“Nóng” cuộc đua vũ khí siêu thanh giữa các cường quốc: Ai đang dẫn đầu?

Trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới đang diễn biến phức tạp, các cường quốc lớn gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và một số cường quốc tầm trung như Ấn Độ đang nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh.

Cuộc đua ngày càng trở nên nóng hơn với các đợt nghiên cứu, thử nghiệm và đánh giá hiệu quả thực tế, cùng việc chế tạo những hệ thống chống vũ khí siêu thanh.

“Nóng” cuộc đua vũ khí siêu thanh giữa các cường quốc: Ai đang dẫn đầu?

Ảnh minh họa: Sputnik.

Vũ khí siêu thanh và hệ thống đánh chặn

Nga cho rằng họ đã đạt được lợi thế với tổ hợp phòng không chống tên lửa đạn đạo S-500 “Prometheus”. Nga khẳng định S-500 có khả năng tiêu diệt tên lửa hành trình siêu thanh với tốc độ cao hơn Mach 5 dù hệ thống này vẫn chưa được thử nghiệm tấn công mục tiêu siêu thanh hoặc được triển khai tại bất cứ nơi đâu. Vũ khí siêu thanh được xác định là vũ khí đạt tốc độ từ Mach 5 trở lên.

Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước châu Âu lại đi theo con đường khác, đó là xây dựng một số hệ thống phòng thủ trong không gian. Về mặt lý thuyết, các hệ thống này sẽ giúp phát hiện sớm và đánh chặn vũ khí siêu thanh hiệu quả. Hệ thống phòng thủ trong không gian nhận diện tên lửa siêu thanh, chủ yếu dựa vào bức xạ hồng ngoại (IR) của tên lửa khi nó rời bệ phóng.

Mỹ vẫn chưa xác định rõ cách thức phản ứng trước một vụ phóng vũ khí siêu thanh, một phần bởi các phương tiện đánh chặn hiện có của nước này chưa đủ khả năng. Một số nhân vật trong Lầu Năm Góc đang tính đến việc phát triển thiết bị đánh chặn trong không gian. Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống phòng thủ laser trên máy bay không người lái hoạt động ở độ cao hơn 18.200m so với mặt đất cũng đang được xem xét.

Tại châu Âu, có một cách tiếp cận khác, đó là kết hợp giữa phát triển hệ thống nhận diện vũ khí siêu thanh trong không gian và hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến trên mặt đất. Dự án này được gọi là TWISTER - Cảnh báo giám sát và đánh chặn kịp thời mối đe dọa trên không, do tập đoàn MBDA làm nhà thầu chính. Trong khuôn khổ dự án, một hệ thống đánh chặn bên trong bầu khí quyển, do MBDA dẫn đầu sẽ được phát triển.

MBDA cho biết: “Hệ thống đánh chặn mới này sẽ giúp chống lại một loạt mối đe dọa, bao gồm tên lửa đạn đạo cơ động tầm trung, tên lửa hành trình siêu thanh, tàu lượn siêu thanh, tên lửa chống hạm và các mục tiêu thông thường khác như máy bay chiến đấu thế hệ mới. Hệ thống sẽ tương thích với các hệ thống trên biển và trên đất liền hiện có, cũng như các hệ thống khác trong tương lai”.

Các hệ thống đánh chặn của Mỹ và châu Âu đều đang trong giai đoạn thai nghén và thời gian biểu phát triển chính xác vẫn chưa được công bố. Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden chuẩn bị lên nắm quyền và lực lượng không gian Mỹ vừa mới được thành lập, vẫn chưa rõ khi nào hệ thống phòng thủ trong không gian mới được xây dựng.

Liên minh các nhà khoa học (UCS) cho rằng: “Việc phát triển phòng thủ tên lửa trong không gian có thể là biện pháp phòng thủ kém hiệu quả nhất nhưng lại tạo ra sự khiêu khích nguy hiểm nhất”. Mặc dù chính quyền ông Trump sẽ không bị thuyết phục bởi lập luận này, nhưng chính quyền mới của ông Biden có thể cân nhắc.

