Những người thầy thầm lặng của thể thao Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Nhiều năm nay, thể thao thành tích cao của Hà Tĩnh đã gặt hái nhiều vinh quang ở đấu trường trong nước cũng như quốc tế. Phía sau ánh hào quang ấy chính là những cống hiến, hy sinh lặng thầm của người thầy…

Người đi bộ trên đường chạy

Những người thầy thầm lặng của thể thao Hà Tĩnh

Có nhiều lúc, HLV điền kinh Nguyễn Thuận tự cho phép mình rảnh rỗi bằng cách đi bộ đợi học trò trên đường chạy.

Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về huấn luyện viên (HLV) điền kinh Nguyễn Thuận khi quan sát công việc huấn luyện của anh tại sân vận động của Trung tâm TDTT Hà Tĩnh. Trước khi trở thành HLV, Nguyễn Thuận đã có gần 5 năm là vận động viên (VĐV) và từng “chinh chiến” ở nhiều giải đấu khác nhau.

Dáng người cao to, vậm vạp, gương mặt võ biền của anh khiến người ta nghĩ đến một đấu sỹ hơn là một VĐV điền kinh. Ấy thế mà anh đã gắn bó với đường chạy này hơn 20 năm. Giống rất nhiều VĐV khác, HLV Nguyễn Thuận khá kiệm lời. Chỉ khi tôi đùa rằng: “Làm HLV điền kinh thật nhàn nhã”, anh mới bắt đầu chia sẻ cởi mở hơn.

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh), Nguyễn Thuận trở lại Hà Tĩnh làm HLV điền kinh của Sở VH-TT&DL. Anh nói, so với việc luyện tập, thi đấu của VĐV thì công việc của một HLV vất vả gấp nhiều lần. Để có những phút đi bộ thong dong trên đường chạy như bây giờ, anh đã phải trải qua rất nhiều gian khổ.

Những người thầy thầm lặng của thể thao Hà Tĩnh

Để hiểu hơn học trò của mình, HLV Nguyễn Thuận thường chạy cùng học trò.

“Dù đã từng là VĐV, từng thấm thía nỗi vất vả trên đường chạy nhưng khi làm người thầy, muốn hiểu từng học trò, mình phải chạy cùng họ. Khi mình nghe rõ bước chạy, lắng nghe được nhịp thở của học trò thì mình mới có thể phát hiện ra tố chất của từng người để có những chiến lược trong huấn luyện” - HLV Nguyễn Thuận bộc bạch.

Có lẽ, chính vì thế mà trong suốt hơn 15 năm qua, HLV Nguyễn Thuận đã có một “gia tài” những tên tuổi VĐV sáng giá. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, thành tích điền kinh của thể thao Hà Tĩnh luôn luôn được giữ vững với rất nhiều huy chương tại các giải đấu trong nước và khu vực.

Trong số 32 VĐV điền kinh đang tập luyện tại Trung tâm TDTT Hà Tĩnh có 7 VĐV đã được gọi vào đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia. Nổi bật nhất là Nguyễn Trung Cường và Trần Đình Sơn. Cả 2 VĐV trẻ đã không phụ công phát hiện, đào tạo, truyền cảm hứng của thầy Nguyễn Thuận mà xuất sắc giành những tấm huy chương danh giá tại các giải đấu trong nước và quốc tế.

“Mỗi lần học trò đi thi đấu, tôi đều hồi hộp dõi theo và khi các em giành được những thành tích, dù cao dù thấp, tôi cũng đều lặng lẽ rơi nước mắt. Đó là giọt nước mắt tự hào, khâm phục và đầy yêu thương” - HLV Nguyễn Thuận chia sẻ.

Truyền lửa đam mê cho học trò

Karatedo được coi là “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam khi tham dự các kỳ SEA Games. Trong đó, nhiều năm liền, Hà Tĩnh đã đóng góp nhiều gương mặt sáng giá. Đó chính là kết quả của cả quá trình lặng lẽ chiêu mộ, truyền lửa đam mê và miệt mài huấn luyện của thầy Võ Mạnh Tuấn.

Những người thầy thầm lặng của thể thao Hà Tĩnh

HLV Karatedo Võ Mạnh Tuấn

Với vẻ ngoài trầm lặng, ít ai biết HLV Võ Mạnh Tuấn từng là võ sỹ Karatedo lừng danh của Việt Nam. Năm 2000, sau khi giành HCV giải trẻ quốc gia, anh được gọi vào đội tuyển quốc gia. Tại đây, Mạnh Tuấn nhanh chóng khẳng định tài năng và liên tục giành HCV cả 3 kỳ SEA Games (2003, 2005 và 2007).

Năm 2011, khi đang làm HLV đội tuyển Karatedo quốc gia, Võ Mạnh Tuấn đã nhận lời trở về quê hương làm HLV trưởng bộ môn Karatedo của Trung tâm TDTT Hà Tĩnh. Lùi lại sau ánh hào quang lấp lánh của những chiếc huy chương, Võ Mạnh Tuấn đã đem hết “vốn liếng” của mình để truyền đạt cho học trò.

Trong suốt cuộc trò chuyện, HLV Võ Mạnh Tuấn luôn luôn nhắc đến may mắn của mình khi hiện nay phong trào tập luyện Karatedo ở Hà Tĩnh phát triển khá mạnh mẽ. Đó là điều kiện thuận lợi trong việc tìm kiếm, phát hiện tài năng cho đội tuyển Karatedo Hà Tĩnh. Tuy nhiên, không phải nỗ lực nào cũng mang lại những mùa quả ngọt. Rất nhiều VĐV, sau khi được anh phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng một thời gian lại bỏ việc tập luyện để đi theo con đường khác.

Những người thầy thầm lặng của thể thao Hà Tĩnh

HLV karatedo Võ Mạnh Tuấn huấn luyện những động tác cơ bản cho học trò mới.

Có nhiều khó khăn trong hành trình làm một HLV, nhưng với Võ Mạnh Tuấn, “cửa ải” quan trọng nhất chính là phải truyền được ngọn lửa đam mê cho học trò. “Ngọn lửa” đó chính là sự níu giữ bền vững nhất. “Ngọn lửa” ấy cũng đã thắp lên những thành tích rực rỡ cho Karatedo Hà Tĩnh khi liên tục xuất hiện những gương mặt “vàng” như: Hồ Thị Thu Hiền, Hoàng Thị Mỹ Tâm, Kiều Thị Quỳnh Như… với rất nhiều thành tích cao tại các giải đấu khu vực châu Á.

VĐV Hoàng Thị Mỹ Tâm (HCV Karatedo Đông Nam Á 2019) chia sẻ, dù có gặp thêm bao nhiêu người thầy mới thì cô cũng không bao giờ quên những bài học đầu tiên với thầy Tuấn. Đó không chỉ là những thế võ mà còn là những bài học làm người quý giá. Vì vậy, trong từng tấm huy chương của mình, cô luôn muốn giành sự lấp lánh cho người thầy lặng lẽ của mình.

Tại Trung tâm TDTT Hà Tĩnh, có một HLV không phải là người Hà Tĩnh nhưng lại rất tâm huyết với thể thao Hà Tĩnh, nhất là môn bóng chuyền nam mà ông đang là người “dẫn dắt”. Ông là Võ Từ Liêm - nguyên HLV đội bóng chuyền Quân khu IV.

Những người thầy thầm lặng của thể thao Hà Tĩnh

HLV Võ Từ Liêm luôn chỉ đạo sâu sát việc tập luyện của học trò.

Nhận trọng trách làm HLV trưởng CLB Bóng chuyền nam Hà Tĩnh từ năm 2018 khi CLB vừa có những biến đổi lớn về nhân sự, HLV Võ Từ Liêm cảm nhận rõ những khó khăn của mình. Tuy nhiên, với niềm đam mê bóng chuyền và một tình yêu đặc biệt của người con Nghệ An dành cho Hà Tĩnh, ông vẫn quyết tâm ở lại.

Tiếp nhận CLB khi có đến 7 VĐV “trụ cột” bị khuyết là một bài toán khó với HLV Võ Từ Liêm. Làm thế nào để vừa huấn luyện, vừa tìm kiếm, đào tạo nên một thế hệ cầu thủ mới đáp ứng yêu cầu trụ hạng của CLB là vấn đề ông luôn trăn trở. Ông đã cùng các cộng sự của mình, đem hết kinh nghiệm để củng cố đội hình thi đấu. Mặt khác, miệt mài đến các địa phương để tìm kiếm và chiêu mộ học trò. Ngọn lửa đam mê, tâm huyết của ông với CLB cũng đã “lan tỏa” đến học trò của mình. Các cầu thủ vẫn giữ vững niềm đam mê, hăng say luyện tập để giành được những thành tích tốt trong các giải đấu đội mạnh toàn quốc.

Những người thầy thầm lặng của thể thao Hà Tĩnh

HLV bóng chuyền Võ Từ Liêm hướng dẫn các động tác cho học trò mới.

Đến nay, CLB đã tương đối ổn định về lực lượng. Không chỉ có thế, 2 học trò xuất sắc của HLV Võ Từ Liêm là chủ công Trần Đức Hạnh và Libero Cao Đức Hoàng còn được gọi vào đội tuyển Bóng chuyền nam quốc gia thi đấu tại SEA Games 30.

“CLB Bóng chuyền Hà Tĩnh do các VĐV người Hà Tĩnh thi đấu và giành được những thành tích cao đã đáp ứng niềm mong mỏi của công chúng. Đó là thành công ngoài mong đợi của tôi” - HLV Võ Từ Liêm khiêm tốn chia sẻ.

Đằng sau những tấm huy chương danh giá luôn là sự hy sinh thầm lặng của những người thầy. Thật khó để có thể nói hết được công sức, trí tuệ, tâm huyết của họ đối với thể thao Hà Tĩnh. Chỉ mong, “ngọn lửa” đam mê mà họ đã dày công thắp sáng sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, để thể thao Hà Tĩnh luôn có những nhân tài, đóng góp vào thành tích chung của thể thao Việt Nam.

Chủ đề Thể thao Hà Tĩnh

Đọc thêm

Mùa giải đáng quên của bóng chuyền Hà Tĩnh

Mùa giải đáng quên của bóng chuyền Hà Tĩnh

Kết thúc giải vô địch quốc gia năm 2024, dù rất nỗ lực nhưng việc gặp quá nhiều khó khăn đã khiến bóng chuyền Hà Tĩnh xếp ở vị trí thứ 8, qua đó xuống giải hạng A.
Năm “bùng nổ” của điền kinh Hà Tĩnh

Năm “bùng nổ” của điền kinh Hà Tĩnh

Năm 2024, điền kinh Hà Tĩnh gặt hái được nhiều huy chương tại các giải đấu. Ngoài sự tỏa sáng của những trụ cột còn có nhiều vận động viên trẻ, hứa hẹn là lứa kế cận đầy triển vọng.
Huyền thoại Nadal

Huyền thoại Nadal

Ai có thể quên hình ảnh một chàng trai trẻ, với mái tóc xù và chiếc áo không tay, tung hoành trên các sân đất nện, khuấy đảo làng quần vợt thế giới? Đó là Rafael Nadal.