Chị N.T.T.H làm nghề may ở xã Hương Trạch, Hương Khê. Ngoài ra, chị còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi lên mạng xã hội quảng bá, bán một số sản phẩm nông sản địa phương như bưởi, cá sông, mật ong… để kiếm thêm thu nhập.
Chị H. kể lại: "Ngày 5/12, như thường lệ, tôi đăng bài bán hàng gồm mật ong và cá mát trên mạng xã hội Facebook. Sau khi đăng tải, một tài khoản cá nhân có tên “Lê Việt” vào bình luận với nội dung “ib e nhé”. Nghĩ là khách hàng muốn mua sản phẩm nên khi rảnh rỗi, tôi có nhắn tin tư vấn và báo giá sản phẩm. Người này giới thiệu ở Bắc Giang, hiện đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và muốn mua mật ong để tặng bố. Đồng thời nhắn sẽ chuyển tiền trước và thông báo đến tôi. Do họ gửi địa chỉ nhận hàng, số điện thoại cụ thể (0338468307) nên tôi không nghi ngờ. Thậm chí, khi gọi điện cho người nhận (người bố) thì cũng được xác nhận có con tên Việt đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài".
Một lúc sau, tài khoản Lê Việt tiếp tục nhắn tin với các nội dung đã chuyển tiền và hỏi chị H. đã nhận được tiền chưa. Sau đó, chị H. nhận được tin nhắn SMS từ số điện thoại +84332231618 với nội dung: “Western Union: 9912722919 +3.000.000VND. Vietcombank: Xin Thong Bao Quy Khach Co Mot Giao Dich Tu Dich Vu Chuyen Tien Quoc Te Western Union. Quy Khach Vui Long Xac Nhan Thu Tuc De Nhan Tien Tai: https://biolink.com.vn/dichvunhantienquocte”. Đồng thời, tài khoản Lê Việt tiếp tục nhắn tin hướng dẫn “cách nhận tiền”.
Tuy nhiên, sau khi bấm vào đường link lạ và làm theo một số bước xác nhận, điện thoại thông minh, chị H. kích hoạt camera nhận diện khuôn mặt; tài khoản ngân hàng thông báo toàn bộ số dư hơn 80 triệu đồng đã được chuyển tới "PHAM HUU THINH, CBBANK".
Chị H. chia sẻ: "Khoảnh khắc nhận ra bị lừa, bị mất tiền, tôi chỉ biết òa lên khóc. Bản thân tôi đã đọc nhiều thông tin cảnh báo lừa đảo trên mạng, thậm chí còn dặn dò, tuyên truyền người thân, bạn bè cảnh giác, tuy nhiên, với thủ đoạn tinh vi, trong 1 lúc mất cảnh giác, chính tôi bị hack số tài sản lớn. Đây là số tiền tôi vừa vay lãi để chuẩn bị cho con trai đi xuất khẩu lao động.
Các đối tượng lừa đảo vẫn tiếp tục “động viên” và khẳng định số tiền đó không bị mất đi. Một người khác dẫn dụ tôi tiếp tục nộp tiền đầu tư thêm 41 triệu đồng để họ chuyển trả về 121 triệu đồng. Lúc này, người thân tôi đã phát hiện sự việc, trực tiếp trao đổi với các đối tượng thì bị chặn kết nối".
Không chỉ riêng đối với chị H. mà thời gian gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có huyện Hương Khê nói chung, xã Hương Trạch nói riêng diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại lớn về tài sản cho Nhân dân từ vài triệu đến hàng tỷ đồng; gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, tình hình an ninh, trật tự; gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trong đó, nổi lên là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt như chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...), mạo danh người thân mượn tiền giải quyết việc gấp; giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, nhân viên ngân hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; kêu gọi đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng; gửi đường link có mã độc để “hack” chiếm quyền điều khiển điện thoại, tài khoản ngân hàng; đường link giả mạo ngân hàng để nhận, chuyển tiền…
Chủ tịch UBND xã Hương Trạch Cao Quốc Hội cho biết: Nắm được thông tin vụ việc, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Công an xã xác minh, điều tra. Đồng thời, giao các đơn vị, địa phương gắn với các hoạt động tổng kết cuối năm để tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho nhân dân về phương thức, thủ đoạn và các kỹ năng nhận biết, phòng ngừa hoạt động tội phạm trên không gian mạng.
Trong đó, trọng tâm tuyên truyền theo khẩu hiệu “4 không, 2 phải”, gồm: “Không sợ” (không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ mặt gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân); “không tham” (khi có người lạ gọi điện hoặc gửi tin nhắn thông báo được trúng thưởng hoặc nhận được khoản tiền lớn không rõ nguồn gốc thì không được tin lời các đối tượng); “không kết bạn với người lạ”; “không làm” (khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không được làm theo).
“2 phải” là: “Phải thường xuyên cảnh giác” (chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: Thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...); “phải tố giác ngay với cơ quan pháp luật khi có nghi ngờ”.