1. Sữa non là gì?
Sữa non là phần sữa đầu được tạo ra khi người mẹ mang thai từ 7 tháng trở lên. Theo đó, các hormone thai kỳ (chẳng hạn như Progesterone) do nhau thai sản xuất sẽ thúc đẩy cơ thể mẹ bắt đầu tạo sữa non từ tuần thứ 12 đến tuần thứ 18 của thai kỳ.
Sau khi sinh con, nhau thai sẽ tách ra khỏi tử cung. Khi không còn nhau thai, nồng độ Progesterone sẽ bắt đầu suy giảm. Điều này sẽ gửi tín hiệu đến ngực của mẹ để bắt đầu quá trình tiết sữa.
Sữa non có màu trắng đục, màu cam, màu vàng, màu vàng nhạt hoặc trong suốt, kết cấu đặc và hơi dính. Thành phần sữa non bao gồm các vitamin A, E, B2, B3, K,... và các dưỡng chất thiết yếu khác.
Trong sữa non gồm nhiều dưỡng chất quý giá, cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Theo nhiều nghiên cứu, sữa non có giá trị dinh dưỡng nhiều gấp 10 lần so với sữa chuyển tiếp (sữa tiết ra từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 10 sau sinh) và sữa trưởng thành (sữa tiết ra từ ngày thứ 11 trở đi sau sinh).
2. Bật mí những lợi ích tuyệt vời của sữa non cho bé sơ sinh
Mặc dù có số lượng rất ít, tuy nhiên sữa non lại có giá trị dinh dưỡng cao và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.
Thứ nhất, sữa non giúp bé tăng cường miễn dịch tự nhiên. Hệ miễn dịch của trẻ trong những năm đầu đời vô cùng non yếu nên rất dễ bị vi rút và vi khuẩn gây các bệnh như sởi, tiêu chảy, các vấn đề về đường hô hấp,... tấn công. Trong sữa non có chứa các tế bào bạch cầu, giúp tạo ra kháng thể Immunoglobulin A (IgA). Bên cạnh đó, sữa non còn rất giàu Lactoferrin - loại Protein có tác dụng chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng.
Sữa non được ví như “vắc - xin tự nhiên”, giúp bảo vệ con trước những tác nhân gây bệnh trong những năm đầu đời.
Thứ hai, sữa non rất giàu Ganglioside. Đây là nhóm chất béo đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện cấu trúc não của trẻ. Chính vì thế, bổ sung sữa non cho trẻ sơ sinh sẽ giúp con phát triển trí não sớm.
Thứ ba, sữa non có hàm lượng Lactose thấp nên giúp trẻ sơ sinh dễ tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Vì thế, sữa non còn giúp tăng cân cho trẻ sơ sinh tự nhiên.
Cuối cùng, sữa non còn có tác dụng nhuận tràng, kích thích trẻ bài tiết ra phân xu để đào thải Bilirubin dư thừa. Vì thế giúp ngăn ngừa được bệnh vàng da, mẫn cảm và dị ứng thường gặp ở trẻ sơ sinh.
3. Lưu ý gì khi sử dụng sữa non cho trẻ sơ sinh?
Do sữa non sở hữu nhiều lợi ích tuyệt vời nên không ít mẹ đã cố gắng vắt sữa non trong thai kỳ để dự trữ cho trẻ bú dần. Tuy nhiên, sữa non chỉ phát huy công dụng tốt nhất khi mẹ cho trẻ bú trực tiếp trong khoảng thời gian sớm nhất sau sinh. Sau khi rời khỏi cơ thể mẹ trong một thời gian, dưới sự ảnh hưởng của môi trường thì chất lượng sữa non không còn được đảm bảo. Hơn thế nữa, việc việc kích thích tuyến sữa khi mang thai gây co bóp tử cung, dẫn đến tình trạng sinh non.
Mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ càng sớm càng tốt, khoảng 30 phút đến 6 giờ sau khi sinh (tùy theo mẹ sinh thường hay sinh mổ). Điều này không chỉ giúp con nhận được đầy đủ dinh dưỡng trong sữa non, mà còn giúp mẹ kích thích tuyến sữa, hồi phục tử cung và phòng tránh một số vấn đề sau sinh.
Mẹ nên cho bé bú càng sớm càng tốt sau sinh để con nhận được trọn vẹn dưỡng chất của sữa non.
Có thể thấy, sữa non mang đến rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ sơ sinh. Chính vì thế, mẹ nên cho con bú sữa càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, mẹ đừng quên thiết lập chế độ ăn uống khoa học và nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường cả chất và lượng và của sữa non nhé.