Thế giới nổi bật trong tuần: Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF

(Baohatinh.vn) - Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF; Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng... là những tin tức thế giới nổi bật nhất trong tuần (từ ngày 28/7 - 3/8/2019) được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới nổi bật trong tuần: Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF

Tên lửa phóng từ tàu ngầm. (Ảnh: USNI News)

Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung: Ngày 2/8, Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1987.

Quyết định rút khỏi INF được Mỹ thông báo tới Nga 6 tháng trước, với lý do Nga đã vi phạm hiệp ước này. Nga đã phủ nhận cáo buộc trên và cho rằng Mỹ muốn rút khỏi INF nhằm có cớ để phát triển các loại tên lửa mới.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra thông báo về chấm dứt hiệu lực Hiệp ước INF, trong đó nhấn mạnh, việc này xảy ra do sáng kiến của Mỹ.

Việc Mỹ rút khỏi INF đã chấm dứt thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga nhằm hạn chế việc phát triển các tên lửa phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500km tới 5.500km. Quyết định này cũng làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang.

Thế giới nổi bật trong tuần: Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Axios)

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng: Ngày 2/8, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn nước này Hoa Xuân Doanh đã thể hiện thái độ cứng rắn trước việc Mỹ sẽ tăng thêm 10% thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, động thái tăng thuế của Mỹ đã đi ngược lại nhận thức chung mà nguyên thủ hai nước Trung - Mỹ đạt được tại Osaka vừa qua, đi chệch quỹ đạo đúng đắn và không có lợi cho việc giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai nước.

Bà Hoa Xuân Doanh cảnh báo, nếu Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, nước này cũng buộc phải áp dụng các biện pháp đáp trả tương thích.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 1/9 tới. Tuyên bố của ông Trăm được đưa ra chỉ một ngày sau khi cuộc đàm phán mới nhất giữa hai bên vừa kết thúc tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Thế giới nổi bật trong tuần: Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF

Hamza bin Laden, con trai của Osama bin Laden. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ)

Con trai trùm khủng bố Osama bin Laden có thể đã chết: Hãng tin NBC News hôm 31/7 dẫn thông tin từ các quan chức Mỹ cho biết, Hamza bin Laden-con trai trùm khủng bố Osama bin Laden đã chết.

Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin chi tiết về địa điểm hay thời điểm Hamza bin Laden chết, cũng như vai trò của Mỹ trong cái chết của tên này.

Theo một quan chức Mỹ, chính phủ nước này sẽ sớm đưa ra thông báo về Hamza bin Laden, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về thông tin này.

Hamza bin Laden được cho là khoảng 30 tuổi, đã dành thời gian ở cùng cha tại Pakistan, sau khi Mỹ thực hiện chiến dịch truy quét các thủ lĩnh al-Qaeda tại Afghanistan. Sau khi Osama bin Laden chết trong một cuộc truy kích của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, Hamza được cho là một người trẻ, có tiếng nói quan trọng trong nhóm các thủ lĩnh của al-Qaeda để kêu gọi sự ủng hộ với nhóm này trên toàn thế giới.

Thế giới nổi bật trong tuần: Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF

Tên lửa Triều Tiên phóng ngày 25/7. (Ảnh: KCNA)

Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa: Chỉ trong vòng 1 tuần, Triều Tiên đã ba lần phóng các vật thể bay được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra bờ biển phía Đông nước này, lần lượt trong các ngày 2/8, 31/7 và 25/7.

Ngày 3/8, Triều Tiên thông báo đã thử nghiệm hệ thống rocket dẫn đường năng lực cao mới trong những vụ phóng được tiến hành 1 ngày trước dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Vụ khai hỏa hệ thống phóng nhiều rocket là nhằm kiểm tra các khả năng của hệ thống này, như tầm bay và khả năng kiểm soát đường đạn.

Truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức chính phủ cho biết các vật thể được phóng vào biển Nhật Bản được cho là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn tương tự như các vũ khí được Triều Tiên bắn thử trong 8 ngày qua.

Phản ứng trước động thái mới của Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông “không có vấn đề gì” với một loạt vụ phóng thử này và tin rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ không vi phạm cam kết.

Giới chuyên gia nhận định các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên dường như muốn bộc lộ sự không hài lòng trước cuộc tập trận quân sự chung giữa Hàn Quốc và Mỹ dự kiến tổ chức trong tháng tới.

Thế giới nổi bật trong tuần: Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF

Quốc vương Malaysia Abdullah Sultan Ahmad Shah tại lễ đăng quang ở Kuala Lumpur ngày 30/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quốc vương Malaysia Abdullah Sultan Ahmad Shah chính thức đăng quang: Ngày 30/7, Quốc vương thứ 16 của Malaysia Abdullah Sultan Ahmad Shah đã chính thức đăng quang.

Quốc vương Abdullah, 59 tuổi, từng du học ở Anh và đam mê thể thao. Ông được lựa chọn làm người trị vì mới của Malaysia hồi tháng Một vừa qua sau khi Quốc vương Muhammad V, 49 tuổi, bất ngờ thoái vị sau 2 năm cầm quyền. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Malaysia, một quốc vương thoái vị.

Theo quy định đặc biệt chỉ có tại Malaysia, những người đứng đầu của 9 bang ở quốc gia này sẽ lần lượt đảm nhận vị trí Quốc vương trong nhiệm kỳ 5 năm. Quy định này được duy trì từ khi Malaysia giành độc lập năm 1957.

Phát biểu tại lễ đăng quang, Quốc vương Abdullah đã kêu gọi người dân đoàn kết và cảnh báo về những mưu toan gây mâu thuẫn sắc tộc tại quốc gia này.

Thế giới nổi bật trong tuần: Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF

Bà Kristalina Georgieva. (Ảnh: alchetron.com)

EU nhất trí ứng viên cho cương vị Tổng Giám đốc IMF: Ngày 2/8, các bộ trưởng tài chính EU đã bỏ phiếu lựa chọn Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), Kristalina Georgieva, làm ứng cử viên của khối cho vị trí Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trên trang Twitter cá nhân, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire khẳng định nhà kinh tế người Bulgaria "hiện là ứng viên cho chức vụ Tổng Giám đốc IMF mới". Sau thông báo, bà Georgieva đã bày tỏ vinh dự khi được EU đề cử, đồng thời cho biết đã yêu cầu kết thúc nhiệm kì ở WB.

Theo kế hoạch, IMF sẽ bầu nhà lãnh đạo mới vào ngày 4/10 tới. Nếu được bổ nhiệm, bà Georgieva sẽ trở thành Tổng giám đốc nữ thứ 2 của IMF sau bà Christine Lagarde, người đã từ chức trước đó để lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Thế giới nổi bật trong tuần: Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF

Ảnh minh họa: AP

IAEA ấn định thời điểm tiến hành bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới: Reuters đưa tin, ngày 1/8, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông báo cơ quan này dự kiến bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới vào tháng 10 tới và Tổng Giám đốc mới sẽ nhậm chức vào tháng 1 năm sau.

Trước đó, cơ quan này cho biết nhà ngoại giao Romania Cornel Feruta sẽ lãnh đạo IAEA cho tới khi các nước thành viên đồng thuận người kế nhiệm thường trực sau khi Tổng Giám đốc Yukiya Amano đã qua đời.

Thời hạn đóng các đơn ứng tuyển là ngày 5/9 tới. Đây là thời hạn mà Ban Giám đốc của cơ quan giám sát hạt nhân gồm 35 nước thành viên này đã quyết định trong cuộc họp ngày 1/8.

Giới quan sát nhận định cuộc đua nhằm trở thành người kế nhiệm ông Amano sẽ thu hút sự chú ý của dư luận trong bối cảnh căng thẳng quốc tế gia tăng liên quan tới các hoạt động hạt nhân gần đây của Iran.

Thế giới nổi bật trong tuần: Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF

Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Mozambique và phe đối lập chấm dứt 27 năm thù địch: Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi và lãnh đạo đảng đối lập Phong trào kháng chiến Mozambique (Renamo) Ossufo Momade ngày 1/8 đã ký thỏa thuận mang tính bước ngoặt, chính thức chấm dứt 27 năm thù địch, sau cuộc nội chiến kéo dài suốt 15 năm qua, đồng thời là cuộc nội chiến đầu tiên ở quốc gia ở miền Nam châu Phi này.

Lễ ký kết diễn ra tại căn cứ quân sự Renamo ở vùng núi Gorongosa, thuộc miền Trung Mozambique. Thời điểm này được xem là “khoảnh khắc lịch sử," khẳng định hy vọng của các bên liên quan về một tương lai tương sáng cho đất nước.

Xung đột vũ trang giữa Renamo và Chính phủ Mozambique do đảng Mặt trận Giải phóng Mozambique (Frelimo) cầm quyền kéo dài từ năm 1977 đến năm 1992, đã bùng phát trở lại từ 2013-2016.

Tháng 7/2018, Renamo đã ký một thỏa thuận hòa bình sơ bộ với Chính phủ Mozambique, theo đó nhóm vũ trang này trở thành một đảng đối lập nhưng vẫn chưa hoàn toàn giải giáp vũ khí.

Trước lễ ký diễn ra ngày 1/8, trong Thông điệp quốc gia tại Quốc hội Mozambique, Tổng thống Filipe Nyusi cho biết các chiến binh của đảng đối lập chính đã bắt đầu tiến trình giải giáp, giải ngũ và tái hòa nhập cộng đồng.

Thế giới nổi bật trong tuần: Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF

Bà Kelly Craft. (Ảnh: AP)

Mỹ bổ nhiệm đại sứ mới tại Liên Hợp Quốc: Thượng viện Mỹ ngày 31/7 đã thông qua việc bổ nhiệm bà Kelly Craft làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.

Quyết định này được đưa ra bất kể các thượng nghị sỹ Dân chủ lo ngại rằng bà Kelly Craft thiếu kinh nghiệm và có thể có xung đột về lợi ích.

Với kết quả 56 phiếu thuận và 34 phiếu chống tại Thượng viện, bà Kelly Craft đã chính thức trở thành tân Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc sau khi vị trí này bị bỏ trống trong vòng 7 tháng.

Trước đó, tại buổi điều trần tại Thượng viện, bà Kelly Craft đã cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực của người tiền nhiệm Nikki Haley nhằm cải tổ Liên Hợp Quốc, đấu tranh chống các nghị quyết và các hành động của Liên Hợp Quốc và các cơ quan thuộc tổ chức này chống lại Israel.

Thế giới nổi bật trong tuần: Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF

Một tòa nhà lò phản ứng (bên phải) và tòa tuabin tại nhà máy điện hạt nhân Tokai Daini của Công ty Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản.

Nhật Bản dỡ bỏ tất cả các lò phản ứng điện hạt nhân tại Fukushima: Ngày 31/7, Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) chính thức quyết định dỡ bỏ tất cả các lò phản ứng điện hạt nhân tại tỉnh Fukushima.

Điều này có nghĩa là 10 lò phản ứng, gồm 6 lò phản ứng thuộc Nhà máy điện Fukushima số 1 và 4 lò phản ứng thuộc Nhà máy điện Fukushima số 2 sẽ bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Chủ tịch TEPCO Tomoaki Kobayakawa đã thông báo quyết định đối với chính quyền tỉnh Fukushima.

EPCO cho biết cần hơn 40 năm và sẽ tiêu tốn khoảng 280 tỷ yên (tương đương 2,6 tỷ USD) để thực hiện công việc dỡ bỏ 4 lò phản ứng thuộc Nhà máy số 2. Công ty này cũng sẽ xây dựng một cơ sở lưu trữ tại chỗ phần nhiên liệu hạt nhân lấy ra từ nhà máy. Tuy nhiên, họ vẫn chưa chọn nơi xử lý cuối cùng cho nhiên liệu.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast