Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm Ất Dậu(1765) tại kinh thành Thăng Long trong một gia đình dòng dõi Nho học. Thân sinh ông là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (1708-1775) làm quan đến Tham Tụng (Tể tướng) tước Xuân quận công triều Lê; mẹ là bà Trần Thị Tần quê ở Kinh Bắc nổi tiếng nết na, thông minh. Môi trường văn hoá của ba vùng đất văn vật cùng truyền thống của dòng họ, gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến tài năng của Nguyễn Du.
Năm Quý Mão (1783), Nguyễn Du thi hương đỗ Tam trường, được tập ấm chức Hoằng tín đại phu, Trung thành môn vệ uý, tước Du Nhạc bá rồi làm Chánh Thủ hiệu ở Thái Nguyên.
Khi quân Tây Sơn ra Bắc Hà, Nguyễn Du sống lưu lạc tại quê vợ ở Thái Bình. Mười năm ở quê vợ, theo cách gọi của ông là “Thập tải phong trần” cuộc sống gia đình rất cực khổ. Năm 1796, người vợ qua đời, Nguyến Du trở về quê và tất cả đã đổi khác. Ông toan trốn vào Gia Định giúp Nguyễn Ánh, bị Tây Sơn bắt giam nhưng nhờ quen biết nên được tha.
Năm 1802, sau khi đánh bại Tây Sơn, vua Gia Long lên ngôi, Nguyễn Du nằm trong danh sách cựu thần nhà Lê được triệu ra làm việc, và ông được bổ làm tri huyện Phù Dung, sau đó được thăng tri phủ Thường Tín. Năm 1804, ông đã cáo bệnh xin về, nhưng chỉ một tháng sau lại bị triệu về Kinh, sau đó được thăng hàm Đông các học sĩ, tước Du đức hầu.
Năm 1813, Nguyễn Du được thăng hàm Cần chánh đại học sĩ và được cử làm Chánh sứ tuế cống triều Thanh, sau khi đi sứ về được phong Hữu tham tri bộ Lễ. Năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi, Nguyễn Du lại được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh cầu phong nhưng chưa kịp lên đường thì ngã bệnh và mất vào tháng tám năm Canh Thìn (1820).
Con đường công danh của Nguyễn Du khá hanh thông nhưng ông không mấy chú trọng. Nổi ưu tư về nhân tình thế thái lúc bấy giờ được ông dồn hết vào văn chương. Trong các tác phẩm Nguyễn Du để lại, Truyện Kiều là tác phẩm tiêu biểu nhất đạt đến đỉnh cao tinh hoa văn hoá của nhân loại, vượt ra ngoài khuôn khổ của một không gian nhỏ bé để đển với công chúng trên toàn thế giới.