Chị em phụ nữ: Đầu mối lương thực, thực phẩm hỗ trợ công dân cách ly

(Baohatinh.vn) - Dựa vào đội ngũ cán bộ chi hội để vận động và tiếp nhận sự ủng hộ của bà con nhằm tập trung đầu mối, giảm sự đi lại, tiếp xúc đông người - đó là cách làm hay của Hội LHPN xã Thạch Ngọc đang được nhân rộng tại các địa bàn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) - nơi có 16 khu tạm trú với gần 1.000 công dân.

Chị em phụ nữ: Đầu mối lương thực, thực phẩm hỗ trợ công dân cách ly

Chị em phụ nữ xã gom thực phẩm từ vườn nhà đóng góp cho khu tạm trú

Chị Từ Thị Xanh - Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Ngọc cho biết, sau khi xã đón những công dân địa phương về khu tạm trú trên địa bàn, nhận trách nhiệm chính về hậu cần lương thực, Hội Phụ nữ xã bắt đầu ra lời kêu gọi qua loa phát thanh đến tận thôn.

Trách nhiệm vận động, tập hợp được các chi hội trưởng phụ nữ đảm nhận bằng tinh thần, sự nhiệt tình, cách làm khoa học.

Chị em phụ nữ: Đầu mối lương thực, thực phẩm hỗ trợ công dân cách ly

Chi hội trưởng Lê Thị Hường lái xe chở số hàng bà con đóng góp bàn giao cho bếp ăn khu cách ly

Tại Chi hội Phụ nữ thôn Đông Châu, quầy hàng tạp hóa nhỏ của Chi hội trưởng Lê Thị Hường là điểm để bà con đến đóng góp. Tránh tập trung đông, nhà nào có gì lần lượt mang đến góp nấy.

Chị Hường cho biết, ngoài việc đi đầu trong đóng góp và tuyên truyền, vận động bà con, chị còn phải điều tiết để đảm bảo có đủ cả gạo, rau, gia vị theo yêu cầu bếp ăn khu tạm trú.

“Ngày đầu triển khai bếp ăn phục vụ khu tạm trú, chị em đã gom được 1 tạ gạo, vài tạ rau, củ, quả và góp tiền mua thêm 50 lít dầu ăn, nước mắm, gần 1 yến các loại gia vị. Theo sự sắp xếp, bố trí của Hội Phụ nữ xã, chúng tôi tiếp tục kêu gọi, gom hàng với tinh thần chia sẻ, hỗ trợ cao nhất ” – chị Hương cho biết.

Chị em phụ nữ: Đầu mối lương thực, thực phẩm hỗ trợ công dân cách ly

Chị Nguyễn Thị Sen - Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Ngọc Sơn đi đầu góp sản phẩm từ vườn mẫu

Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Ngọc Sơn - chị Nguyễn Thị Sen lại thuận lợi ở chỗ gia đình có khu vườn mẫu hơn 6 sào với nhiều loại loại rau, củ quả nên luôn sẵn sàng đóng góp hỗ trợ công dân cách ly.

Trong thôn, bà con cơ bản đều vườn rộng, chăn nuôi gia cầm nên khi Hội Phụ nữ xã ra lời kêu gọi, chỉ 1 buổi sáng là chị em lần lượt mang sản phẩm đến tập trung ở nhà chi hội trưởng. Xe hàng đầu tiên của Chi hội đã chuyển vào bếp ăn gồm 2,1 tạ gạo, 2,3 tạ rau, hàng trăm quả trứng gia cầm.

Chị em phụ nữ: Đầu mối lương thực, thực phẩm hỗ trợ công dân cách ly

Khi chi hội trưởng phụ nữ thôn phát lệnh gom hàng, ai có gì đều mang đến góp...

“Trực tiếp đón nhận tấm lòng bà con, nhiều chị làm tôi rơi nước mắt. Có chị cuộc sống còn túng thiếu thế mà cũng gom 2kg gạo đến góp; những cụ già 70, 80 tuổi gửi bầu, bí, rau xanh; nhiều chị sáng đi chợ bán mớ cua đồng được vài chục ngàn là ghé vào nhà chi hội trưởng nhờ góp giúp công dân cách ly. Vì vậy tôi cố gắng hơn để làm tốt vai trò cầu nối”.

Theo Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạch Ngọc, với 8 chi hội trưởng làm đầu mối vận động, tiếp nhận sự hỗ trợ của người dân ở các thôn, hội hoàn toàn chủ động để đáp ứng nhu cầu khu tạm trú.

Trước mắt, với 3 chi hội đóng góp trong tuần đầu là Ngọc Sơn, Đông Châu, Tân Tiến cùng một số tổ chức, cá nhân, hội đã góp được 6 triệu tiền mặt, 6,5 tạ gạo, 530 quả trứng, 7,5 tạ rau củ quả, 14 thùng mỳ tôm và các loại gia vị. Số lượng này đáp ứng nhu cầu bổ sung thực phẩm cho bữa ăn của hơn 60 người trong khu tạm trú cả đợt 14 ngày.

Chị em phụ nữ: Đầu mối lương thực, thực phẩm hỗ trợ công dân cách ly

Cán bộ Hội Phụ nữ cùng giáo viên các trường học trên địa bàn tham gia nấu cơm hỗ trợ khu tạm trú

Nguồn lương thực thực phẩm “cây nhà lá vườn” này đủ để nhà bếp đa dạng các loại thực phẩm, nâng cao chất lượng bữa ăn dành cho công dân trong khu tạm trú.

Hội sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả mạng lưới chi hội để tổ chức huy động nguồn đóng góp tại chỗ của bà con một cách hiệu quả, phù hợp. Bên cạnh đó, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ tham gia hỗ trợ nấu cơm cho công dân cách ly, đảm bảo vận hành guồng máy hậu cần nhịp nhàng để hỗ trợ lâu dài cho khu tạm trú.

Thạch Hà hiện có trên 900 người đang cách ly tại 16 điểm tạm trú trong toàn huyện. Tại các xã có điểm tạm trú tập trung, Hội Phụ nữ đã tham gia dọn vệ sinh, phục vụ nấu ăn và vận động hỗ trợ các nhu yếu phẩm. Tính đến thời điểm này, các cấp hội đã hỗ trợ các khu tạm trú 75 thùng mì tôm, 3.687 kg gạo, 21.856.000 đồng tiền mặt và hàng chục tạ rau củ quả các loại.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast