
Chị Phạm Thị Mai (SN 1980, ở thôn 8, xã Hương Lâm) là mẹ đơn thân nuôi 3 con nhỏ. Để nuôi con và duy trì cuộc sống, hằng ngày, chị Mai phải đi làm thuê với nguồn thu nhập bấp bênh từ 3-5 triệu đồng/tháng. Vì nhà thuộc diện cận nghèo, nên dù ngôi nhà gỗ lợp tranh luôn có nguy cơ bị sập nhưng việc sửa chữa hay làm mới với gia đình chị là “lực bất tòng tâm”.
Chị Mai chia sẻ: “Tôi chưa có ý định làm nhà đợt này vì chẳng có đồng nào tiết kiệm, lại phải nuôi con nhỏ dại. Nhưng khi được cấp ủy, chính quyền địa phương, thôn xóm đến động viên nhiều lần, tôi đã mạnh dạn vay mượn để làm nhà. Ngoài số tiền được Nhà nước hỗ trợ (70 triệu đồng) thì bộ đội biên phòng, đoàn thanh niên, anh em, làng xóm đã đến giúp đỡ về ngày công. Căn nhà 70m2 với chi phí khoảng 100 triệu đồng đang dần hoàn thiện, khoảng ít ngày nữa sẽ được vào ở”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Lài (64 tuổi, thôn 8) cũng đang phấn khởi đẩy nhanh tiến độ xây dựng ngôi nhà rộng 80m2 với chi phí 130 triệu đồng. Dù thời tiết nắng nóng nhưng hằng ngày ở đây vẫn có 10 - 15 người làm việc cật lực. Các lực lượng “chi viện” cùng với gia chủ và một số thợ tay nghề cao đang làm việc đầy trách nhiệm để lợp mái và lắp cửa, khoảng vài ngày nữa là bà Lài có thể vào ở.
Bà Lài cảm động: “Tôi thuộc hộ cận nghèo, đơn thân, ngôi nhà cũ dột nát từ lâu mà không dám làm lại vì không có tiền. Vừa rồi, lãnh đạo xã, các đoàn thể, Đồn Biên phòng Bản Giàng liên tục đến vận động và hứa sẽ hỗ trợ thêm ngày công nên tôi quyết tâm làm nhà. Đến nay, tôi đã được giúp đỡ gần 100 ngày công để di chuyển nhà cũ xuống làm bếp, thu dọn vườn, san lấp mặt bằng, vận chuyển vật liệu, xây tường, lợp mái…”.

Thôn 8 là nơi khó khăn nhất xã Hương Lâm nên chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025 của tỉnh được xem là “cuộc cách mạng”, là cứu cánh cho các hộ khó khăn về nhà ở tại vùng “phên dậu” này. Hiện, thôn đang xây dựng 16 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Các nhà có diện tích từ 70 – 100m2, kinh phí xây dựng từ 100 - 200 triệu đồng/nhà. Khi đưa vào sử dụng không chỉ giúp những đối tượng yếu thế được ở trong các ngôi nhà kiên cố, an toàn mà còn giúp bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khang trang.
Ông Dương Văn Nam – Trưởng thôn 8 (xã Hương Lâm) cho biết: “Để kịp tiến độ và nhà ở đảm bảo chất lượng, tôi đã kêu gọi mọi người phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, giúp đỡ ngày công, hỗ trợ tiền, vật liệu… Riêng bản thân tôi, ngoài việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thì còn đứng ra bảo lãnh cho bà con mua nợ vật liệu khi chưa nhận được tiền hỗ trợ”.

Hiện nay, tất cả 12 thôn ở xã biên giới Hương Lâm cũng đang rầm rộ lan tỏa phong trào kiên cố hóa nhà ở cho các đối tượng yếu thế. Do đặc thù của một vùng sinh kế khó khăn, sản xuất không hiệu quả, đời sống của người dân thấp hơn so với mặt bằng chung… nên Hương Lâm thuộc diện có nhiều nhà dột nát nhất tỉnh. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đợt này, xã kiên cố hóa 36 nhà ở.
Để giúp xã khó khăn này thực hiện "cuộc cách mạng” về nhà ở, Huyện đoàn Hương Khê đã điều động hàng trăm lượt đoàn viên thanh niên trên địa bàn tham gia lao động, trao tặng quà và tiền mặt cho 4 hộ có hoàn khó khăn nhất với tổng số tiền 40 triệu đồng. Các lực lượng như công an, dân quân tự vệ, cựu chiến binh, phụ nữ, bộ đội biên phòng… cũng đã giúp hàng nghìn ngày công để giảm thiểu các chi phí phát sinh, dành toàn bộ tiền được hỗ trợ để mua nguyên vật liệu.
Trung tá Nguyễn Văn Lương – cán bộ tăng cường phát triển KT-XH xã Hương Lâm (thuộc BĐBP Hà Tĩnh) cho biết: “Để giúp người dân Hương Lâm có được hàng chục ngôi nhà kiên cố, khang trang và ý nghĩa, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã điều động 2 tổ công tác với 10 cán bộ, chiến sĩ (chiếm 2/5 lực lượng "chi viện" cho toàn tỉnh) về phối hợp cùng Đồn Biên phòng Bản Giàng và các tổ chức đoàn thể khác tham gia giúp đỡ người dân. Chúng tôi đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc hết mình. Qua đó, góp phần giúp đỡ các hộ yếu thế "an cư lạc nghiệp", xây dựng vùng biên ngày càng giàu đẹp, thắt chặt tình quân dân khăng khít, nâng cao trách nhiệm bảo vệ biên giới cho toàn dân…”.

Chủ tịch UBND xã Hương Lâm Hoàng Văn Trung chia sẻ: “Địa phương chúng tôi thuộc xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, có nhiều đối tượng yếu thế nhà ở bị hư hỏng. Vì vậy, cùng với sự giúp sức tích cực và hiệu quả của các cấp, ngành, các nhà tài trợ, cả hệ thống chính trị cơ sở đang tập trung vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm trong thực hiện tốt chương trình nhân văn này. Đây cũng là cơ hội để xã nâng cấp tiêu chí nhà ở trong xây dựng NTM, tạo đột phá trong đảm bảo an sinh xã hội.
Đến thời điểm này, tất cả 36 nhà cơ bản xây xong phần thô; trong đó, 29 nhà đã lợp mái, các nhà khác đang hoàn thiện. Dự kiến đến 19/5, địa phương sẽ hoàn tất chương trình làm nhà ở cho các đối tượng khó khăn trên địa bàn”.