“Phủ sóng” sản phẩm Hà Tĩnh trên toàn quốc

(Baohatinh.vn) - Năm 2022 đánh dấu sự thành công của hoạt động xúc tiến thương mại khi hàng trăm đặc sản của tỉnh liên tục có mặt ở các sự kiện quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trong nước và quốc tế. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên Hà Tĩnh tổ chức tuần lễ trưng bày hàng hóa quy mô vượt qua “biên giới tỉnh”.

Tuần lễ nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, làng nghề Hà Tĩnh tại Hà Nội là cầu nối tiêu thụ lượng lớn hàng hóa của tỉnh.

Đầu tháng 11/2022, Tuần lễ nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, làng nghề Hà Tĩnh diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện trưng bày sản phẩm đầu tiên Hà Tĩnh tổ chức ngoại tỉnh với quy mô đến 40 gian hàng, đánh dấu bước đột phá trong tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại.

Sự kiện đã thu hút 20.000 lượt khách tới tham quan, mua sắm, trở thành kênh xúc tiến thương mại hiệu quả để giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm tiêu biểu của Hà Tĩnh. Không chỉ đạt doanh thu gần 8 tỷ đồng trong 5 ngày diễn ra, chương trình đã trở thành cầu nối cho nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiếp cận với các siêu thị, DN lớn ở Hà Nội để hợp tác phân phối sản phẩm lâu dài. Đặc biệt, dịp này, cơ sở giò me Tiến Giáp (Hương Khê) đã kết nối tiêu thụ sản phẩm lâu dài tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP quận Ba Đình (Hà Nội).

Tham gia mua sắm tại tuần lễ, anh Lê Đức Hải (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi vẫn thường sử dụng các sản phẩm của Hà Tĩnh như nước mắm, hải sản khô, bánh ram… Tại tuần lễ này, chúng tôi đã chi gần 10 triệu đồng để mua các sản phẩm rượu nhung hươu, vòng trầm, bưởi Phúc Trạch, kẹo cu đơ…”.

Khách tham quan mua sắm tại Phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2022.

Trước đó, vào giữa tháng 9, phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2022 được tổ chức tại TX Kỳ Anh trong 3 ngày cũng đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho các đơn vị sản xuất hàng hóa trong tỉnh.

Ông Trương Văn Thuận - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh chia sẻ: “Trong năm 2022, các hoạt động xúc tiến thương mại đã thực sự “bùng nổ” sau 2 năm bị kìm nén bởi dịch COVID-19. Ngoài 26 sự kiện do đơn vị tổ chức, kết nối tham gia, chúng tôi còn tư vấn, hỗ trợ cho các DN đăng ký, tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm với hơn 20 sự kiện xúc tiến thương mại do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương và các đơn vị tổ chức tại các tỉnh, thành phố”.

Hà Tĩnh tham gia 2 gian hàng với hơn 40 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tại Hội chợ Công thương và sản phẩm OCOP Kon Tum năm 2022 (tháng 12/2022).

Theo thống kê, Hà Tĩnh hiện có 142 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp quốc gia, 249 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên. Bên cạnh đáp ứng yêu cầu chất lượng, nhờ “cú hích” từ khâu xúc tiến thương mại, nhiều sản phẩm đã có mặt trong các hệ thống siêu thị như Co.opmart, BigC, Winmart; các sàn thương mại điện tử lớn và xuất khẩu.

Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định: Qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng, nhiều sản phẩm tăng nhanh về doanh thu bán hàng, có những sản phẩm tăng hơn 2 - 4 lần so với trước. Một số sản phẩm trước đây chỉ tiêu thụ trong phạm vi làng, xã thì nay đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, như: bánh đa vừng Nguyên Lâm, sứa Mai Dung, bánh đa nem Nam Chi, bánh ram Anh Thu.

Đại diện sàn thương mại điện tử alibaba.com trao bản thỏa thuận ghi nhớ, hợp tác tiêu thụ một số sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất Hà Tĩnh tại Hội nghị xúc tiến thương mại kết nối, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh vào các hệ thống phân phối trong và ngoài nước (tháng 11/2022).

Là cơ sở có sản phẩm được tiêu thụ tại hơn 30 tỉnh, thành phố và xuất khẩu đi nhiều quốc gia, chị Lê Hoài Thu - chủ cơ sở bánh ram Anh Thu (Thạch Hà) cho hay: “Cơ sở chúng tôi bắt đầu sản xuất từ năm 2014. Nhờ đầu tư thiết bị, mở rộng quy mô và tích cực quảng bá hàng hóa đến với người tiêu dùng, sản phẩm của chúng tôi không chỉ được bán trong nước mà đã có mặt tại Hàn Quốc, Nhật Bản… Trung bình mỗi ngày, cơ sở bán ra thị trường 600-700 tệp bánh ram (mỗi tệp 100 cái). Để có được điều này, chúng tôi đã tận dụng tối đa cơ hội mỗi lần tham gia các hội nghị, hội chợ, triển lãm trưng bày hàng hóa để giới thiệu sản phẩm”.

Để phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh thì khâu tiêu thụ sản phẩm là vô cùng quan trọng. Trong đó, đưa sản phẩm vào các siêu thị, hệ thống phân phối lớn là mục tiêu chiến lược của tỉnh để đảm bảo tính bền vững và khẳng định, nâng tầm uy tín sản phẩm của tỉnh. Do vậy, các cấp, ngành đã tích cực đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các đơn vị sản xuất kết nối, mở rộng kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm, tạo mối liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm trầm hương Hà Tĩnh tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - hè 2022 (tháng 4/2022).

Về chiến lược lâu dài, ông Võ Tá Nghĩa cho biết, ngành công thương sẽ tiếp tục đa dạng hóa các kênh xúc tiến, nhất là thương mại điện tử, phối hợp với Bộ Công thương triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cấp vùng, tiếp tục tổ chức các sự kiện để quảng bá và kích cầu người tiêu dùng trong tỉnh, ưu tiên nguồn lực cho hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các thị trường trọng điểm trong nước và xuất khẩu…

Đối với các DN, cơ sở sản xuất, cần tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, chú trọng hoạt động quảng bá. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý sản phẩm, cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói