một ngôi sao. Nhưng tại đây, họ trở thành người mang nước cho Messi. Đó là một sự “hạ cấp” ghê gớm đối với một cầu thủ kỳ cựu như Griezmann, đặc biệt là khi lần đầu tiên trong sự nghiệp, tiền vệ này phải ngồi dự bị. Và tại Nou Camp, anh hiếm khi chơi với phong độ tốt nhất của mình.

Messi ra đi - Barca đánh mất một gia tài hay sụp đổ cả hệ thống?

MỖI NĂM TỆ THÊM MỘT CHÚT!

Tổng cộng, Barca đã chi ra hơn 1 tỷ euro cho chuyển nhượng kể từ 2014 đến 2019, nhiều hơn bất kỳ CLB nào trên thế giới. Nhưng chính trung vệ kỳ cựu Gerard Pique thừa nhận: “Mỗi năm, chúng tôi lại cảm thấy tệ thêm một chút”. Tháng 1/2020, khi Barca muốn tìm người thay thế Luis Suarez, CLB này thậm chí đã phải đi tìm mua tiền đạo giảm giá. GĐTT Eric Abidal liên hệ với đại diện của Cedric Bakambu, tiền đạo người Pháp gốc Congo đang thi đấu cho Bắc Kinh Quốc An tại giải Trung Quốc.

Bakambu nhận được điện thoại liền mua vé bay qua Hong Kong rồi transit qua Catalonia. Nhưng khi vừa đặt chân đến Hong Kong, khi sóng điện thoại vừa hiện lên thì anh nhận được tin nhắn của Abidal: Barca đã thay đổi kế hoạch. Họ mua tiền đạo Martin Braithwaite từ CLB hạng Nhất Middlesbrough.

Nhưng vụ chiêu mộ kỳ lạ nhất của kỷ nguyên Bartomeu là Matheus Fernandes. Tháng 1/2020, Barca kí với tiền vệ vô danh 21 tuổi từ Palmeiras, phí chuyển nhượng là 7 triệu kèm 3 triệu euro lót tay. Fernandes đến nay vẫn là một thương vụ không thể hiểu nổi. Anh chưa bao giờ ra mắt chính thức, anh được cho Valladolid mượn 1 mùa (đá 3 trận), khi trở lại Nou Camp mặc áo “Covid” - số áo 19 mà không ai muốn nhận. Mùa năm ngoái, Fernandes đá 17 phút cho đội một. Thật không thể hiểu nổi!

Hè 2020, tình trạng thâm hụt chuyển nhượng ám ảnh Bartomeu và Ban giám đốc đội bóng. Họ cần phải làm đẹp sổ sách kế toán trước khi năm tài chính kết thúc vào 1/7. Và thế là những thương vụ “ảo thuật” được thực hiện, cùng với đối tác là Juventus. Juve “bán” tiền vệ Miralem Pjanic cho Barca giá 60 triệu euro, trong khi Barca “bán” Arthur Melo cho Juve giá 72 triệu euro.

Thực tế, chẳng có giao dịch tiền nong nào được thực hiện, còn sổ sách của hai CLB đều “đẹp hơn” với con số nguồn thu tươi mới, còn các khoản thanh toán tưởng tượng được chia ra theo thời gian hợp đồng của cầu thủ. Chỉ có 12 triệu euro chênh lệch được Juve chuyển cho Barca, số tiền nhỏ xíu nhưng đẹp cả đôi bên.

Những thương vụ kiểu như vậy tốt cho bộ sậu của Bartomeu nhưng không hề tốt đẹp gì với Barca. Đội hình già nua gánh thêm tiền vệ Pjanic đã 30 tuổi, người hầu như chỉ ngồi ghế dự bị. Và khi Barca bị Bayern Munich tàn sát 8-2 ở Champions League tháng 8 năm ngoái, đội bóng này đã khủng hoảng nặng nề cả trên sân cỏ và mặt trận tài chính. Họ bắt buộc phải “xả” bớt những cầu thủ cao tuổi lương cao. Và Luis Suarez, 33 tuổi, nhận được cuộc điện thoại kéo dài 1 phút thông báo rằng anh không còn là cầu thủ của Barca nữa. Suarez gia nhập Atletico trong nước mắt, và thực tế Barca vẫn phải trả một phần lương cho anh.

Tất nhiên, Bartomeu cũng có chút ít công lao khi ký mua cầu thủ 17 tuổi Pedri từ Las Palmas mùa hè năm đó với giá chỉ 5 triệu euro. Tiền vệ này trở thành một hiện tượng, tỏa sáng ở Euro 2020 và hôm nay còn chơi trận chung kết ở Olympics với Brazil. Thế nhưng, thành công đó không đủ để gánh hết thất bại của Bartomeu.

SỤP ĐỔ HỆ THỐNG

Barca kết thúc mùa giải năm ngoái ở vị trí thứ 3 tại La Liga, vị trí thấp nhất của họ kể từ 2008. Atletico Madrid trái lại vô địch phần nhiều nhờ vào món quà Luis Suarez của người Catalan. Tiền đạo người Uruguay ghi 21 bàn và là chân sút mà Barca thiếu trong cả mùa giải.

Mùa giải sẽ khởi tranh sau đây 1 tuần có lẽ sẽ còn tệ hơn nữa với Barca. LaLiga chỉ cho phép họ chi tiêu 160-200 triệu euro, chỉ bằng 1/3 so với 3 mùa gần đây. Đó là lý do kể cả Messi có giảm 50% lương, Barca cũng không kham nổi ngôi sao lớn nhất của mình. Barca mùa trước còn mua cầu thủ giảm giá, hè này họ chỉ nhập về cầu thủ tự do với mức phí 0 đồng. Nhưng kể cả mua được, chưa chắc LaLiga đã cho phép họ đăng kí thi đấu nếu quỹ lương của CLB vẫn không đáp ứng được mức trần của BTC. Bán bớt cầu thủ là một giải pháp, nhưng bán ai, khi mà Dembele thì chấn thương còn Coutinho đang tập hồi phục?!

Chỉ trong 1 nhiệm kỳ của Josep Bartomeu, Barca đã từ đội bóng mạnh nhất, giàu có nhất trở thành một con nợ khổng lồ gánh trên vai một đội bóng đổ nát. Messi đã ra đi – Barca đã mất ngôi sao lớn nhất, nhưng tệ hơn là họ đã sụp đổ cả một hệ thống!

Theo Bongdaplus

Đọc thêm

“Cô gái vàng” của đua thuyền Hà Tĩnh

“Cô gái vàng” của đua thuyền Hà Tĩnh

7 năm gắn bó với đua thuyền, vận động viên Lê Thị Phương (SN 2003, xã Cẩm Vịnh, TP Hà Tĩnh) đã mang về gần 40 huy chương, trở thành trụ cột đội đua thuyền tỉnh nhà và đội tuyển quốc gia.
Ấn tượng giải chạy Hà Tĩnh Half Marathon 2024

Ấn tượng giải chạy Hà Tĩnh Half Marathon 2024

Với quy mô hơn 1.100 VĐV, Hà Tĩnh Half Marathon 2024 không chỉ là một sân chơi thể thao bổ ích, mà còn là một cơ hội quảng bá hình ảnh về con người, văn hóa, du lịch và phát triển kinh tế của TP Hà Tĩnh.
Mùa giải đáng quên của bóng chuyền Hà Tĩnh

Mùa giải đáng quên của bóng chuyền Hà Tĩnh

Kết thúc giải vô địch quốc gia năm 2024, dù rất nỗ lực nhưng việc gặp quá nhiều khó khăn đã khiến bóng chuyền Hà Tĩnh xếp ở vị trí thứ 8, qua đó xuống giải hạng A.
Vinamilk tài trợ “132 kg đạm*” cho 11.000 runner VnExpress Marathon Hà Nội

Vinamilk tài trợ “132 kg đạm*” cho 11.000 runner VnExpress Marathon Hà Nội

Mỗi hộp Sữa hạt Cao Đạm Vinamilk chứa 12g đạm chủ yếu từ đậu Hà Lan, tương đương lượng đạm trong khoảng 50g ức gà, cũng là sản phẩm có tỉ lệ đạm thực vật (không đậu nành) cao nhất trong ngành sữa thực vật tại Việt Nam, nay có mặt trong 11.000 bộ race-kit của các VĐV VnExpress Marathon Hà Nội.
Năm “bùng nổ” của điền kinh Hà Tĩnh

Năm “bùng nổ” của điền kinh Hà Tĩnh

Năm 2024, điền kinh Hà Tĩnh gặt hái được nhiều huy chương tại các giải đấu. Ngoài sự tỏa sáng của những trụ cột còn có nhiều vận động viên trẻ, hứa hẹn là lứa kế cận đầy triển vọng.