Palestine có dám không công nhận Israel?

Sau cuộc họp dài 3 giờ, Ban chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) quyết định thành lập một ủy ban cấp cao nhằm nghiên cứu cắt đứt quan hệ với Israel.

palestine co dam khong cong nhan israel

Bé gái Palestine "phạt thẻ đỏ" với binh sĩ Israel canh gác ở điểm gần biên giới - Ảnh: AFP

Các nghị quyết của Hội đồng trung ương Palestine (PCC), hay còn gọi là Hội đồng Trung ương PLO, sau cuộc họp ngày 3-2 bao gồm đình chỉ mọi công nhận đối với Israel hồi năm 1988 cho đến khi Israel công nhận nhà nước Palestine có đường biên giới riêng như hồi năm 1967 và Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine.

Thông báo từ cuộc họp không nói rõ khi nào sẽ tiến hành nhưng nếu nó được áp dụng thì sẽ làm thay đổi hoàn toàn cục diện đàm phán hiện nay bởi khiến các kết quả đàm phán hướng đến hòa bình đã có sẽ quay trở về ô số 0.

Cậy nhờ Liên Hiệp Quốc

Hội đồng PCC đã chỉ thị cho chính quyền Palestine bắt đầu đưa ra các kế hoạch chiến lược nhằm cắt đứt quan hệ với Israel ở mọi cấp và quyết định trình vấn đề này lên Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ giải quyết.

Theo đó, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas sẽ trình bày tại Đại hội đồng LHQ trong tháng này và đưa ra yêu cầu công nhận Palestine là một quốc gia thành viên đầy đủ.

Ban chấp hành PLO cũng chỉ trích cái mà cơ quan này cho là "hành động đe dọa" và "âm mưu bóp méo sự việc nhằm chống lại ban lãnh đạo Palestine" của Mỹ. PLO kêu gọi Mỹ ngừng những "tuyên bố thù địch" chống lại người Palestine và ngừng "sử dụng các chính sách đe dọa" để đối phó với Palestine.

Vấn đề Jerusalem trở nên nóng hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương công nhận tuyên bố của Israel đối với Jerusalem vào ngày ngày 6-12-2017 vừa qua.

Trước phản ứng của nhiều quốc gia khác, Mỹ sử dụng biện pháp cây gậy đe dọa gồm cắt giảm viện trợ cho Palestine và dọa cắt viện trợ những quốc gia nào không ủng hộ Mỹ.

Thực tế là hôm 1-2, ông Ahmad Hanoun - Chuyên gia về các vấn đề người tị nạn, đã lên tiếng cảnh báo quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt giảm viện trợ cho Cơ quan Cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA) sẽ khiến tổ chức này tê liệt hoạt động và đối mặt với nguy cơ sụp đổ.

Động thái cắt giảm viện trợ cho thấy Mỹ đã nhất trí với yêu cầu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc xóa sổ UNRWA"

Ông Ahmad Hanoun - Chuyên gia về các vấn đề người tị nạn

Trước đó, Washington đã từ chối giải ngân 65 triệu USD trong gói viện trợ 125 triệu USD dành cho UNRWA và cũng không cấp 45 triệu USD viện trợ lương thực đã cam kết hồi tháng trước cho cơ quan này. Chuyên gia này cáo buộc Mỹ đang muốn xóa sổ UNRWA với công cụ là chặn nguồn lực tài chính.

Trong cuộc chiến năm 1967, Israel đã chiếm đóng khu vực Đông Jerusalem, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố "toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel".

Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem, trong khi người Palestine xác định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.

palestine co dam khong cong nhan israel

Tranh minh họa cho cuộc chiến đòi lãnh thổ của Palestine

Tổng thống Thổ gặp Giáo hoàng bàn chuyện Jerusalem

Chiều 4-2 (giờ địa phương), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đến Ý, bắt đầu chuyến thăm chính thức Vatican và Ý trong hai ngày.

Tổng thống Erdogan sẽ có cuộc gặp với Giáo hoàng Francis cũng như Thủ tướng Tòa thánh Pietro Parolin. Hai bên thảo luận về mối quan hệ song phương, những diễn biến mới nhất về Jerusalem, các vấn đề khu vực, thảm kịch nhân đạo ở Syria cũng như cuộc chiến chống khủng bố, tình trạng bài ngoại và bài đạo Hồi.

Cũng như nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Giáo hoàng Francis là một trong những nhà lãnh đạo quốc tế hàng đầu có quan điểm chỉ trích quyết định của Mỹ hồi tháng 12-2017 công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Chuyến thăm này của ông Erdogan là chuyến công du đầu tiên của một Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đến Vatican trong 59 năm qua.

Jordan nhìn nhận "không thể thiếu Mỹ"

Thái độ cứng rắn của chính quyền Trump trong việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã khiến không ít quốc gia lo lắng bởi vai trò của Mỹ ở khu vực là không thể phủ nhận.

Trong phát biểu ngày 4-2 trên chương trình "Fareed Zakaria GPS" của đài CNN Quốc vương Abdullah II của Jordan nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn đóng một vai trò không thể thiếu trong bất kỳ hy vọng nào về một giải pháp hòa bình giữa Israel và Palestine.

Quốc vương của Jordan cho rằng không thể có một tiến trình hòa bình hay một giải pháp hòa bình mà không có vai trò của Mỹ, kể cả sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem từ Tel Aviv - nơi đặt đại sứ quán của gần như tất cả các quốc gia có cơ quan đại diện ngoại giao tại Israel.

Dù thừa nhận quyết định của Tổng thống Mỹ đã "gây phản ứng mạnh", khiến người Palestine cảm thấy Washington "không còn là một nhà trung gian công bằng" trong tiến trình hòa bình Trung Đông, nhưng Quốc vương Abdullah II cho rằng vẫn cần phải đợi phía Mỹ đưa ra kế hoạch hòa bình và ông sẽ vẫn bảo lưu những đánh giá của mình.

Các cuộc đối đầu trở nên mạnh mẽ trở lại giữa người dân Palestine và binh sĩ Israel - Ảnh: AFP

Trước đó, vào ngày 21-1, tại buổi tiếp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ở thủ đô Amman, Quốc vương Abdullah II đã bày tỏ quan ngại về quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời khẳng định "Đông Jerusalem phải là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai".

Hồi tháng 12-2017, sau khi Tổng thống Donald Trump ký quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem, Jordan cho rằng điều đó "vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ". Quốc vương Abdullah II cũng nhắc lại những quan ngại của ông về vấn đề nêu trên với Phó Tổng thống Mỹ.

Có thể thấy cho đến nay, Jordan vẫn được xem là quốc gia chống lưng nhiều nhất và gần gũi nhất cho chính quyền Palestine. Quyết định "chờ Mỹ" của Jordan đủ để thấy rằng các nước vẫn muốn xem sau quyết định công nhận Jerusalem thuộc về Israel thì chính quyền của ông Trump sẽ đưa ra giải pháp nào có tính đột phá và khả thi cho hòa bình ở khu vực này.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.