Liên kết sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh (bài 1): “Ăn xổi ở thì”!

(Baohatinh.vn) - Thay vì tạo dựng chuỗi sản xuất bền vững theo mô hình liên kết đúng nghĩa, nhiều nông dân Hà Tĩnh lại có suy nghĩ “thích thì làm”, trong khi không ít doanh nghiệp lại bội tín...

Doanh nghiệp bội tín

“Làm kinh tế thiếu tỉnh táo, nhiều HTX của Hà Tĩnh đã rơi vào "bẫy" của doanh nghiệp. 1,4 tỷ đồng của HTX Chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Toàn Thắng (phường Kỳ Phương – TX Kỳ Anh); trên 1 tỷ đồng của HTX Hoa Sơn (Phú Gia - Hương Khê) và 1,5 tỷ đồng của cá nhân Giám đốc HTX Điện Sơn Tây (Hương Sơn) – Lê Hồng Nam cùng 2 người khác đã “trôi theo bọt biển” khi liên kết trồng gừng với Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phú Việt Nam, chi nhánh Tây Ninh (văn phòng đóng tại số 160, tổ 4, ấp Long Điền, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương” - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh Ngô Xuân Hồng cho biết.

Liên kết sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh (bài 1): “Ăn xổi ở thì”!

"Vỡ" liên kết gừng, HTX Chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Toàn Thắng (phường Kỳ Phương - TX Kỳ Anh) mất trắng 1,4 tỷ đồng. Ảnh tư liệu

Ông Đoàn Văn Tạnh - Giám đốc HTX Chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Toàn Thắng nhớ lại: “Cuối năm 2017, 50.000 bịch gừng thối mục ngoài đồng vì doanh nghiệp “cao chạy xa bay”. Chúng tôi đã thanh toán cho doanh nghiệp gần 600 triệu đồng tiền giống, phân bón, bao nilon, thuốc bảo vệ thực vật. Hậu quả là HTX đang loay hoay trong cảnh nợ nần, chỉ "xoay" lãi ngân hàng cũng “toát mồ hôi”.

“Hợp đồng ký kết nêu rõ: “Đến kỳ thu hoạch, nếu không thu mua lại sản phẩm cho HTX, công ty phải đền 100% chi phí đã đầu tư và chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Hiện chúng tôi đã làm việc với Công an tỉnh Hà Tĩnh và mong vụ việc sớm được xử lý. Nếu như tổn thất này không được đền bù e còn lâu HTX mới vực dậy được. Không chỉ chúng tôi mà toàn tỉnh Hà Tĩnh có tới 23 tổ chức, cá nhân khác cũng bị doanh nghiệp này “lừa” với số tiền trên 10 tỷ đồng” – ông Tạnh xót xa.

Người sản xuất “làm liều”

Tâm lý “thích thì làm”, “làm thử cho biết” đã khiến HTX Hoàng Nguyên và một số hộ dân ở xã Phúc Đồng (Hương Khê) mất trắng hàng trăm triệu đồng khi liên kết sản xuất cà gai leo vào giữa năm 2017. Mô hình nhanh chóng được triển khai dù cà gai leo là cây trồng mới, người dân còn bỡ ngỡ về kỹ thuật chăm sóc và chưa biết có phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương hay không?

Liên kết sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh (bài 1): “Ăn xổi ở thì”!

3 ha cà gai leo của anh Phan Văn Xuân (Phúc Đồng - Hương Khê) đã thành bãi đất hoang, cỏ dại xâm chiếm. Ảnh tư liệu

Anh Phan Văn Xuân (xã Phúc Đồng, Hương Khê) cho biết: “Nghe doanh nghiệp hướng dẫn, chúng tôi nghĩ đơn giản, ai dè bắt tay sản xuất thì “đụng đâu mắc đấy”. 3 ha cà gai leo với chi phí đầu tư khoảng 200 triệu đồng cứ chết héo, chết mòn và dần nhường chỗ cho cỏ dại”.

Tương tự, mô hình liên kết ớt cay ở xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) cũng "bể" do người dân “làm tùy hứng”. Bỏ qua quy hoạch trồng khoai lang của xã, thôn Ngụ Quế và Ngụ Phúc vội vàng bắt tay với Công ty TNHH Anh Thôi (xã Xuân Quang, Thọ Xuân, Thanh Hóa) trồng ớt liên kết chỉ qua lời giới thiệu.

Tuy nhiên, đây chỉ là liên kết nửa vời bởi đến khi thu hoạch, hợp đồng vẫn chưa được ký kết. Dư luận lùm xùm, doanh nghiệp đổ lỗi cho người dân trong khi người dân lại bức xúc nói doanh nghiệp “nuốt lời”?! Hậu quả, nông dân để ớt chín thối ngoài đồng và chính quyền địa phương phải loay hoay tìm cách “giải cứu ớt”.

Liên kết sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh (bài 1): “Ăn xổi ở thì”!

Mô hình liên kết ớt ở Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) thất bại cũng bởi tâm lý "thích thì làm" của các hộ dân.

Về vấn đề này, ông Lê Ngọc Hà – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Ớt cay ở xã Cẩm Vịnh là mô hình tự phát, không nằm trong đề án sản xuất và chủ trương của huyện. Thực tế chúng tôi được biết thì mô hình vỡ liên kết không phải do doanh nghiệp mà do người dân không thực hiện nội dung hợp đồng. Cụ thể, theo hợp đồng giao ước, doanh nghiệp thu mua 5.000 đồng/kg nhưng tại thời điểm thu hoạch, giá thị trường cao hơn nên người dân đã bán ra ngoài thay vì bán cho doanh nghiệp”.

Qua tìm hiểu các mô hình liên kết ở Hà Tĩnh cho thấy, khi triển khai, nhiều người sản xuất hoặc tổ chức đại diện cho người sản xuất (tổ hợp tác, HTX) không thông qua chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Ngô Xuân Hồng – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh ái ngại: “Liên minh HTX tỉnh có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các HTX, song khi bắt tay với doanh nghiệp, không HTX nào báo cáo để Liên minh định hướng, tư vấn”.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast