Với nhiều giải pháp đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, Nghi Xuân đã có sự bứt phá đáng tự hào về tốc độ phát triển KT-XH. Đây là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và Nhân dân hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, điển hình về văn hóa trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Từ một địa phương “chiếu dưới”, nhiệm kỳ qua, huyện cửa ngõ phía Bắc của tỉnh đã vươn lên dẫn đầu trên nhiều phương diện: thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách, cải cách thủ tục hành chính.
Đến nay, Nghi Xuân đã có 80 dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký lên đến 4.328 tỷ đồng; 32 dự án được UBND huyện phê duyệt chủ trương với tổng số vốn đăng ký 143 tỷ đồng. Nhờ vậy, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt 9.847 tỷ đồng, tăng 3.747 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng tham quan mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao tại HTX Nga Hải xã Xuân Mỹ.
Sự có mặt của các doanh nghiệp góp phần đẩy tốc độ giá trị sản xuất bình quân đạt trên 10%/năm; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực, trong đó công nghiệp, xây dựng chiếm 51%; TM-DV 33,77%; nông, lâm, thủy hải sản 15,23%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt trên 43 triệu đồng, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2015. Thu ngân sách năm 2015 từ 120 tỷ đồng nay đã lên mức 530 tỷ đồng.
Nghi Xuân cũng tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa được nhân rộng, liên kết trong sản xuất được hình thành. Toàn huyện hiện có 135 mô hình sản xuất hiệu quả, doanh thu từ 500 triệu đồng trở lên, trong đó, có 42 mô hình doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Tại các xã Xuân Hải, Xuân Viên, Xuân Mỹ xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao sản xuất trong nhà lưới. Nhiều sản phẩm chế biến đã trở thành sản phẩm OCOP như: nước mắm Lạch Kèn, cu đơ Quỳnh Hội…
Nông thôn mới Xuân Trường (Nghi Xuân). Ảnh: Đậu Hà
Đặc biệt, từ năm 2015-2020, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, linh hoạt và năng động trong việc chọn các giải pháp huy động nguồn nội, ngoại lực, toàn huyện đã huy động được 2.789,573 tỷ đồng làm mới 120 km đường trục xã, gần 200 km đường trục thôn; nâng cấp làm mới 186 km kênh mương thủy lợi…
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lê Thanh Bình cho biết: “Trong số nguồn vốn huy động được (2.798,573 tỷ đồng), người dân tham gia đóng góp 457,295 tỷ đồng, trong đó có 229,639 tỷ đồng tiền mặt, 1.116.770 ngày công trị giá 150,91 tỷ đồng; hiến 88.135 m2 đất trị giá 51,514 tỷ đồng, 32.282m tường rào và vật kiến trúc trên đất trị giá 25,232 tỷ đồng”.
“Chỉ tính riêng thôn Phong Giang - xã Tiên Điền (nay là thị trấn Tiên Điền) có 184 hộ dân đã tham gia hiến hơn 5.000 m2 đất nông nghiệp để mở đường, đóng góp hơn 2 tỷ đồng cùng hàng ngàn ngày công tham gia xây dựng NTM” - Trưởng thôn Phong Giang Trần Thị Lành phấn khởi chia sẻ.
Điều đáng tự hào là Nghi Xuân được lựa chọn (cùng với Đức Thọ) xây dựng huyện NTM vào năm 2020. Với hệ thống hạ tầng cơ sở (điện, đường, trường, trạm) đồng bộ, hệ thống Internet “phủ sóng” tận thôn xóm, đời sống văn hóa, vật chất của người dân không ngừng được nâng cao, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du đã trở thành điểm đến tham quan học hỏi kinh nghiệm của hơn 1.500 đoàn khách trong nước và quốc tế, là hình mẫu cho các địa phương khác noi theo.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao bằng công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2018 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua là sự nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH. Đặc biệt, với sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và quyết liệt trong hành động, Nghi Xuân đã trở thành huyện NTM đầu tiên của Hà Tĩnh vào năm 2018, về đích trước 2 năm so với kế hoạch.
Nghi Xuân bước vào nhiệm kỳ mới với nhiều triển vọng. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tổng thu ngân sách lên 700 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 18.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 1-1,5%; phấn đấu 100% xã đạt chuẩn văn hóa NTM; 700 vườn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Với những mục tiêu cốt lõi đó, nhiệm kỳ này, quê hương Đại thi hào Nguyễn Du phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với du lịch, dịch vụ.
Độc đáo Lễ hội đánh cá Đồng Hoa xã Xuân Viên (Nghi Xuân). Video: Huy Tùng
Dân ca ví, giặm trên sông Lam. Ảnh: Minh Chiến
Câu lạc bộ ca trù Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Huy Tùng
Diễn xướng trò kiều . Ảnh: Sỹ Ngọ
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Hiếu, không dễ để hoàn thành các mục tiêu lớn nói trên nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Nghi Xuân sẽ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Đảng bộ và Nhân dân toàn huyện tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đổi mới, sáng tạo, tập trung huy động nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng lợi thế để phát triển toàn diện, bền vững, có thu nhập ổn định.
Cầu Cửa Hội hoàn thành sẽ tạo nên lợi thế lớn để Nghi Xuân thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Ảnh: Đặng Thiện Chân
Theo đó, huyện tập trung chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo động lực trong phát triển KT-XH, gắn với xây dựng và chỉnh trang đô thị. Ngoài việc thu hút đầu tư phát triển khu vực hành lang ven biển nhằm phát triển du lịch, đô thị và bảo vệ rừng phòng hộ, Nghi Xuân còn khai thác các lợi thế về kết nối giao thông (cầu Cửa Hội, cảng Xuân Hải, cảng Xuân Hội), tuyến đường ven biển để xây dựng các vùng dịch vụ, thương mại.
Huyện đảm bảo điều kiện để lập đề án phân loại, trình Bộ Xây dựng công nhận đô thị Nghi Xuân đạt đô thị loại IV trước năm 2025. Ảnh: Huy Tùng
Đồng thời xây dựng hệ thống đô thị phát triển hợp lý và bền vững, gắn kết cộng đồng xã hội giữa đô thị và nông thôn; phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, giàu bản sắc, gắn liền với gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống cách mạng và bảo vệ môi trường tự nhiên. Huyện sẽ dồn sức, phấn đấu nâng tỷ lệ đô thị hóa toàn huyện đạt 40%, đảm bảo điều kiện để lập đề án phân loại, trình Bộ Xây dựng công nhận đô thị Nghi Xuân đạt đô thị loại IV trước năm 2025, làm tiền đề để trở thành thị xã thuộc tỉnh trong tương lai gần.
Ảnh: pv-ctv
thiết kế: huy tùng