Quen thân từ trước với một người sinh sống ở Campuchia nên khi biết nhiều người ở Việt Nam có nhu cầu mua pháo nổ để sử dụng vào dịp tết, Hoàng Khắc Phi (SN 1993, trú tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã chủ động liên hệ với người này để mua pháo lậu đưa về nước tiêu thụ.
Khi pháo được vận chuyển trót lọt về Việt Nam, Phi bán lại cho Đinh Quang Nhật (SN 1995, trú tại phường Chi Lăng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ đây, Nhật phân công cho 3 người khác vận chuyển pháo về tập kết tại kho ở TP Pleiku đóng gói, phân loại, đưa đi tiêu thụ.
Để chủ động “thị trường”, nhóm đối tượng tham gia vào hội nhóm mua bán pháo trên các trang mạng xã hội. “Khách hàng” khi có nhu cầu sẽ phải chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Nhận được tiền, nhóm đối tượng cho pháo vào túi nilon, thùng các-tông rồi bọc nhiều lớp, gửi xe khách hoặc thuê shipper chuyển hàng cho “khách”. Với “khách” mua pháo số lượng lớn, chúng trực tiếp dùng xe ô tô chuyển “hàng” tới tận tay.
Dù phương thức, thủ đoạn hoạt động hết sức tinh vi nhưng việc mua bán pháo trái phép của các đối tượng không qua mắt được Công an Hà Tĩnh. Đường dây của chúng bị Công an huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) phát hiện từ tháng 9/2024.
Thượng tá Nguyễn An Ninh - Trưởng Công an huyện Đức Thọ cho hay: Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, đơn vị phối hợp với các phòng nghiệp vụ công an tỉnh đã xác lập chuyên án đấu tranh. Qua quá trình trinh sát, điều tra, ban chuyên án xác định được nhân thân, lai lịch, vai trò, vị trí của từng đối tượng trong đường dây mua bán pháo trái phép.
Ngày 18/11, nhận thấy thời cơ đã “chín muồi”, Công an Hà Tĩnh huy động 60 cán bộ, chiến sĩ chia thành 8 tổ công tác, phối hợp với Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Gia Lai tiến hành bắt giữ Hoàng Khắc Phi, Đinh Quang Nhật cùng 4 đối tượng và thu giữ thu giữ 2,2 tấn pháo, 4 xe ô tô, 3 khẩu súng cùng một số hung khí khác.
Trước đó, vào tối 14/11, tại quốc lộ 8 đoạn qua xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các đơn vị của BĐBP tỉnh, Cục Hải quan tỉnh kiểm tra xe khách mang biển số Lào chạy tuyến Vinh (Nghệ An) - Viêng Chăn (Lào) có khoang tự chế trên trần xe để cất giấu trái phép 168 hộp pháo hoa nhãn hiệu nước ngoài trọng lượng 212kg.
Tại cơ quan điều tra, phụ xe khách tên Lê Văn Hưng (SN 2002, trú tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) thừa nhận là chủ của số pháo lậu trên. Hưng khai đã mua pháo lậu giá 12 triệu kíp Lào của một người đàn ông ở TP Viêng Chăn để đưa về Việt Nam sử dụng và bán kiếm lời.
Đây là 2 trong số nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ, mua bán pháo lậu đã bị Công an Hà Tĩnh và các lực lượng chức năng triệt phá, bắt giữ trong thời gian qua. Tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép có dấu hiệu gia tăng, diễn biến phức tạp khi ngày tết cận kề, nhất là khi Hà Tĩnh có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, có quốc lộ 8 đi qua Cửa Khẩu Quốc tế Cầu Treo - Nậm Phao và quốc lộ 12C nối Khu kinh tế Vũng Áng qua Cửa khẩu Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) đi Lào.
Hiện nay, người dân được đốt loại pháo hoa không gây ra tiếng nổ do nhà máy của Bộ Quốc phòng sản xuất trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi, nhưng thực tế, một bộ phận người dân vẫn “ưa chuộng” các loại pháo nổ trái phép. Việc sử dụng pháo hoa nổ trái phép không chỉ gây nguy hiểm cho người dân mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Đối tượng phạm tội không chỉ là người địa bàn mà còn có các tỉnh khác, xuất cảnh qua biên giới làm thuê, khi về quê tranh thủ mua pháo vừa sử dụng, vừa bán kiếm lời.
Các đối tượng vận chuyển, buôn bán pháo có thể ngụy trang bằng nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn tránh các lực lượng chức năng, như chia nhỏ số lượng pháo cất giấu lẫn trong hàng hóa, cất giấu pháo trong cabin, thùng xe hay thuê người dân thiếu hiểu biết vận chuyển khiến công tác kiểm tra, kiểm soát gặp khó khăn.
Ngoài ra, một số đối tượng cấu kết với người địa phương đang làm ăn ở nước ngoài đặt số lượng lớn pháo qua mạng xã hội rồi vận chuyển bằng đường tiểu ngạch về tập kết trên địa bàn để tiêu thụ, hoặc móc nối với người ở ngoại tỉnh mua pháo lậu từ nước ngoài đưa vào địa bàn Hà Tĩnh tiêu thụ.
Trước tình trạng buôn lậu pháo diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để ngăn chặn, xử lý. Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, công an địa phương thường xuyên trao đổi thông tin với lực lượng BĐBP, hải quan và tổ chức tuần tra liên tục, đặc biệt tại các địa bàn, tuyến giao thông, khu vực đường mòn, lối tắt dễ có vi phạm pháp luật về pháo.
Công an Hà Tĩnh cũng yêu cầu công an các địa phương phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của pháo nổ và các hình phạt nếu vi phạm, đồng thời phát động phong trào toàn dân tố giác, giúp lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn pháo nổ.
Cùng đó, các cơ quan chức năng đã xác lập chuyên án điều tra nhắm vào các đầu mối và đường dây buôn lậu lớn để có thể phá đường dây cung cấp, làm giảm nguồn cung pháo lậu qua biên giới.