Không bên nào chịu lép vế

Có hai loại vũ khí siêu thanh cơ bản. Một là tên lửa hành trình siêu thanh, có thể phóng từ đất liền, tàu hoặc máy bay. Hai là thiết bị lượn siêu thanh.

Tên lửa siêu thanh Zircon 3M22 của Nga có thể được phóng từ biển, trên không, thậm chí từ tàu ngầm. Loại vũ khí này có tầm bắn ngắn, chủ yếu được thiết kế để chống hạm. Theo như tuyên bố, Zircon có thể đạt tốc độ Mach 8 hoặc Mach 9. Công nghệ cốt lõi của tên lửa Zircon là động cơ scramjet. Động cơ scramjet làm cho luồng không khí siêu âm được nén trong ống nạp với tốc độ siêu âm, sau đó trộn với nhiên liệu trong buồng đốt để đốt cháy và đẩy ra với một lực vô cùng mạnh. Zircon vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Đợt thử nghiệm gần đây nhất diễn ra trên biển vào tháng 10/2020.

Trung Quốc cũng thông báo nước này có một tên lửa hành trình siêu thanh mới có thể được phóng bằng máy bay ném bom chiến lược H-6N. Còn Ấn Độ đang phát triển phiên bản mới của tên lửa hành trình BrahMos, có thể đạt đến tốc độ Mach 7 hoặc Mach 8. Dự án có tên gọi BrahMos-II, do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) phối hợp với Tập đoàn công nghiệp quân sự NPO Mashinostroyenia (NPOM) của Nga thực hiện.

Tháng 4/2020, không quân Mỹ bắt đầu yêu cầu ngành công nghiệp quốc phòng của nước này cung cấp thông tin về việc phát triển tên lửa hành trình siêu thanh. Đến tháng 8/2020, Lầu Năm Góc ký hợp đồng thứ hai trị giá hàng triệu USD với tập đoàn Lockheed Martin để phát triển vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không AGM-183A, hay còn gọi là ARRW hoặc tên lửa siêu thanh. Tên lửa này có thể được lắp đặt trên máy bay ném bom chiến lược của Mỹ và đối tượng được lựa chọn nhiều khả năng là máy bay ném bom B-52. Một khi được phát triển, vũ khí dự kiến đạt tốc độ Mach 20 với tầm hoạt động hơn 1.600 km.

Tàu lượn siêu thanh Avanguard của Nga (với tốc độ lớn hơn Mach 20) và tàu lượn không người lái DF-ZF của Trung Quốc là những ví dụ điển hình về phương tiện lượn được phóng từ tên lửa và hồi quyển với tốc độ cao.

Cả phương tiện lượn của Nga và Trung Quốc đều được trang bị đầu đạn hạt nhân. Nga tuyên bố họ đã triển khai Avanguard từ tháng 11/2019 như một phần của kế hoạch tăng cường các lực lượng hạt nhân chiến lược.

Cho đến thời điểm hiện tại, không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể đối phó với phương tiện lượn siêu thanh tốc độ cao. Và chắc chắn không vũ khí nào có thể phản ứng đủ nhanh trước đường bay khó dự đoán của các phương tiện này.

Một trong những lý do khiến Hải quân Mỹ nâng cấp radar SPY trên các tàu khu trục lớp Flight IIA Arleigh Burke, là để cải tiến hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo AEGIS, khiến hệ thống này dễ phát hiện và tiêu diệt tên lửa hành trình siêu thanh. Arleigh Burke là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường (DDG) đầu tiên của Mỹ được chế tạo trên nền tảng hệ thống chiến đấu AEGIS.

Mỹ dự kiến chi 3,2 tỷ USD trong năm tài chính 2021 cho hệ thống siêu thanh, trong số này, 206,8 triệu USD sẽ được dành để phát triển hệ thống phòng thủ siêu thanh.

Theo VOV

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.