Phó Thủ tướng yêu cầu điều tra nguyên nhân các vụ tàu hỏa đâm ô tô

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Công an tỉnh Nam Định, Hưng Yên điều tra, làm rõ nguyên nhân tai nạn.

Tối 4/2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình có công điện khẩn gửi Bộ GTVT, Bộ Công an; Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua khẩn trương triển khai các giải pháp cấp bách kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) tại đường ngang qua đường sắt.

Hiện trường vụ tàu hỏa va ô tô 16 chỗ chở 14 người lúc 15h30 chiều 4/2, tại xã Liên Minh (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Vụ tai nạn khiến tài xế xe khách tử nạn tại chỗ, 5 người phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Nam Định. Ảnh: CTV

Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, năm 2016 và thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia liên tục chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự ATGT tại các đường ngang, lối đi dân sinh qua đường sắt, đặc biệt là Thông báo số 168 về Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia và Công điện số 02 của Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia về tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT trong dịp Lễ hội Xuân và Quý I năm 2017. Tuy nhiên, trong dịp nghỉ Tết Nguyên Đán Đinh Dậu đã xảy ra 8 vụ TNGT đường sắt, làm chết 6 người, làm bị thương 11 người, tăng 60% về số vụ, 100% về số người chết, 175% số người bị thương so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Bính Thân.

Trong ngày 4/2, liên tiếp xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt, cụ thể: hồi 15h30, tại đường ngang dân sinh (phòng vệ bằng biển báo) tại Km 98 + 812 trên Đường sắt Bắc - Nam thuộc địa bàn huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, tàu TN1 va vào 1 ô tô 16 chỗ ngồi, hậu quả 1 người chết tại chỗ (lái xe), 5 người bị thương. Tiếp đó, hồi 16h05 tại đường ngang Km 21+500 trên Đường sắt Hà Nội – Hải Phòng thuộc địa bàn Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên tàu LP5 va vào xe ô tô 4 chỗ ngồi vượt đường ngang dân sinh, hậu quả làm 1 người bị thương nặng, 2 người bị thương.

Nguyên nhân của các vụ tai nạn này có nguồn gốc trực tiếp từ hành vi vi phạm quy định pháp luật của những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông qua đường ngang, lối đi dân sinh. Tuy nhiên, cũng cần xác định trách nhiệm của UBND một số tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp bảo đảm ATGT tại các đường ngang cũng như trong việc xác định và xử lý trách nhiệm của địa phương, đơn vị có liên quan.

Hiện trường vụ tàu hỏa đâm vào ô tô 5 chỗ lúc 5h30 sáng ngày 24/10/2016 trên địa bàn thôn Văn Giáp, xã Văn Bình huyện Thường Tín, thành phố Hà khiến ít nhất 4 người tử vong tại chỗ, 3 người bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế nêu trên và nâng cao hiệu quả những giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kéo giảm TNGT tại các đường ngang qua đường sắt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, tỉnh Nam Định, Hưng Yên, điều tra, làm rõ nguyên nhân và các tổ chức, cá nhân gây ra vụ tai nạn; Phối hợp với cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua đề xuất phương án bảo đảm an toàn tại đường ngang trên toàn tuyến, bao gồm cả việc xây dựng đường gom, lập chắn đường ngang để xóa bỏ toàn bộ lối đi dân sinh hiện hữu, xác định trách nhiệm cụ thể của đơn vị, địa phương; trước mắt, phải đề xuất phương án và phân công rõ ràng trách nhiệm tổ chức cảnh giới an toàn cho toàn bộ đường ngang, bao gồm cả lối đi dân sinh.

Tiếp tục cung cấp lịch trình chạy tàu cụ thể qua tất cả đường ngang, kể cả các đường ngang dân sinh có người qua lại thường xuyên cho Ban An toàn giao thông và chính quyền địa phương các cấp để tổ chức cảnh giới; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn tại các đường ngang qua đường sắt.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Công an tỉnh Nam Định, Hưng Yên điều tra, làm rõ nguyên nhân tai nạn; Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương có đường sắt đi qua tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt đặc biệt là hành vi mở đường ngang trái phép qua đường sắt.

Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua được yêu cầu chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định 994 về phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014–2020; Có kế hoạch cụ thể việc xóa bỏ các đường ngang dân sinh trái phép qua đường sắt; Cương quyết chấm dứt việc để phát sinh đường ngang trái phép, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương có liên quan nếu để xảy ra phát sinh đường ngang dân sinh trái phép; tổ chức thực hiện cảnh giới bảo đảm ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt không có rào chắn; yêu cầu đơn vị quản lý, khai thác hạ tầng đường sắt trên địa bàn cung cấp lịch trình chạy tàu để tổ chức cảnh giới bảo đảm an toàn tại các đường ngang có người qua lại thường xuyên, kể cả đường ngang dân sinh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh Nam Định, Hưng Yên chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm cứu chữa nạn nhân bị thương và tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong, các nạn nhân bị thương trong 2 vụ tai nạn ngày 4/2; khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng không tổ chức cảnh giới an toàn tại lối đi dân sinh và đường ngang qua đường sắt dẫn đến 2 vụ gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng này.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói