Tia hi vọng cuối cùng
Bất chấp lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày trên toàn lãnh thổ Syria mới được ban bố, khu vực Đông Ghouta vẫn đang chứng kiến các cuộc giao tranh ác liệt "chưa từng có" trong vòng 7 năm qua.
"Địa ngục trần gian" là cụm từ Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres dùng để miêu tả về thực trạng tại Đông Ghouta, Syria.
Tại phiên họp của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, ông Guterres hôm qua đã kêu gọi các bên giao tranh ở Syria nghiêm túc thực hiện lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày trên phạm vi toàn quốc.
Đặc nhiệm Mỹ chiến đấu tại Syria |
"Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an chỉ có ý nghĩa nếu chúng được thực hiện một cách có hiệu quả. Đó là lý do tại sao tôi mong muốn Nghị quyết được thực hiện ngay lập tức và phải được duy trì đều đặn.
Mục đích là để đảm bảo việc cung cấp các khoản viện trợ và trợ giúp nhân đạo, nhằm giảm bớt đau khổ cho người dân Syria. Đông Ghouta không thể chờ đợi thêm nữa, đã đến lúc chấm dứt thực trạng tại địa ngục trần gian này", Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói.
Trong bối cảnh đó, một lệnh ngừng bắn kéo dài 5 giờ đồng hồ mỗi ngày từ phía Nga được cho là "tia sáng hi vọng" duy nhất đối với những người dân đang mắc kẹt tại khu vực này.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, các tay súng khủng bố, thậm chí cả lực lượng nổi dậy có thể sẽ lợi dụng hành lang nhân đạo này để trốn thoát khỏi Đông Ghouta.
Điều Mỹ lo sợ
Đại diện của Syria tại Liên hợp quốc, ông Hussam Edin Aala ngày 26/2 tuyên bố, quân đội nước này vẫn sẽ tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố trên lãnh thổ của mình, bao gồm cả Đông Ghouta.
Tuyên bố của Damacus không hề vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, bởi trong Nghị quyết này không bao gồm các tổ chức khủng bố như IS và mặt trận Al-Nusra.
Đây chính là điều mà liên minh do Mỹ cầm đầu lo lắng hơn bao giờ hết. Tình thế hiện tại ở Đông Ghouta có lẽ cũng tương tự như tại Aleppo gần 2 năm về trước.
Mỹ đã tốn không ít công sức để nuôi dưỡng, huấn luyện và bảo vệ cái gọi là "đối lập ôn hòa".
Không những thế giới truyền thông Syria cho rằng, có hơn 2000 lính đánh thuê của Phương Tây đang kề vai sát cánh cùng lực lượng phiến quân.
Nếu thông tin trên được xác thực thì Đông Ghouta chính là cứ điểm mà Mỹ và Phương Tây gửi trọn niềm tin ở Syria sau người Kurd. Số lượng lính đánh thuê còn lớn hơn ở Aleppo nhiều lần.
Hiện tại, chính phủ Syria đang huy động những đơn vị tinh nhuệ nhất, những vũ khí mạnh nhất đến Đông Ghouta để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược. Cùng với sự hỗ trợ hỏa lực từ lực lượng không quân Nga, Đông Ghouta đang thực sự trở thành "địa ngục trần gian" giống như Tổng thư ký Liên hợp quốc miêu tả.
Lối thoát cuối cùng
Mỹ và Phương Tây không cam chịu mất cứ điểm chiến lược, cũng như mất đi hàng nghìn lính đánh thuê được huấn luyện bài bản, thậm chí là bị lật tẩy tại Đông Ghouta.
Có 2 lối thoát cho Mỹ. Thứ nhất là sử dụng quân bài vũ khí hóa học để mở cuộc tấn công Tomahawk, thứ hai là nương nhờ vào Nga.
Phương án thứ nhất đã không còn khả quan khi mà Ngoại trưởng Nga ngày 27/2 tuyên bố rằng: "Nếu các bên tiếp tục đưa thông tin sai lệch về việc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học thì thỏa thuận ngừng bắn sẽ bị phá hoại".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov |
Đây là điều mà Mỹ và phương Tây lo sợ. Không có lệnh ngừng bắn đồng nghĩa với việc, tia hi vọng cuối cùng trốn thoát khỏi Đông Ghouta bị dập tắt.
Phương án thứ hai là nhờ vào Nga để duy trì lệnh ngừng bắn, thông qua đó lợi dụng hành lang nhân đạo này để trốn thoát khỏi Đông Ghouta.
Phương án này được giới phân tích đánh giá cao.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là phỏng đoán. Moscow có chấp nhận lời đề nghị từ Mỹ hay không là một câu chuyện khác.
Có thể liên minh sẽ rút khỏi Đông Ghouta một cách êm thấm hoặc kịch bản Aleppo sẽ tái diễn.
Thế nhưng, khác với Aleppo, nếu như lực lượng chính phủ tiến vào Đông Ghouta, số lượng cố vấn phương Tây sẽ không dừng ở con số vài chục người mà có thể lên đến hàng ngàn người.